Giới thiệu với quý bà con kĩ thuật trồng chăm sóc cây Hương Bài mang lại hiệu quả cao.
1. Giới thiệu
Tên thường gọi là Hương bài hay Rễ hương, tên khác là Huệ rừng
Tên khoa học là Dianella ensifolia DC
2. Giá trị sử dụng
Rễ Hương bài dùng để làm nguyên liệu làm hương trầm thắp vào dịp lễ, tết, có mùi thơm đặc trưng. Nếu có điều kiện thì chiết suất lấy hương liệu.
3. Đặc điểm hình thái
– Cây hương bài có chiều cao từ 40 – 50 cm là loại cây thân thảo, lá mọc so le, có bẹ lá ôm lấy thân, hai bên thân hình nan quạt trông giống như chiếc quạt, lá có hình mũi mác, màu xanh lá mạ.
– Hoa mọc thành cụm, ở tận cùng dài từ 10 – 20 cm, không có đế cuống, hoa màu tím nhạt, nụ hình trứng, mỗi hoa có 3 lá đài, 3 cánh trắng, 6 nhị cầu và 3 ngăn.
– Quả mọng, khi chín có màu tím sẫm, hay màu xanh đen, hình cầu, đường kính từ 8 – 9 mm, có 1 – 3 hạt, mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 5.
4. Đặc tính sinh thái
– Hương bài là loài ưa khí hậu nóng ẩm, là cây ưa sáng nhưng cũng có thể chịu bóng, có khả năng chịu được nắng hạn và rét lạnh.
– Cây thích hợp nhiều loại đất, nhất là phù sa, đất đồi núi thấp còn nhiều mùn, ít chua, thoát nước không bí chặt.
– Cây hương bài thích ứng rộng nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc.
5. Kỹ thuật tạo giống
Có 3 phương pháp tạo giống:
5.1. Tạo giống bằng hạt
– Sau khi thu hoạch quả chín, ngâm quả trong nước 2 sôi 3 lạnh 48 giờ, đem quả ra xát sạch vỏ lấy hạt ủ, hàng ngày rửa chua một lần, ủ đến khi hạt nẩy mầm đem hạt ra gieo lên luống, khi cây cao từ 20 – 25 cm thì đem trồng (Phương pháp này ít làm vì tốn công và nhiều thời gian).
5.2. Tạo giống bằng phương pháp giâm hom
Sau khi thu hoạch rễ ta lấy đoạn thân cách gốc 10 cm trở lên, cắt hom phải đảm bảo có từ 2 – 3 mắt, khi cắt hom không giập nát, mỗi cây chỉ lấy từ 3 – 4 hom.
– Thời gian giâm hom trong vườn ươm từ 50 – 70 ngày là có thể xuất vườn.
5.3. Tạo giống gốc (tách gốc)
– Trước khi thu hoạch chọn cây con bánh tẻ ở nhưng cây mẹ khỏe, không sâu bệnh để tách gốc và trồng ngay sau khi thu hoạch.
– Phương pháp này là phổ biến nhất hiện nay, nhược điểm là khi làm quy mô lớn thì khó đủ giống.
6. Kỹ thuật trồng
6.1. Thời vụ
– Vụ xuân: Tháng 2 – 3
– Vụ thu: Tháng 9 – 10
6.2. Phương thức trồng
Trồng thuần loài hoặc trồng xen trong hàng cây khi cây rừng, cây ăn quả chưa khép tán để tận dụng đất và chống xói mòn rất tốt.
6.3. Xử lý thực bì
Nếu trồng mới thì phát dọn toàn diện, nếu trồng xen thì làm sạch cỏ theo băng, phát giấy leo, làm nhỏ đất rồi lên luống hoặc làm từng đám tùy thuộc vào điều kiện cụ thể. Nếu trên đất dốc thì làm cục bộ từng hố kích thước 30 x 30 x 30 cm.
6.4. Cự ly
– Cây cách cây: 30 cm
– Hàng cách hàng: 40 cm
6.5. Phân bón cho 1 sào Bắc Bộ (360m2)
– Phân chuồng hoai: 55 – 60 kg
– NPK: 30-35 kg
– Vôi bột: 20 kg
6.6. Cách bón
Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, NPK theo hàng hoặc theo hốc, bón xong lấp một lớp đất mỏng rồi mới trồng cây.
6.7. Cách trồng
Để cây đứng thẳng, lấp đất ngập gốc 3 cm rồi ấn chặt gốc. Khi trồng nên bố trí trồng hàng so le theo hình nanh sấu.
7. Chăm sóc, bảo vệ
– Sau khi trồng 2 tháng tiến hành chăm sóc đợt 1 làm cỏ, xới vun gốc, mỗi năm nên chăm sóc từ 2 – 3 lần.
– Không cho gia súc vào vườn sau khi trồng, thường xuyên kiểm tra đề phòng mối gây hại cây.
8. Thu hoạch
– Nếu trồng vào vụ xuân thì tháng 12 thu hoạch.
– Nếu trồng vụ thu thì cuối năm sau thu hoạch. Trường hợp chưa có thị trường thì có thể để năm sau thu hoạch cũng được.
– Cách thu hoạch: dùng cuốc hoặc thuổng trọc quanh gốc cây rồi nhổ toàn bộ rễ, đập sạch đất rồi dùng dao sắc cắt sát gốc, rửa sạch, phơi khô cho vào bao tải để nơi thoáng mát, khô ráo.
Nguồn: sưu tầm