Dù là vùng đồi Cột Cờ, địa bàn giáp ranh giữa xã Quỳnh Châu và xã Quỳnh Thắng của huyện Quỳnh Lưu khô cằn, thiếu nguồn nước, nhưng nhờ biết vận dụng đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây, con chịu hạn tốt nên mỗi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Lài thu về hàng trăm triệu đồng từ mô hình đặc biệt này.
Quỳnh Châu là xã bán sơn địa nằm về phía Tây của huyện Quỳnh Lưu, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nơi đây luôn gặp nhiều khó khăn do tính chất đất đai khô cằn. Nguồn nước ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào trời, với nguồn chính là các hồ đập có trữ lượng thấp, chưa nắng đã cạn. Nhiều năm hạn hán, bà con đành bỏ hoang đồng ruộng vì không thể canh tác được. Đối với đất đồi rừng càng gặp nhiều khó khăn, nên phần lớn bà con chủ yếu trồng rừng cây nguyên liệu như bạch đàn, keo, tràm…
Nắm bắt nhu cầu của thị trường về nguồn cung đào phai mỗi dịp tết, chị Lài đã trồng 500 gốc đào
Thế nhưng, trong trang trại của gia đình chị Lài ở vùng đồi cao luôn xanh mướt, chủ lực là các loại cây trồng có khả năng “siêu” chống hạn gồm dứa, hương bài, cây đào, cây vải và hàng trăm thùng ong. Chị Lài cho biết, trước đây từng thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau như mía, đậu, lạc, ngô… nhưng do đất quá cằn cỗi, thiếu nước trầm trọng nên nhiều loại cây đã không thể phát triển được.
Sau nhiều năm loay hoay, chị đã chọn được lối đi riêng, quy hoạch vườn thành các vùng trồng nhiều loại cây có khả năng chịu hạn cho năng suất và sản lượng cao. Điển hình như cây dứa và cây hương bài với diện tích gần 1,5 héc ta gối vụ, mỗi năm gia đình chị thu về 180 triệu đồng.
Hương bài là cây chống hạn cho thu nhập cao hiện nay ở vùng đất khó canh tác
Bên cạnh 2 loại cây trồng chủ lực này, chị còn trồng thêm 100 gốc vải thiều, vào vụ, mỗi cây vải thiều cho thu hoạch từ 1 đến 2 tạ quả, giá trung bình 6.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng.
Vùng đất núi khô cằn này cũng rất thích hợp với loại cây đào, vì thế vợ chồng chị Lài đã trồng 500 gốc đào để cắt nhánh bán vào dịp tết, mỗi năm đem về khoản thu khoảng 80 triệu đồng.
Dưới tán những cây vải lâu năm – nguồn dinh dưỡng quý giá của loài ong, là những thùng ong mật, hoa vải. Nuôi ong tự nhiên gần như thu lãi ròng hoàn toàn. Ngay cả khoản đầu tư lớn nhất là chiếc thùng gỗ, vẫn có thể tận dụng từ những miếng gỗ vụn.
Dưới gốc và tán lá của cây vải là 100 thùng ong lấy mật. Diện tích vườn đồi rộng lớn, hoa đào, hoa vải vào mùa nở rộ, chính là nguồn thức ăn cho đàn ong mật nàyj. Theo chị Lài, nuôi ong theo hình thức tự nhiên cho chất lượng mật rất tốt, thị trường ưu chuộng. Chỉ tính riêng bán mật ong, mỗi năm gia đình chị đã có 120 triệu đồng, mà chi phí bỏ ra không đáng kể.
Như vậy, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Hiện nay, nhờ áp dụng máy móc trong khâu làm đất nên trang trại sản xuất của chị Nguyễn Thị Lài đã tiết kiệm được nhiều công lao động. Trừ những thời điểm mùa vụ phải thuê công nhân, hàng ngày, gia đình chị Lài chỉ cần 4 người trong nhà trực tiếp lao động. Đây được coi là một trong những mô hình cho thu nhập ổn định và có tính bền vững nhất hiện nay ở xã miền núi Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu.