Site icon Nuoitrong123

Kỹ thuật trồng cây Thông nhựa

Cây gỗ lớn, cao 25-30 m và có thể hơn, đường kính ngang ngực 50-60 cm, có cây tới 1 m. Thân tnẳng tròn nhiều nhựa. Cây 25-30 tuổi sinh trưởng tốt có thể chích được lượng nhựa 3-4 kg/năm.

THÔNG NHỰA

Tên khác: Thông ta, thông hai lá
Tên khoa học: Pinus merkusii Juss et de Vries; P. merkusiana E.N.G; Cooling et H.Gauss
Họ thực vật: Thông (Pinaceae)

1. Đặc trưng hình thái

Cây gỗ lớn, cao 25-30 m và có thể hơn, đường kính ngang ngực 50-60 cm, có cây tới 1 m. Thân tnẳng tròn  nhiều nhựa. Vỏ dày, màu nâu đỏ nhạt hay nâu đen, nứt dọc sâu. Tán lá rộng, lá kim màu xanh thẫm, dài 15-25 cm. Gốc lá có bẹ dài 1-2 cm. Qủa hình nón, hạt hình trái xoan, hơi dẹt. Ra hoa tháng 5-6, qủa chín vào tháng 9-10 năm sau, khoảng 35-40 kg quả cho 1 kg hạt. Một kg hạt có từ 27.000-30.000 hạt.

Cây ưa sáng hoàn toàn, khi nhỏ chịu được bóng râm nhẹ, xanh quanh năm, tỉa cành tự nhiên kém, tái sinh hạt rất manh. Rễ rất phát triển, ăn lan rộng có nơi tới 8-10 m, rễ cọc đâm sâu, rễ tơ có nấm cọng sinh tạo thành nốt sần. Mọc chậm lúc nhỏ nhất là ở giai đoạn trươc 4-5 tuổi, đến tuổi 10-12 bắt đầu ra hoa.

 

2. Đặc tính sinh thái

Quê hương chính của thông nhựa là các nước Đông Nam Á, mọc ở  vành đai độ cao từ 10-250m và 700-900 m so với mức nước biển; có 2 nhóm xuất xứ:

Nhóm lục địa phân bố ở vùng có mùa khô từ 3-6 tháng, có giai đoạn cỏ trong thời gian từ 3-5 năm đầu, có hàm lượng và chất lượng nhựa không cao. Thông nhựa ở Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam thuộc nhóm này.

Nhóm đảo phân bố ở vùng cận nhiệt đới có lượng mưa và độ ẩm cao với một mùa khô ngắn; không có giai đoạn cỏ, có hàm lượng và chất lượng nhựa cao hơn, chỉ có thông nhựa ở Sumatra thuộc nhóm này.

Thông nhựa ở nước ta có phạm vi phân bố khá rộng giới hạn trong phạm vi 10 vĩ tuyến với gần 5 kinh tuyến, ở độ cao từ dưới 100-200m đến gần 1000m ở nơi sát hay gần sát biển đến cách biển hơn 100 km theo đường thẳng. Có 2 dạng hay kiểu sinh học của cây con thông nhựa có các đặc trưng hình thái và sinh trưởng khác nhau liên quan với 2 vùng lớn có chế độ mưa vào vụ Hè Thu và vụ Thu Đông khác nhau:

Dạng 1 có lá dài, màu xanh thẫm mọc tập trung ở đỉnh thân, sinh trưởng nhanh về đường kính và chậm về chiều cao gồm thông nhựa ở Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng), Yên Lập, Uông Bí (Quảng Ninh), Phú Bình (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La).

Dạng 2 có lá ngắn, màu xanh nhạt mọc tập trung từ giữa đến 1/3 trở lên đến đỉnh thân, sinh trưởng chậm về đường kính và nhanh hơn về chiều cao, gồm thông nhựa ở Huế, Bố Trạch (Quảng Bình), Hoàng Mai (Nghệ An), Hà Trung (Thanh Hoá), Nho Quan (Ninh Bình).

Vùng thấp dưới 300-400m so với mực nước biển có thông nhựa dạng 1 với chế độ mưa mùa hè thu có ở Quảng Ninh, Thái Nguyên và dạng 2 với chế độ mưa mùa Thu Đông có ở các tỉnh ven biển từ Ninh Bình đến Thừa Thiên – Huế.

Vùng cao 600-700m đến dưới 1000m chỉ có thông nhựa dạng 1 với chế độ mưa mùa Hè Thu có ở các tỉnh Lâm Đồng ở phía Nam và Sơn La ở phía Bắc.

Nền nhiệt độ bình quân năm là 20-25°C, tổng nhiệt độ 8200-9000°C/năm, lượng mưa 1800-2100 mm. Nền đất feralit phát triển trên nhiều loại đá mẹ khác nhau. Đất có thành phần cơ giới từ nhẹ đến nặng, thích hợp hơn là trung bình, đặc biệt đất có phản ứng chua, pHKCl từ 3,3-4,9.

3. Giống và tạo cây con

Áp dụng tiêu chuẩn ngành QPN18-96 – quy phạm kỹ thuật trồng Thông nhựa, ban hành kèm theo quyết định số 1409 NN/QĐ ngày 20/8/1996 của Bộ NN& PTNT.

Nguồn giống lấy từ các vườn giống vô tính, rừng giống hữu tính, rừng giống chuyển hóa thông nhựa vùng cao (Lâm Đồng) và thông nhựa vùng thấp (Bố Trạch – Quảng Bình); Giống từ các rừng giống chuyển hóa ở Ngệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh. Tuyệt đối không đưa giống từ vùng thấp lên trồng ở vùng cao, từ phía Nam ra trồng ở phía Bắc, hoặc ở vùng phân bố của dạng 1 trồng ở vùng phân bố của dạng 2 hay ngược lại.

Thu hái khi vỏ qủa chuyển sang màu vàng sẫm, cánh dán, vảy quả chưa nứt. Ủ quả vài ngày rồi rải lên nong đem phơi dưới nắng nhẹ. Sau 2-3 nắng sàng sẩy loại bỏ hết tạp vật cho hạt vào chum vại, đậy kín cất trữ nơi khô ráo.

Tạo cây con có bầu kích cỡ 6×12 cm, vỏ bằng Polyetylen ruột bầu tốt nhất là hỗn hợp 75% đất tế guột + 24% đất mùn thông + 1% supe lân. Xử lý hạt bằng ngâm vào thuốc tím 0,1% trong 30 phút, vớt ra để ráo nước lại ngâm vào nước ấm 6 giờ, vớt ra để ráo nước cho vào túi vải ủ cho nứt nanh hoặc gieo vào cát ẩm mọc mầm que diêm đem cấy vào bầu.

Chăm sóc bảo vệ cây con cẩn thận trong suốt thời gian 1-2 năm nuôi tạo ở vườn. Đặc biệt chú ý phải giữ đủ ẩm nhưng thoát nước tốt, phòng trừ bệnh lở cổ rể trong tháng đầu, bệnh rơm lá thông trong mùa mưa bằng thuốc Boocđô. Nếu cây bị vàng còi hoặc bạc lá dùng sunphát N nồng độ 0,1% hay supe lân nồng độ 0,2%, lượng tưới 2,5 lít/m2, 2 ngày một lần.

Tiêu chuẩn cây đem trồng có tuổi từ 12 đến 18 hoặc 24 tháng, cao 7-12 cm, đường kính cổ rễ 6-8 mm, khoẻ mạnh, xanh tốt, rễ có nấm cộng sinh, không bị cụt ngọn.

4. Trồng và chăm sóc rừng

Xử lý thực bì toàn diện, dọn tươi, cuốc hố 30x30x30cm hoặc 40x40x40cm kết hợp bón lót 3 kg phân chuồng hoai + 50 gam supe lân cho 1 hố nếu có điều kiện. Mật độ trồng 1500 đến 3000 cây/ha tuỳ yêu cầu, mục đích và lập địa trồng. Nếu trồng rừng sản xuất lấy nhựa với nguồn giống đã được cải thiện theo hướng nâng cao lượng nhựa thì không nên trồng dày.

Trồng vào vụ Xuân Hè với nơi có chế độ mưa mùa Hè Thu và vụ Thu Đông với nơi có chế độ mưa mùa thu đông, phải rạch bỏ vỏ bầu, trồng vào những ngày giâm mát, tuyệt đối tránh những ngày có gió Lào, gió heo may hoặc có mưa to gió lớn.

Chăm sóc 3-5 năm liền, 2-3 lần/ năm, chủ yếu phát luỗng cây cỏ xâm lấn, vun xới đất quanh gốc đường kính 0,8-1,0m.

Nhất thiết phải thiết lập các băng trắng và băng xanh cản lửa và phải có biện pháp phòng chống cháy rừng theo tiêu chuẩn ngành 04TCN 89-2006 của Bộ NN&PTNT – quy phạm kỹ thuật phòng, chữa cháy rừng thông.

Ngoài ra còn phải có biện pháp phòng trừ dịch sâu róm thông thường phá hoại từ sau khi  rừng đã khép tán.

Tỉa thưa và bón thúc là những biện pháp nuôi dưỡng rừng quan trọng không chỉ thúc đẩy sinh trưởng mà còn làm tăng được sản lượng nhựa nên cần được quan tâm ứng dụng. Đối với rừng thông nhựa đươc trồng bằng giống chưa được cải thiện sau khi khép tán đến tuổi 8-9 tỉa thưa lần đầu, sau đó cứ 5 năm tiếp tục tỉa một lần. Rừng đã qua tỉa thưa sinh trưởng 1-2 lần, lần cuối tỉa thưa theo sản lượng nhựa làm tăng được lượng nhựa trung bình của rừng từ 19,35-31,86%.

Rừng thông nhựa đang khai thác nhựa bón 0,5 kg NPK (5:10:3)/cây có hiệu quả kinh tế cao hơn bón 1 kg NPK (5:10:3)/cây, bón thúc phân cho rừng tuổi 19-26 cũng tăng được sản lượng nhựa.

5. Khai thác, sử dụng

Gỗ có nhiều nhựa, ở lõi nhiều hơn ở giác. Từ nhựa chế biến được 2 sản phẩm chính là dầu thông (têrêbentin) và tùng hương (côlôphan). Đó cũng là những nguyên liệu rất cần cho các ngành công nghiệp sơn, véc ni, xenlulô, dược phẩm, xà phòng, giấy, chất dẻo, mực in, cao su,…. Cây 25-30 tuổi sinh trưởng tốt có thể chích được lượng nhựa 3-4 kg/năm. Đây cũng là loài thông có khả năng cho lượng nhựa cao nhất so với nhiều loài thông khác ở trên thế giới.

Gỗ có tỷ trọng 0,77, xếp nhóm V, vòng tăng trưởng hẹp, mặt mịn, vân rõ, dùng để đóng đồ mộc gia dụng, bao bì, ván phủ bề mặt trong toa xe. Gỗ nhỏ đường kính dưới 25-30 cm, chưa có lõi, nhẹ, hàm lượng nhựa ít còn dùng để làm nguyên liệu giấy sợi dài. Thông nhựa có hình dáng đẹp, mùi nhựa tỏa ra hương thơm nên được trồng làm cây phong cảnh cho các khu nghĩ dưỡng, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt ở rễ có nấm cộng sinh có khả năng cố định N nên có tác dụng cải tạo đất.

Áp dụng quy trình khai thác nhựa cây thông hai lá QTN-29-97 của Bộ NN&PTNT ban hành kèm theo quyết định số 2531 NN-KHCN/QĐ ngày 4/10 /1997. Chú ý khai thác cây có tuổi trên 25, đường kính ngang ngực từ 25cm trở lên, khai thác dưỡng với rừng đến tuổi thành thục công nghệ theo phương pháp đẽo hình chữ nhật bằng cuốc đẽo Hoàng Mai, khai thác diệt cho những cây chặt tỉa thưa lần 2 và 3 cho rừng trồng thuần loài bằng phương pháp chích hình xương cá.

Khi bô đã đầy nhựa phải thu ngay, mỗi tháng thu 2-3 lần, nhựa phải đựng trong thùng phuy tráng kẽm hoặc bể xây, bảo quản nơi râm mát và phải được che mưa.

Mô hình rừng thông nhựa trồng tháng 8/1997 ở Đại Lải – Vĩnh Phúc, đất dốc 8-10 độ đã qua một luân kỳ trồng bạch đàn liễu, nghèo dinh dưỡng. Làm đất bằng cơ giới gạt bỏ thực bì, cày rạch sâu 45-50 cm, cuốc hố 30x30x30 cm, bón lót 100 gam supe lân/cây. Trồng thuần loài bằng cây con có bầu, mật độ 3300 cây/ha, chăm sóc 4 năm, mỗi năm 2 lần, hàng năm bón bổ sung 50 gam supe lân/ cây vào lần chăm sóc thứ nhất.

Kết quả thu được sau 8 năm như sau:

Năm 1 3 5 6 7 8
Tỷ lệ sống (%) 87,5 73,8 58,8 56,3 56,3
Hvn (m) 0,17 0,61 1,34 2,21 2,57
D (cm) 1,33 2,78 3,89 5,07 6,28

Mặc dù đất đã thoái hoá mạnh, giống chưa được chọn lọc và cải thiện nhưng với mức sinh trưởng như vậy rừng trồng cũng có triển vọng khá.

Nguồn: caygiong.org

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version