Site icon Nuoitrong123

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Keo lá liềm


Keo lá liềm có tên khác: Keo lưỡi liềm. Tên khoa học: Acacia crassicarpa A.Cunn ex BenthHọ thực vật: Trinh nữ (Mimosaceae).

 

1. Đặc điểm hình thái

Dạng cây bụi đến cây gỗ nhỡ, khi sống trong những điều kiện lập địa thích hợp cây trở thành cây gỗ nhỡ với chiều cao đến 30m, nhưng đường kính ít gặp vượt quá 50cm. Tuy nhiên khi được trồng ở những nơi có điều kiện lập địa xấu như ở các đụn cát ven biển cây chỉ cao có 2-3m hoặc 5-6m ở nơi có điều kiện đất cát khá hơn.

Thân cây thường thẳng, trong điều kiện trồng với mật độ thấp khi đó không gian dinh dưỡng của chúng lớn, cây thường có nhiều cành nhánh có khả năng che chắn rất tốt, đặc biệt là với những nơi có cồn cát bán cố định. Vỏ màu sẫm hay nâu xám, nứt dọc.

Ở giai đoạn 2-3 tháng tuổi có lá kép lông chim gọi là lá thật, sau đó được thay thế bằng lá giả, màu xanh lục xám, hình lưỡi liềm hoặc hình trăng khuyết nhẵn bóng. Lá đơn dài 11-12cm, có chiều rộng 1-4cm, giống hình cái liềm, chính vì vậy người ta gọi là Keo lá liềm.

Hoa có 5 cánh mỏng, màu vàng nhạt, quả đậu khi chín không xoắn cong như quả Keo lá tràm hay Keo tai tượng. Hạt cứng màu nâu bóng.

2. Đặc tính sinh thái

Keo lá liềm có xuất xứ tự nhiên tại vùng Irian Jaya của Inđônêxia, Nam Papua Niu Ghinê và dọc bờ biển Tây Bắc của bang Queesland nước Úc, từ 8 đến 20 độ vĩ Nam. Phân bố chủ yếu ở độ cao từ 0-200m so với mực nước biển, cũng thấy xuất hiện ở độ cao 700m.

Điều kiện lập địa phù hợp cho keo lá liềm là nơi có khí hậu nóng ẩm, với nhiệt độ bình quân tháng cao nhất 31-340C, tháng thấp nhất 15-220C, có mùa mưa kéo dài, hoặc mưa đều vào các tháng với lượng mưa bình quân năm là 1000-3500mm, cũng có thể chịu được mùa khô kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên với những nơi có sương giá thường ảnh hưởng mạnh đến sinh trưởng của cây. Thích ứng được với các loại đất có độ pH từ 4 đến 8 như đất cát, đất đồi núi phát triển trên granít, badan, phiến sét, phù sa cổ, đất bị xói mòn, đất bán ngập,….

Đặc biệt hơn so với Keo lá tràm cũng như Keo tai tượng, Keo lá liềm do có phân bố tự nhiên dọc theo bờ biển nên chúng có khả năng chịu được ngập mặn với nồng độ nhất định. Các loại đất hầu như chỉ có cỏ mọc được như đất cát, đất sét gơlây hoá Keo lá liềm vẫn sinh sống được. Keo lá liềm có khả năng tái sinh hạt tự nhiên khá mạnh.

Keo lá liềm cũng đã được nhập trồng thành công ở nhiều nước như Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào. Ở nước ta, Keo lá liềm cũng mới được nhập trồng thử vào những năm 80 của thế kỷ trước và cũng chưa được phát triển gây trồng đại trà như Keo lá tràm và Keo tai tượng. Tuy nhiên cũng đã có khảo nghiệm xác định được một xuất xứ tốt và cũng đã có một số mô hình trồng rừng thành công trên đất cát ven biển và đất đồi trọc miền Trung. Keo lá liềm đã được xác định là 1 trong số gần 50 loài cây trồng rừng sản xuất chủ yếu của một số vùng sinh thái nước ta.

3. Giống và tạo cây con

Hạt giống Keo lá liềm phải được thu hái từ các cây mẹ trong các rừng giống hoặc rừng giống chuyển hoá đã được công nhận. Ưu tiên lấy giống của các xuất xứ Mata, Derideri, Dimisisi đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật để phục vụ trồng rừng.

Ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung nước ta quả của Keo lá liềm chín vào tháng 5-6. Khi quan sát thấy vỏ quả bắt đầu chuyển từ màu xanh vàng sang màu nâu hoặc nâu xám cần tách hạt để kiểm tra và thấy hạt có màu đen thì thu quả là phù hợp.

Keo lá liềm có vỏ quả rất cứng và chắc do vậy khi thu quả về nếu chưa chín đều phải ủ thành đống và phơi trong 2-3 ngày cho quả chín đều. Sau đó tiếp tục phơi quả trong nắng nhẹ cho hạt tách ra hoặc dùng tay tách hạt ngay sau khi quả chín đều. Cần lưu ý sau khi tách hạt xong cần phải tiếp tục phơi hạt trong nắng râm 1-2 ngày để giảm hàm lượng nước trong hạt nhằm kéo dài thời gian cất trữ hạt giống. Đối với những nơi có điều kiện bảo quản hạt trong kho lạnh có thể giữ được sức sống của hạt trong vài ba năm.

Bình quân 4kg quả cho 1kg hạt, sau khi tách khỏi quả và được làm sạch thì 1kg hạt sẽ có khoảng 35.000-40.000 hạt. Xử lý hạt bằng cách ngâm trong nước sôi 1-2 phút và để nguội qua đêm, sau đó vớt hạt đem rửa chua rồi ủ trong túi có thể  thu được tỷ  lệ nảy mầm trên 85%.

Khi hạt nứt nanh có thể đem gieo trên luống đất hoặc cấy trực tiếp vào  bầu. Kỹ thuật chuẩn bị đất cũng như tạo bầu, chăm sóc, nuôi dưỡng cây con giống như đối với Keo lá tràm và Keo tai tượng. Tiêu chuẩn cây con đem trồng phải có chiều cao vút ngọn 40-50 cm, đường kính cổ rễ 0,4-0,5cm, xanh tốt, không bị sâu bệnh hay cụt ngọn.

4. Trồng và chăm sóc rừng

Điều kiện gây trồng phù hợp là trên đất cát ven biển, đất đồi núi trọc vùng trung du miền núi từ Bắc vào Nam, độ cao dưới 400 đến 500m so với mực nước biển, không trồng trên đất ngập úng thoát nước kém, đất sét nặng bị gơlây hoá mạnh.

Phương thức trồng chủ yếu là thuần loài, tập trung hoặc phân tán; cũng có thể trồng hỗn loài với một số loài cây như phi lao, bạch đàn, thông nhựa theo băng hoặc theo đám.

Mật độ trồng 1660 cây/ha, cự li 3mx2m trên đất cát ẩm ướt hoặc 2000 cây/ha, cự ly 2x2m trên đất đồi núi thấp.

Xử lý toàn diện và dọn sạch nơi có thực bì dày rậm.

Làm đất chủ yếu là cuốc hố thủ công có kích thước 40x40x40cm. Đất cát ẩm hoặc bán ngập phải lên líp đôi rộng 4m, cao 0,4 m, rãnh líp rộng 2m, trên líp trồng 2 hàng cây cách nhau 3m.

Bón lót 200 gam phân lân hữu cơ vi sinh cho 1 cây cùng lúc với cuốc lấp hố  và bón thúc thêm 200 gam phân đó vào lần chăm sóc đầu của năm thứ hai.

Trồng vào đầu mùa mưa khi đất đã đủ ẩm, không trồng vào lúc nắng to, gió mạnh, thời tiết khô nóng hoặc lạnh giá.

Trồng bằng cây con có bầu đủ tiêu chuẩn, phải rạch bỏ vỏ bầu, moi đất đặt cây cẩn thận rồi lấp đất đầy và nện chặt, vun đất quanh gốc cao hơn mặt đất 5-10cm.

Chăm sóc 3 năm đầu, mỗi năm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa, chủ yếu là cắt dây leo cuốn thân cây, phát luỗng cây cỏ xâm lấn, vun xới đất quanh gốc đường kính rộng 60 đến 80cm.

5. Khai thác, sử dụng

          Gỗ Keo lá liềm có tỷ trọng 0,6-0,7, tương đối mịn, dễ gia công có thể sử dụng làm đồ mộc gia dụng, ván ghép thanh, ván sàn, ván sợi ép, cột điện, đóng thuyền, làm nhà, gỗ giấy, gỗ dăm, gỗ củi, ….

Keo lá liềm chịu được mặn ở mức độ nhất định, chịu được đất cát nghèo xấu nên có thể dùng để trồng rừng phòng hộ ven biển, chắn gió, cố định cát. Cũng như nhiều loài keo khác, Keo lá liềm có bộ rễ khá phát triển với nhiều nốt sần chứa  nhiều vi khuẩn cộng sinh có khả năng cố định đạm nên có tác dụng cải tạo đất rất tốt.

Ngoài ra, Keo lá liềm có thân thẳng, tán lá dày và xanh quanh năm nên được trồng làm cây che bóng, cây xanh trong công viên, ven đường phố, trồng làm băng cản lửa rất tốt.

Ở Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, Keo lá liềm trồng trên đất bãi cát cố định, 8 tuổi sinh trưởng bình quân đạt được 11,7cm về đường kính và 7,7m về chiều cao; 14 tuổi đạt được 34,5cm về đường kính và 11,2m về chiều cao.

Ở Lệ Thuỷ – Quảng Bình, Keo lá liềm trồng trên đất đồi gò, 10 tuổi sinh trưởng bình quân đạt 12,3cm về đường kính và 8,3m về chiều cao. Mức sinh trưởng đó đều lớn hơn gấp đôi so với mức sinh trưởng của một số cây cùng trồng trong điều kiện tương tự như Phi lao, bạch đàn, Keo lá tràm, Keo tai tượng.

Do vậy với Keo lá liềm trồng trên đất cát hoặc đất đồi để kinh doanh gỗ nhỏ sau 8 đến 10 năm là có thể khai thác, hoặc để kinh doanh gỗ xẻ cần kéo dài đến 15-20 năm là có thể chặt để sử dụng.

Nguồn: vafs.gov.vn

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version