Cây Keo lá liềm

Keo lá liềm có tên khác: Keo lưỡi liềm. Tên khoa học: Acacia crassicarpa A.Cunn ex BenthHọ thực vật: Trinh nữ (Mimosaceae).

Cây Keo lá liềm - cay keo la liem 1024x691

1. Đặc điểm hình thái

Dạng cây bụi đến cây gỗ nhỡ, khi sống trong những điều kiện lập địa thích hợp cây trở thành cây gỗ nhỡ với chiều cao đến 30m, nhưng đường kính ít gặp vượt quá 50cm. Tuy nhiên khi được trồng ở những nơi có điều kiện lập địa xấu như ở các đụn cát ven biển cây chỉ cao có 2-3m hoặc 5-6m ở nơi có điều kiện đất cát khá hơn.

Thân cây thường thẳng, trong điều kiện trồng với mật độ thấp khi đó không gian dinh dưỡng của chúng lớn, cây thường có nhiều cành nhánh có khả năng che chắn rất tốt, đặc biệt là với những nơi có cồn cát bán cố định. Vỏ màu sẫm hay nâu xám, nứt dọc.

Ở giai đoạn 2-3 tháng tuổi có lá kép lông chim gọi là lá thật, sau đó được thay thế bằng lá giả, màu xanh lục xám, hình lưỡi liềm hoặc hình trăng khuyết nhẵn bóng. Lá đơn dài 11-12cm, có chiều rộng 1-4cm, giống hình cái liềm, chính vì vậy người ta gọi là Keo lá liềm.

Hoa có 5 cánh mỏng, màu vàng nhạt, quả đậu khi chín không xoắn cong như quả Keo lá tràm hay Keo tai tượng. Hạt cứng màu nâu bóng.

Cây Keo lá liềm - cay keo la liem 1

2. Đặc tính sinh thái

Keo lá liềm có xuất xứ tự nhiên tại vùng Irian Jaya của Inđônêxia, Nam Papua Niu Ghinê và dọc bờ biển Tây Bắc của bang Queesland nước Úc, từ 8 đến 20 độ vĩ Nam. Phân bố chủ yếu ở độ cao từ 0-200m so với mực nước biển, cũng thấy xuất hiện ở độ cao 700m.

Điều kiện lập địa phù hợp cho keo lá liềm là nơi có khí hậu nóng ẩm, với nhiệt độ bình quân tháng cao nhất 31-340C, tháng thấp nhất 15-220C, có mùa mưa kéo dài, hoặc mưa đều vào các tháng với lượng mưa bình quân năm là 1000-3500mm, cũng có thể chịu được mùa khô kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên với những nơi có sương giá thường ảnh hưởng mạnh đến sinh trưởng của cây. Thích ứng được với các loại đất có độ pH từ 4 đến 8 như đất cát, đất đồi núi phát triển trên granít, badan, phiến sét, phù sa cổ, đất bị xói mòn, đất bán ngập,….

Đặc biệt hơn so với Keo lá tràm cũng như Keo tai tượng, Keo lá liềm do có phân bố tự nhiên dọc theo bờ biển nên chúng có khả năng chịu được ngập mặn với nồng độ nhất định. Các loại đất hầu như chỉ có cỏ mọc được như đất cát, đất sét gơlây hoá Keo lá liềm vẫn sinh sống được. Keo lá liềm có khả năng tái sinh hạt tự nhiên khá mạnh.

Keo lá liềm cũng đã được nhập trồng thành công ở nhiều nước như Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào. Ở nước ta, Keo lá liềm cũng mới được nhập trồng thử vào những năm 80 của thế kỷ trước và cũng chưa được phát triển gây trồng đại trà như Keo lá tràm và Keo tai tượng. Tuy nhiên cũng đã có khảo nghiệm xác định được một xuất xứ tốt và cũng đã có một số mô hình trồng rừng thành công trên đất cát ven biển và đất đồi trọc miền Trung. Keo lá liềm đã được xác định là 1 trong số gần 50 loài cây trồng rừng sản xuất chủ yếu của một số vùng sinh thái nước ta.

Nguồn: vafs.gov.vn

Thảo luận cho bài: Cây Keo lá liềm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *