Người ta phân tích trong lá Ổi có chất terpenoids – hương ổi có thể tác dụng xua đuổi con rầy chổng cánh nên chúng ít xuất hiện trên vườn Cam.
Mô hình trồng cam sành xen ổi là dự án Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn cho nông dân nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long ,hay còn gọi là Dự án Cây có múi JICA tỉnh Bến Tre, được triển khai giai đoạn từ năm 2010-2014.
Trước kia nơi đây trồng cam sành với mật độ 0,8-1,2 m, do quá dầy cành nhánh có tính hướng quang vượt thẳng lên cao 3-4 m nên khó kiểm soát sâu bệnh, tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, hái trái. Thời gian hưởng thụ thu hoạch chỉ 2-3 vụ là tàn lụi, đốn bỏ vì rầy chổng cánh xâm nhập truyền virus gây bệnh vàng lá Greening.
Mô hình trồng cam sành xen ổi
Mô hình trồng cam sành xen ổi
Trước năm 2004 các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ở ĐBSCL có những vườn cam sành trồng xen ổi xá lị ít thấy rầy chổng cánh hơn là vườn cam không xen ổi. Đây là mấu chốt để nghiên cứu cây ổi. Người ta phân tích trong lá ổi có chất terpenoids (hương ổi) có thể tác dụng xua đuổi con rầy chổng cánh nên chúng ít xuất hiện trên vườn cam. Từ đó có nhiều đề tài nghiên cứu và mô hình thử nghiệm cho thấy trồng cây cam sành xen cây ổi đã làm giảm sự xâm nhiễm rầy chổng cánh gây bệnh vàng lá Greening. Đồng thời kỹ thuật dùng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để bồi bổ cho đất luôn tơi xớp, kỹ thuật chăm sóc đồng bộ, bộ rễ phát triển mạnh, làm cho cây cam sành khoẻ, kháng bệnh tốt, đâm chồi, phát tán sum suê.
Muốn được điều đó, phải lưu ý những công tác sau:
1. Chọn giống
Chọn giống cam sành sạch bệnh, giống ổi ngon như ổi xá lị, ổi ruột trắng hoặc ruột đỏ không hạt bán được giá cao.
2. Cách trồng
Lên mô cao 0,3-0,5 m, đường kính mô rộng 1-1,5 m, khoảng cách trồng 4 x 4 m, khoảng giữa trồng xen cây ổi. Trồng ổi trước đó 6-8 tháng so khi trồng cam, sau đó cứ cắt tỉa cây ổi sao cho chiều cao cây ổi không cao, không thấp hơn cây cam 0,3-0,5 m để cây ổi có đủ lá và mùi xua đuổi rầy chổng cánh. Thời vụ xuống giống cam sành nên vào tháng 9-11 dương lịch, vì lúc nầy mật độ rầy chổng cánh rất ít.
3. Bón phân – phòng trừ sâu bệnh
– Trước khi đặt cây giống phải bón lót 10 kg/gốc phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng trộn trong đất, dùng ống chích bơm thuốc Nokaph 20 EC nguyên chất 8 ml/cây/mô được chia làm 4 lổ, mỗi lổ 2 ml, cách gốc 30 cm, sâu 10 cm để thuốc thấm dần vào rễ non của cây, cứ 2 tháng/lần phòng ngừa sâu bệnh, dùng các thuốc lưu dẫn như Bassa 50 EC pha theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn chai phun đều trên mặt líp. Nếu không có các loại thuốc nêu trên có thể dùng các thuốc trừ nấm, trừ sâu lưu dẫn tương tự để phòng trị.
– Sau 10 ngày đặt cây giống tưới phân NPK 18-12-14 pha 50 g/gốc, đồng thời thuốc Ridomil Gold 68 WP pha 30 g trong 10 lít nước tưới cho một mô. Năm 1-2 cứ 6 tháng bón 10 kg phân hữu cơ vi sinh và vôi một lần, phân NPK 20-20-15 cứ 90 g/gốc/tháng, năm thứ 3-4 bón 150 g/gốc/tháng, về sau tăng dần 250 g/gốc, 350 g/gốc; mỗi năm bón 5-6 lần. Mùa nắng tưới nước 3-4 ngày/lần cho cam, ổi. Ngoài ra, hàng tháng thấy cần ngừa các bệnh nên phun dung dịch Bordaux trên lá và phun riêng các phân bón lá khác chứa nhiều vi lượng như Mg, Mn, Cu, Zn, Mo, Bo…Năm thứ 2 nếu cây ra hoa nên cắt bỏ.
– Khi cây cam sành lên cao hơn 0,5-0,6 m ta cắt đọt ngay vị trí đâm chồi sao cho cách gốc 0,5-0,6 m để tạo các chồi mọc cháng hai, cháng ba. Khi đâm chồi, cành nhiều, ta cắt bỏ bớt các chồi vô hiệu, cành đan chéo, cành mọc không đúng chỗ. Tỉa chồi, cắt cành nên tạo khoảng cách từ cháng hai xuống mặt đất khoảng 0,5-0,6 m để ít nhiễm bệnh từ mặt đất văng lên. Các chồi từ cháng hai trở lên khoảng cách thưa ra 0,10-0,15 m để thân cây cung cấp đủ dinh dưỡng các cành và cho trái đồng đều.
– Khi cây 1-2 năm tuổi quét vôi, quét thuốc trừ nấm trên thân gốc 6 tháng/lần, nhất là phòng ngừa nấm Phytophthora dễ tấn công. Mỗi khi cắt, cưa một cành nhánh thì vệ sinh dụng cụ bằng cồn hay nước eau de javel không cho nấm, vi sinh vật lây lan. Sau đó dùng keo dán gỗ hoặc vôi hay pha thuốc trừ nấm thoa lấp lên vết cắt, để nấm bệnh không xâm nhiễm vào vết cưa, vết cắt.
4. Chăm sóc cây
– Các cành dài ra ta dùng dây nhựa buộc kéo dần uốn xuống đất với góc 450 theo hướng tứ diện, tạo tán lá tròn, đều nhau; uốn từ từ để cành ngả ra theo sự mong muốn. Cây cam sành trồng theo phương pháp nầy được khống chế chiều cao khoảng 1,5-2 m nhưng tán cây rộng 2-3 m, dưới mặt đất để cỏ mọc lấp sấp giữ ẩm. Thật sự dễ chăm sóc, tỉa cành, hái trái.
– Trước khi trồng nên thiết kế đặt cây cam, cây ổi vào bảng vẽ, đánh số thứ tự từng gốc cam trong sơ đồ và sau khi trồng mang thẻ ghi số từng cây. Trong quá trình quan sát, theo dõi ghi nhật ký hàng ngày, hàng tuần, khi nhận xét lưu ý từng cây có mang số để chúng ta nhớ chăm sóc, phòng trị bệnh kịp thời.
– Ngoài việc theo dõi cây cam cũng không quên chăm sóc cây ổi như bón phân,, bấm đọt để cây ổi ra hoa kết trái và bao trái nhằm tạo giá trị thu nhập cao từ cây ổi.
Việc trồng cam sành theo nguyên lý xen ổi vừa nêu trên cũng có thể áp dụng trồng cho các loại cây khác như bưởi, quýt, chanh.
Nguồn: sưu tầm