Vỏ trái Cam Sành có màu xanh đậm, kể cả khi trái đã già và thậm chí khi chín hết cỡ, vỏ trái vẫn mang màu xanh. Do đó, muốn đổi màu vỏ trái cam sành, phải tăng cường sự hoạt động của khí ethylen sau thu hoạch.
Trên thị trường trái cây có múi, vỏ trái màu vàng cam đến vàng sậm luôn thu hút khách hàng. Trái cam sành có chất lượng nhất nhì trong những giống cam trồng ở Nam bộ. Nước vắt cam sành màu vàng tươi, ngọt mát và thơm dịu. Ở Nam bộ, cam sành phát triển rất tốt, cho trái quanh năm. Nhưng do vùng khí hậu nhiệt đới nên vỏ trái cam sành có màu xanh đậm, kể cả khi trái đã già và thậm chí khi chín hết cỡ, vỏ trái vẫn mang màu xanh.
Nhóm nghiên cứu (thuộc nhóm bảo quản chế biến Viện Cây ăn quả miền Nam) đã xông khí ethylen nồng độ 18ppm trong thời gian 36 giờ làm vỏ trái cam sành đổi từ màu xanh sang màu vàng tương đối đều trên mặt vỏ trái. Tiếp tục bảo quản 2 ngày ở nhiệt độ 15°C, màu vàng xanh sẽ chuyển sang màu vàng cam phủ đều khắp trái mà thành phần bên trong của trái cam (múi, tép, chất lượng nước…) hầu như không thay đổi. Nhóm nghiên cứu này đã cho biết cơ chế thí nghiệm như sau: Thông thường, lượng chlorophyll trong vỏ trái đều bị tiêu hủy hết khi trái chín do ethylen nội sinh trong quá trình hô hấp. Trong trường hợp trái cam sành, khi trái đã chín, lượng chlorophyll trong vỏ trái chưa bị tiêu hủy hết do ethylen nội sinh trong trái không đủ để phá hủy nó. Do đó, muốn đổi màu vỏ trái cam sành, phải tăng cường sự hoạt động của khí ethylen sau thu hoạch.
Theo caygiong.org