Site icon Nuoitrong123

Mô hình trồng Sầu Riêng trái vụ hiệu quả cao

Xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch là một biện pháp không mới được nông dân ở khắp các tỉnh thành áp dụng từ khá lâu.

Mô hình trồng Sầu Riêng trái vụ hiệu quả cao - trai sau rieng vu nghich 500x321

Bởi lẽ việc xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch ngoài khẳng định những bước tiến mới trong nông nghiệp mà còn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp cho nhà nông tránh được điệp khúc được mùa rớt giá.

Tại xã Tân Thiềng, nông dân Nguyễn Hoàng Sáu, ấp Quân Bình có nguồn thu nhập khá, kinh tế ổn định khoảng 8 năm qua là nhờ vào mô hình xử lý cho cây sầu riêng ra hoa vụ nghịch.

Ông Sáu cho biết, ông đến với mô hình trồng chuyên canh cây sầu riêng Ri-6 và Mong thong trên 7 công đất vườn đến nay được khoảng 13 năm. Trước đây trồng nhãn tiêu quế, nhưng cây cho năng suất không cao lại mắc bệnh đầu lân. Cùng thời điểm đó, thị trường của trái sầu riêng Ri-6 và Mong thong lại hút hàng, giá bán khá cao. Qua tìm hiểu về cây con giống và vùng đất canh tác nên ông Sáu mạnh dạng đốn phá vườn nhãn và thay vào đó là vườn chuyên canh cây sầu riêng.

 

Do là giống cây ăn trái mới, bản thân lại chưa có nhiều kinh nghiệm vì thế trong thời gian đầu ông Sáu gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc. Ông Sáu chia sẻ “Khoảng 3 năm đầu khi cây sầu riêng cho trái, giống như các loại cây ăn trái khác tôi chỉ cho cây ra trái vụ thuận, năng suất đạt nhưng giá bán lại không cao. Với quyết tâm vươn lên từ loại cây ăn trái này, tôi đã nghiên cứu, không ngừng học hỏi của bà con đi trước, tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và xem báo, nghe đài để từ đó có thêm kinh nghiệm xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch đúng theo nhu cầu và tôi đã thành công”.

Hiện tại, 7 công sầu riêng Ri-6 và Mong Thong 13 năm tuổi của ông Nguyễn Hoàng Sáu đang bước vào vụ thu hoạch, mùa này ước đạt khoảng 7 – 8 tấn, với giá bán dao động từ 35 – 40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Ông Sáu cho biết, so với vụ thuận, sầu riêng vụ nghịch tuy cho năng suất không cao, giảm từ 2 – 3 tấn nhưng bù lại giá bán cao gấp 2 lần.

Qua thời gian dài gắn bó với cây sầu riêng ông Sáu thấy rằng việc xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch không khó, quy trình thực hiện cũng giống với các loại cây ăn trái khác, cũng đậy mũ siết nước,… Tuy nhiên với kinh nghiệm của mình, ông Sáu thấy rằng khi trồng cây sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải không dày, khoảng cách lý tưởng từ 7 – 8 m/cây, bình quân 1 công đất trồng khoảng 25 cây, trong vườn nên để cỏ, nước tưới thường xuyên và vấn đề quan trọng là chịu khó quan sát để có biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả. Cây sầu riêng có rất nhiều sâu bệnh tấn công, nhất là con rầy phấn, cách ngừa mỗi tháng mỗi cơi đọt non sịt ngừa một lần cộng với các loại thuốc ngừa thán thư. Đặc biệt, cây sầu riêng có bệnh xì mủ, khi mắc bệnh này, nên cạo phần mũ cho sạch sau đó bôi thuốc Ridomil vào cây sẽ khỏi. Về phân bón, tại vườn sầu riêng của gia đình ông Sáu sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ Điền Trang, Komix và phân vô cơ loại 20-20-15, 20-10-10… để bón cho cây. Khi cây đậu trái bón phân có phần tăng đạm và để giảm hiện tượng rụng trái non xịt Borax để cho cuống dai và tăng tỷ lệ đậu trái.

Với biện pháp này, ông Sáu nhận thấy vườn sầu riêng của mình đạt hiệu quả về chất lượng được thương lái đánh giá cao. Tuy nhiên qua thời gian dài chăm sóc, ông Sáu thấy rằng “đối với sầu riêng Ri-6 thường mắc bệnh thối đích và sầu riêng mong thong bị sượng cơm. Với kinh nghiệm của mình, khi sầu riêng đạt trọng lượng khoảng 1 kg (có cơm) bắt đầu sịt ngừa loại thường dùng là Anvil, sịt định kỳ 2 tuần/1 lần. Mặc khác, trong giai đoạn này tôi cũng dùng phân bón giàu chất Can xi để bón cho cây. Đối với sầu riêng có đặc điểm là cơm rất dày, nếu bón phân thừa đạm dễ dẫn đến cơm bị sương. Vì thế khi sử dụng phân bón đối với loại cây ăn trái này tôi bón kali nhiều và đạm ít và khi trái qua cơm tôi bón phân có chứa nhiều can xi,… Với cách làm này, tôi thấy bệnh thối trái trên sầu riêng Ri-6 và và sượng cơm trên sầu riêng Mong thong giảm đi rất nhiều”.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ vườn sầu riêng mang lại cùng với tích lũy kiến thức thành công trên vườn sầu riêng vụ nghịch, nông dân Nguyễn Hoàng Sáu hiện đang tiếp tục gắn bó và mở rộng diện tích vườn sầu riêng của gia đình. Đến nay có hơn 10 công đất trồng chuyên canh cây sầu riêng, trong đó cây lớn nhất được 13 năm tuổi và cây nhỏ nhất được 3 năm tuổi. Ông Sáu chia sẻ: “So với các loại cây ăn trái khác, sầu riêng đang chiếm ưu thế rất nhiều, được xem là loại cây trồng chủ lực, nó có thể giúp đời sống nông dân ổn định vươn lên khá giàu nếu chúng ta nắm vững về kỹ thuật canh tác, cũng như nhạy bén trong thị trường chọn thời điểm cho thu hoạch phù hợp”.

Nguồn: Sưu tầm

Tìm bài này trên Google:

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version