Chi Macadamia có 18 loài, trong đó 10 loài nguyên sản tại úc, 6 loài tại Tân Cri-đo-nia, 1 loài tại Ma-đa-gas-ca, 1 loài tại đảo Xi-ri-bô.
1. Phân loại :
Chi Macadamia có 18 loài, trong đó 10 loài nguyên sản tại úc, 6 loài tại Tân Cri-đo-nia, 1 loài tại Ma-đa-gas-ca, 1 loài tại đảo Xi-ri-bô.
Trong 18 loài trên chỉ có 2 loài đã được gây trồng trên quy mô thương mại là:
- Macadamia integrifolia – Mắc ca vỏ hạt láng hay mắc-ca lá nguyên.
- Macadamia tetraphylla- Mắc ca vỏ hạt nhám hay mắc-ca mép lá răng cưa.
Các loài mắc-ca còn lại có nhân nhỏ, vị đắng, ít nhiều chứa độc tố nên chưa được gây trồng nhiều.
Nếu gộp các loài đã được gây trồng, có triển vọng hoặc có giá trị làm cây cảnh thì có thể kể tới 5 loài sau đây :
1.1. Macadamia integrifolia Maiden – Betche. Tạm dịch là mắc-ca vỏ láng hoặc mắc-ca lá nhẵn.
Phân bố tự nhiên tại vùng rừng mưa phía đông đường phân thủy giữa nội địa úc với bờ biển đông úc, chủ yếu là trên lãnh thổ bang Quensland và một phần bang Newsouth wales trong khoảng 25 – 28 o vĩ độ nam. Vùng phân bố tập trung nhất là dãy núi Mepherson mà một bên là sông Nunaibah và bên kia là sông Mary ở phía bắc trên giải rộng 24km, dài 442km.
Loài này cao tới 18m, tán rộng 15m, vỏ cành nhạt màu hơn loài M.ternifolia (mắc-ca 3 lá), lá non màu xanh nhạt, lá hình trứng ngược hoặc thuôn ngược. Lá dài 10,2 – 30,5cm, rộng 2,5 – 7,6cm, có cuống lá ngắn, không có hoặc gần như không có răng cưa, đuôi lá tròn, 3 lá hoặc 4 lá mọc xoáy ốc, nhưng ở cây con hoặc cành non có thể gặp 1 đôi lá mọc đối.
Hoa tự thường mọc ra từ cành già, thường là mọc từ mắt lá sớm thành thục nhất ở đoạn cuối cành (phía ngọn), Hoa tự thường dài 10,2 – 30,5cm; mỗi hoa tự có từ 100 – 300 bông hoa (Hoa màu trắng).
Quả chín rộ vào tháng 3 đến tháng 6 ở úc (mùa thu đông nam bán cầu) và từ tháng 7 đến tháng 11 ở Hawaii. Nhưng ở California quả chín từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tại Quảng Châu và Bán đảo Lôi Châu quả chín từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9. Ngoài ra, ở cây cao tuổi ngoài mùa hoa tập trung vẫn có thể thấy hoa nở rải rác suốt năm. Vì vậy có thể coi loài này là “hoa quả liên tục”.
Quả hình tròn, vỏ quả không có lông nhung, màu xanh bóng. Vỏ hạt nhẵn, đường kính hạt khoảng 1,3 – 3,2cm, nhân màu trắng sữa, có hương thơm, chất lượng rất cao.
Hiện nay các giòng vô tính được gây trồng phổ biến ở quy mô thương mại chủ yếu được tuyển chọn từ loài này.
1. 2- Macadamia tetraphylla L.A.S Johnoson, có thể gọi là mắc-ca 4 lá, mắc-ca hạt nhám hoặc mắc-ca lá răng cưa, mắc-ca lá gai.
Nguyên sản tại vùng rừng mưa nhiệt đới phía đông đường phân thuỷ của châu úc trong khoảng 28 – 29 o vĩ tuyến nam, chủ yếu là trên dải đất dài 120km từ bờ nam sông Coomera và sông Nerang thuộc Quensland đến bờ bắc sông Richmont thuộc New south Wales.
Cây cao khoảng 15m nhưng tán xoè rộng tới 18m, vỏ cành nhỏ xẫm màu hơn mắc-ca vỏ láng, nhưng hơi nhạt màu hơn mắc-ca 3 lá (M.ternifolia). Lá non màu đỏ hoặc màu hồng phai, đôi khi có màu xanh nõn chuối. Lá hình thuôn ngược dài 10,2 – 15,8cm, rộng 2,5 – 7,6cm, gần như không có cuống lá, mép lá có răng cưa nhọn như gai, đuôi lá nhọn, 4 lá mọc cách xoáy ốc, đôi khi có 3 lá hoặc 5 lá mọc xoáy. Cây mầm cũng có 2 lá mọc đối.
Hoa tự mọc ra từ cành già, nhỏ và cũng mọc ở mắt sớm thành thục phía cuối đoạn cành.
Hoa tự dài 15,2 – 20,3cm, có từ 100 – 300 bông hoa. Hoa màu hồng phai rất tươi màu, nhưng cũng có cây cá biệt có hoa màu trắng sữa.
Mùa quả chín rộ ở úc từ tháng 3 đến tháng 6, tại Hawaii từ tháng 7 đến tháng 10, tại California từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, tại Quảng Châu và Bán đảo Lôi Châu từ trung tuần tháng 8 đến cuối tháng 9. Loài này mỗi năm chỉ ra quả 1 lần.
Quả hình bầu dục, vỏ quả màu xanh xám, có phủ lớp lông nhung dày. Hạt có vỏ nhám, đường kính hạt từ 1,2 đến 3,8cm, nhân có màu thẫm hơn mắc-ca vỏ nhẵn, chất lượng cũng có khác nhau giữa các giòng.
Loài này cũng có giá trị gây trồng cao, chịu rét khá hơn loài vỏ láng, nếu dùng làm gốc ghép thì nhịp độ tăng trưởng cây khá tốt và đều, khả năng chống chịu nấm độc hại rễ phytophthora cũng khá hơn.
Do chất lượng nhân có thể rất khác nhau, chỉ nên gây trồng những giống đã được tuyển chọn tốt.
1.3- Macadamia ternifolia F.Mueller – Măc-ca 3 lá
Phân bố tự nhiên tại vùng đông nam đường phân thuỷ trong các rừng mưa khoảng 26 o 00′ – 27 o 30′ vĩ độ nam trên dải đất dài 119km từ sông Bai-in đến vùng KinKin khu vực Kin-Bi thuộc Quensland.
Loài này dễ bị nhận nhầm với nhiều loài khác và rất ít đặc điểm nhận biết dễ thấy.
Nói chung cây thường có tầm vóc nhỏ, chiều cao và độ rộng tán thường khó vượt qua 6,5m. Tán lá thường chia nhiều cành đứng và nhiều cành nhỏ. Vỏ cành nhỏ thường tối màu hoặc đen. Lá non màu đỏ, lá nhỏ hình thuỗn ít khi dài hơn 15,2cm. Lá có cuống, mép lá có răng cưa nhọn, 3 lá mọc cách xoáy ốc, nhưng mầm non cũng thường có 2 lá mọc đối.
Hoa tự thường nhỏ, chỉ dài 5,1 đến 12,7cm; có từ 50 – 100 bông hoa, Hoa màu hồng phai.
Mùa quả chín tại úc là tháng 4, tại California là tháng 11.
Vỏ quả xanh xám, có lông nhung màu trắng rất dày.
Vỏ hạt nhẵn bóng, cỡ hạt chừng 0,95 – 0,61cm, nhân đắng và rất khó ăn. Cho đến nay loài này chủ yếu là dùng làm cây cảnh.
1. 4- Macadamia Prealta F.Muell – Mắc-ca cầu
Quả tròn như quả cầu. Phân bố trong vùng mưa giữa Quensland và New South wales . Quả to chừng 5cm, rất tròn, chứa 1 – 2 hạt. Vỏ hạt mỏng, hiện chưa tìm ra giá trị thương phẩm, nhưng có thể có triển vọng trong tương lai.
1.5- Macadamia Whelanii F.M.Bailey :
Cũng phân bố trong vùng rừng mưa giữa Quensland và New South wales . Lá nguyên không răng cưa. Nhân sống có độc, nhưng thổ dân miền đông úc vẫn ăn sau khi rang chín. Đến nay vẫn chưa gây trồng đến quy mô thương mại.
2. Các dòng vô tính đang được gây trồng :
Các dòng vô tính đang được gây trồng theo quy mô thương mại đều được tuyển chọn từ 2 loài: Mắc-ca vỏ hạt láng (M. integrifolia) và Mắc-ca vỏ hạt nhám (M. tetraphylla) và các dòng lai giữa 2 loài này.
Đến nay toàn thế giới đã tuyển chọn và đặt tên, gây trồng được trên 50 dòng trong số đó được gây trồng phổ biến nhất là các dòng của úc và Hawaii .
Các dòng của Hawaii .
Từ năm 1922, trạm thực nghiệm nông nghiệp Hawaii đã dẫn giống và gây trồng thử cây Mắc-ca ở quy mô thương mại, nhưng do trồng bằng cây hạt nên không đạt hiệu quả kinh tế. Từ năm 1936, Trạm thực nghiệm nông nghiệp này bắt đầu tuyển chọn ưu trội; từ 12.000 cá thể đã chọn và đặt tên được cho 15 cây trội và nhân vô tính.
Đến năm 1948 đã chính thức đặt tên các dòng đầu tiên và đến năm 1954 đã đặt thành đề tài nghiên cứu, đánh giá một cách hệ thống và khẳng định các dòng tuyển chọn, nghiên cứu kỹ thuật phối hợp dòng nhằm tối ưu hoá hiệu quả thụ phấn, nghiên cứu kỹ thuật gây trồng, thu hái, bảo quản, chế biến.
Năm 1956 bắt đầu phổ cập các dòng đã tuyển chọn và khuyến khích gây trồng trên quy mô thương mại.
Đến nay tất cả các trang trại gây trồng Mắc-ca trên thế giới đều đã đi đến nhận thức chung là nhân tố quyết định thành công của việc gây trồng Mắc-ca quy mô thương mại là Giống, phải dùng các dòng vô tính đã được tuyển chọn thích hợp với lập địa của mình mới mong đạt được sản lượng và chất lượng cao.
Nhiều nước đã bắt tay vào tuyển chọn dòng ưu trội trên các trang trại của mình, nhưng hầu hết đều dựa trên cơ sở các dòng đã được tuyển chọn của Hawaii và các dòng này phần lớn đều được tuyển chọn từ loài Mắc-ca vỏ hạt láng (Macadamia integrifolia).
Tất cả các dòng do Hawaii tuyển chọn đều có phiên hiệu chung là HAES – chữ cái đầu trong tên tiếng anh của trạm thực nghiệm nông nghiệp Hawaii . Đây là phiên hiệu được đặt ra khi sơ tuyển, mặc dù sau khi được công nhận và đặt tên mới, trong sản xuất và trong giao dịch quốc tế người ta vẫn gọi theo thói quen cũ. Người biên tập cung cấp cả tên cũ và tên mới để đỡ vướng mắc trong giao dịch sau này.
Khi tuyển chọn, ngoài sản lượng hạt, các chỉ tiêu dưới đây rất được coi trọng.
1) Tổng tỷ lệ nhân: Là tỷ lệ phần trăm của phần nhân so với tổng trọng lượng hạt được xác định trong phòng thí nghiệm. Xét về tiềm năng, chỉ số này có thể đạt tới 45%.
2) Tỷ lệ nhân thương phẩm: Là tỷ lệ phần trăm giữa phần nhân so với tổng trọng lượng hạt được bóc tách theo phương pháp chế biến đang áp dụng.
Trong cả 2 chỉ tiêu trên, hàm lượng nước tiêu chuẩn trong nhân là 1,5%.
3) Tỷ lệ nhân cấp 1: Là tỷ lệ phần trăm giữa phần nhân nổi trên mặt nước so với tổng số nhân được đưa vào trắc định. Nhân cấp 1 có hàm lượng dầu tới 72% trở lên. Chỉ tiêu này phản ánh chất lượng nhân và cả chất lượng bảo quản hạt. Bảo quản tốt tỷ lệ nhân cấp 1 có thể đạt tới 90 – 95%.
4) Kích cỡ nhân: Nếu mỗi nhân đạt trọng lượng 2 – 3g thì được coi là lý tưởng.
5) Hình hài, mẫu mã: Yêu cầu kích cỡ đều, bóng, ít dập vỡ.
6) Sắc thái: Yêu cầu nhân phải có mầu trắng sữa đều nhau, sau khi sấy khô cũng không thay đổi màu sắc. Sau khi xào qua dầu dừa phải có màu vàng sữa đều nhau.
7) Hình thái tán cây: Nhận thức chung là hình thái tán cây phát triển thẳng đứng sẽ cho sản lượng trên đơn vị diện tích cao.
Dựa trên sản lượng và các chỉ tiêu chất lượng nói trên, Hawaii đã đưa ra các dòng sau đây :
- Keauhou – HAES 246 Kakea – HAES 508
- Nuuan – HAES 336 Kohala – HAES 386
- Pahou – HAES 428
Các năm sau lại đưa ra thêm các dòng sau đây :
- IKaika – HAES 333 Wailua – HAES 475
- Keaau – HAES 660 Kau – HAES 344
- Mauka – HAES 471 Makai – HAES 800
- Purvis – HAES 294 Pahala – HAES 788
- Denison – HAES 790
- và một số dòng lai là Beaumont – HAES 695 và NSW 44 v.v…
1) Keauhou (HAES 246)
Chọn ra vào năm 1936, đặt tên năm 1948.
Tán tròn, xoè rất rộng, chia cành rất nhiều và hơi uốn cong xuống đất, cành tương đối nhỏ hoặc trung bình, đuôi lá ít nhọn và hơi cong lên, mép lá lượn sóng, răng cưa (gai lá) ở mức trung bình, bản lá hay cong vặn.
Quả to, màu nâu
Rốn hạt to và hơi lồi, hạt có gân rộng hơi lõm thành rãnh và nhạt màu hơn các phần khác của vỏ hạt. Hoa văn hình trứng tập trung nhiều quanh vùng rốn bằng phẳng.
Tại Hawaii , trọng lượng hạt bình quân khoảng 7,2g; trong đó phần nhân được 2,8g, tỷ lệ nhân đạt 39%, tỷ lệ nhân quả loại 1 đạt 85% (so với hạt). Sản lượng cao, nhưng không đều nhau giữa các vùng gây trồng. Tại Hawaii dòng này đặc biệt tốt tại đảo Kô-na, tại các đảo khác thuộc quần đảo này thì tỷ lệ nhân cấp 1 không được ổn định. Nhưng tại úc, dòng này được coi là đáng tin cậy, theo dõi suốt 4 vụ liền dòng này đều có sản lượng cao hơn mức bình quân của các dòng khác (sản lượng 36,5kg nhân/cây, tỷ lệ nhân 39,2%).
Theo dõi tại Trung Quốc đã cho thấy Keauhou (246) chín muộn hơn Hinder (giòng H 2 của úc), thời kỳ đầu sản lượng thấp nhưng từ 10 tuổi trở đi sản lượng vừa cao vừa ổn định, nhưng chống chịu bão tương đối kém.
2) Kakea (508)
Tuyển chọn năm 1936, đặt tên năm 1948.
Tán lá tròn hẹp hoặc hình tháp nhọn, vỏ cây nhạt màu hơn các dòng khác của Hawaii, đuôi lá hơi tròn, mép lá lượn sóng, ít răng cưa hoặc mép nguyên, có khi mép lá uốn cong. Cành cứng, khoẻ, đốt cành ngắn, lá mọc tập trung dầy đặc ở đoạn đầu cành.
Kích cỡ quả trung bình, quả tròn, rốn hạt to vừa phải, đường gân vỏ hạt mầu nâu đỏ nhưng không lõm thành rãnh.
Tại Hawaii trọng lượng hạt bình quân đạt 7g, trọng lượng bình quân nhân đạt 2,5g, tỷ lệ nhân 36%, tỷ lệ nhân cấp 1 trên 90%.
Đây là dòng cao sản nhất và có giá trị gây trồng thương mại tốt nhất ở quần đảo Hawaii .
Dòng này khá phù hợp với các vùng lạnh, trồng tại bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông sản lượng không cao và chịu bão kém.
3) Ikaika (333)
Tuyển chọn năm 1936, đặt tên năm 1952. Tán lá tròn màu xanh đậm, lá to, đôi khi có một số lá già rất to (25cm x 8cm) đuôi lá hơi vuông và cong vặn, mép lá lượn sóng rất mạnh, nhiều gai (răng cưa sắc).
Quả màu đỏ nâu đậm và hơi có chút hoa văn, gân trên vỏ hạt không rõ. Tại Hawaii trọng lượng hạt bình quân đạt 6,5g, trọng lượng nhân bình quân đạt 2,2g, tỷ lệ nhân 36%, nhân cấp 1 đạt 90%.
Dòng này sức sống mạnh mẽ, chống chịu tốt, đặc biệt là chịu lạnh và chịu bão tốt.
Nguồn: sưu tầm