Giới thiệu về cây chuối Laba

Laba một địa danh gắn liền với xã Phú Sơn nên thường gọi Laba – Phú Sơn; từ năm 1987 trở về trước, Laba – Phú Sơn là một xã của Huyện Đức Trọng, năm 1987 huyện Đức Trọng chia tách làm 2 là : huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà. Hiện nay xã Phú Sơn thuộc huyện Lâm Hà.

Giới thiệu về cây chuối Laba - gioi thieu ve cay chuoi laba

Quá trình hình thành vùng đất LaBa từ những năm 1920 khi mở quốc lộ 27 nối liền QL 20 với Ban mê thuật. Người Pháp đã xây dựng những đồn điền ở Đạ Đờn – Phú Sơn hiện nay rồi chiêu mộ nhân công và những hộ dân đi mở đất lập nghiệp trên vùng đất mới.(Một số tư liệu còn lưu trữ cho thấy trước đây vùng đất Phú Sơn – Đạ Đờn thuộc Tổng Phú Hội, Quận D’Ran, tỉnh Đồng Nai Thượng). Các đồn điền của Pháp và người dân  trồng chuối để cung cấp cho cho kiều dân Pháp và các quan chức triều đình Bảo Đại tại thành phố Đà Lạt (Đà Lạt trước năm 1954 là vùng đất “Hoàng Triều Cương Thổ” là nơi nghỉ dưỡng, du lịch của các quan chức Pháp và khách du lịch).

Có giả thuyết cho rằng LaBa là tên Việt hóa của từ tiếng Pháp La Banane là vùng trồng chuối.

Do những yếu tố tự nhiên về đất đai, khí hậu, độ cao…Trong những giống chuối mang về trồng có nhóm chuối già đã tạo nên hương vị và phẩm chất đặc trưng riêng đã tạo nên tên gọi chuối LaBa tồn tại đến nay :

Qua thực tế tìm hiểu, trước đây tại vùng tại vùng đất trên có 02 giống chuối chính gồm:

Loại cây chuối cao:  cây cao từ 4,5 – 5 mét, thân cây chuối thon, lá màu xanh nhạt, cuống lá to hơi dài, lá mo và vòi noãn khi khô tự rụng. Trái cong và úp vào buồng, vỏ mỏng, ăn ngọt và thơm, năng suất tương đối cao nhưng khó thu hoạch buồng quả, hay bị đổ ngã nhiều khi gặp gió lớn, bão và bệnh héo rũ, bệnh cháy lá. Nông dân xã Phú Sơn gọi là chuối Già Hương cao. Hiện nay số lượng còn không đáng kể (rất hiếm).

Loại chuối cây vừacây cao từ 3 đến 3,5 mét, lá mọc sít nhau hơn, lá màu xanh nhạt, cuống lá hơi dài, eo lá có mầu tím đỏ, gốc lá nhọn và sâu, trái hơi cong, nải trên buồng xít nhau, buồng trái hình trụ, số nải trên/buồng từ 10 – 12 nải (hoặc nhiều hơn), Nông dân xã Phú Sơn thường gọi là chuối già Già hương thấp hay chuối LaBa, chuối LaBa, chuối Laba Đà Lạt….Nhưng hiện nay số lượng cây chuối còn rất ít. Giống chuối trên cho năng xuất cao, chất lượng tốt, hay bị bệnh cháy lá, trái khi chín hay bị đốm đen (đốm trứng cuốc).

Hiện nay; trên địa bàn Phú Sơn-Đạ Đờn… tồn tại nhiều giống chuối khác nhau gồm: Già hương cao, già hương thấp (chuối LaBa, chuối LaBa Đà Lạt…), già cui, già lùn. Nhưng nhiều nhất là giống chuối già cui.

Chuối LaBa hay chuối LaBa Đà Lạt theo phân loại thuộc nhóm AAA; thuộc nhóm chuối già  nên có những đặc điểm chung về sinh thái như nhau.

Giới thiệu về cây chuối Laba - gioi thieu ve cay chuoi laba 2

Đặc điểm thực vật học của chuối laba

1/  Bộ rễ chuối: Rễ bất định mọc từ bề mặt của trung tâm của củ chuối thành từng nhóm 3-4 rễ một. Đường kính từ  4-8 mm, dài có thể tới 2,5 m. Đâm sâu tới 60 cm. Do rễ phân nhánh ở xa gốc và như vậy lông hút nằm xa gốc nên thường phải bón phân từ 60 cm kể từ gốc trở ra đối với cây lớn. Rễ chuối hút nước yếu, thường chỉ độ 30% đầu của thuỷ dung ngoài đồng như vậy nhịp độ tưới phải dày hơn.

Đọc thêm  Lai tạo giống hoa lan

2/ Củ chuối: Là thân thật và là bộ phận quan trọng nhất của cây chuối. Nó sinh ra lá, hoa quả ở trên, rễ và các con ở dưới. Có các loại con lá vảy, con lá mác và con lá bàng. Bản chất là một căn hành phát triển theo kiểu cọng trụ, củ tạo ra thân trên không và phát hoa chuối.

3/ Lá:  Bẹ lá hợp thành thân giả, các cuốn lá hợp thành các chữ V, khoảng cách giữa hai chữ V là là lóng giả, gặp điều kiện sinh trưởng khắc nghiệt lóng giả ngắn. Trong điều kiệt tốt cứ 7 – 10 ngày cây ra một lá. Khi ½ số lá đã ra cây bắt đầu phân hoá mầm hoa, trong thời gian này ½ số lá còn lại tiếp tục được tống ra ngoài. Phải tìm mọi biện pháp để duy trì số lá xanh trên cây. Muốn có năng suất cao phải duy trì được số lá xanh từ 12 – 14 lá trên cây vào lúc trổ luồng. Bệnh Sigatoka làm giảm số lá rất nhanh, nhất là vào mùa mưa.

4/ Hoa quả: Bắp chuối di chuyển trong ruột thân giả rồi trổ ra ngoài, một nảỉ chuối được một lá mo màu đỏ đậu lên, mỗi ngày bắp chuối nở ra 1 nải. Như vậy khoảng độ 8-14 ngày mới trổ hết nải. Từ khi bắp nhú lên đến khi thu hoạch xuất khẩu mất độ 120 – 135 ngày tùy theo mùa. Tuỳ theo số lá xanh mà quyết định số nải chừa lại. Phần bắp chuối sẽ được cắt đi cách nải chừa lại cuối cùng 15 – 20 cm.

Sinh thái của chuối Laba

Chuối là cây nhiệt đới, chuối LaBa thuộc nhóm chuối già, được trồng ở vùng cận nhiệt đới, từ 18oC cây chuối bắt đầu tăng trưởng và đạt tối ưu ở 27oC, Trên 38oC cây chuối ngừng tăng trưởng. Vì vậy khi trồng chuối LaBa ở những tiểu vùng khí hậu có nhiệt độ dưới 18oC, thời gian sinh trưởng sẽ kéo dài.

Chuối LaBa không bị ảnh hưởng của quang kỳ, như vậy chuối có thể trổ buồng quanh năm.

Chuối LaBa nói riêng ưa ánh sáng nhẹ, từ 2.000 – 30.000 lux; trên 30.000 lux quang hợp bắt đầu giảm. Nắng trực xạ của các trưa hè dễ làm cháy lá và nám buồng quả.

Nhóm chuối già nói chung và chuối LaBa nói riêng cần nhiều nước, một số tài liệu cho thấy cứ 13,5m2 lá cần tới 25 lít nước/ngày (lượng nước tối thiểu là 15 đến 18 lít) để vận chuyển chất dinh dưỡng nuôi cây. Vì vậy, nếu thiếu nước lá của các cây chuối sẽ bị héo rũ, nếu kéo dài cây sẽ bị chết. Ngược lại, vườn chuối bị ngập úng chỉ sau vài giờ cũng bị héo rũ, ngập úng kéo dài chuối cũng bị chết. Những nơi có mực nước ngầm thấp, đất lúc nào cũng ướt thì trồng chuối cũng cho năng suất rất thấp.

Kinh nghiệm ở Irael và Bazil cho thấy mỗi bụi chuối cần khoảng 25 lít nước vào các ngày quang đãng và 18 lít vào ngày nhiều mây. Vào thời kỳ trổ buồng và nuôi trái nó rất nhiều nước. Lượng nước tưới tùy thuộc vào bức xạ mặt trời, vào nhiệt độ, vào khả năng giữ nước của đất… Như vậy vũ lượng tối thiểu 1.800 mm/năm nhưng phải phân bổ đều. Hiện nay một số nơi đã dùng màng phủ nông nghiệp để trồng chuối vừa có tác dụng chống thoát nước và hạn chế cỏ dại và sâu bệnh.

Đọc thêm  Hướng dẫn các bước trồng chuối

Chuối LaBa không chịu nổi gió lớn, bão nó làm chuối rách lá và trốc gốc… Vì thế khi qui hoạch vùng trồng chuối cần chọn vùng có ít bão tố. Tiến hành các biện pháp kỹ thuật như làm đai cản gió (trồng các cây chắn gió), vun gốc, chống buồng, để hạn chế ngã đổ.

Đất trồng chuối tốt nhất là đất tơi xốp, nhiều mùn, nhất là đất phù sa, đất đỏ bazan, đất bùn ao phơi ải, nơi không bị ngập úng và dễ tưới tiêu nước và thoát thủy tốt, mạch nước ngầm dưới 60 cm. Vườn trồng chuối phải quang đãng để có đủ ánh sáng quang hợp. Độ pH thích hợp trồng chuối là từ 6-7.

Kỹ thuật nhân giống chuối laba

Có 3 phương pháp nhân giống vô tính như sau:

a – Phương pháp nhân giống vô tính bằng tách chồi con từ cây mẹ: chọn chuối con giống chuối mập khỏe, cây con hình lưỡi mác thường gọi là chồi đuôi chiên, không bị sâu bệnh cao 0,8 – 1m, cắt sạch rễ và 2/3 lá trước khi trồng.

b – Phương pháp nhân giống vô tính bằng củ chuối mẹ : Đào lấy gốc củ chuối mẹ sau khi chặt buồng hoặc những gốc chuối con lớn có chu vi thân giả 40 – 60 cm dùng để ươm giống. Củ chuối được bổ ra làm 4 hoặc làm 8 phần để ươm. Khi bổ củ chuối mẹ cần tránh cắt vào đỉnh sinh trưởng của củ chuối mẹ. Củ chuối mẹ sau khi đào về được xử lý vệ sinh sau đó cắt ra, xử lý mắt cắt vào tro bếp hoặc thuốc Zineb, Dithane… sau đó ươm ngay. Đất ươm phải tơi xốp, nhiều mùn, tưới nước thường xuyên để đủ ẩm, sau một tháng các chồi con nhú mầm, sau 3 – 4 tháng tách những chồi lớn đi trồng.

Mỗi củ chuối mẹ khi ươm giống có thể đạt từ 6-10 chồi con, cây con chuối ươm từ củ có những đốm màu tím (sắc tố).

c- Phương pháp nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô (invitro) :

Trước khi đưa vào nuôi cấy mô các cây con chuối đã được giám định các loại bệnh như: Bênh chùn đọt (Bunchy Top), bệnh khảm lá (CMV), Bệnh héo rũ …….. sau đó loại bỏ những cây chuối bệnh trước khi đưa vào cấy mô.Cây con chuối cấy mô phải sạch bệnh ngay từ trong vườn ươm, cây sinh trưởng tốt, cao khoảng 20 – 25 cm có từ 6 – 7 lá, lá có tối thiểu từ 2 – 3 lá có những đốm màu tím trở lên . Qua kết quả sản xuất thực tế cho thấy, con giống trồng từ cấy mô có ưu điểm là thuần chủng giống cây mẹ đã tuyển chọn, độ đồng đều, cho năng suất cao hơn từ 10 – 15 % so với các loại con giống khác, thời gian trồng đến thu hoạch tương đương nhau.

Thảo luận cho bài: Giới thiệu về cây chuối Laba

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *