Site icon Nuoitrong123

Phòng trị bệnh dính chân trong ương tôm giống

Hiện tượng dính chân xảy ra phổ biến trong quá trình ương nuôi ấu trùng tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất giống.

Nguyên nhân

Ấu trùng tôm bị dính chân là do một hoặc một số các nguyên nhân như: nguồn nước trước khi cấp vào bể ương chưa được xử lý kỹ. Việc sử dụng tảo khô Spirulina làm thức ăn cho ấu trùng tôm quá sớm hoặc kiểm soát lượng tảo không chặt chẽ, cho ăn dư thừa quá nhiều. Cho ăn tảo khô quá sớm khi ấu trùng chưa chuyển hết sang Zoea 1, lượng tảo dư tạo thành màng nhầy bám dính vào chân và phụ bộ của ấu trùng. Sử dụng tảo quá già làm thức ăn cho ấu trùng tôm. Khi tảo quá già sẽ nhanh chóng tàn và tạo chất nhớt trong bể ương. Ngoài ra sử dụng tảo, thức ăn, artemia kém chất lượng làm thức ăn cho ấu trùng tôm cũng tạo chất nhớt dễ bám dính vào ấu trùng tôm. Khi môi trường nước xấu đi do tảo, thức ăn hay phân làm môi trường nước ô nhiễm dẫn đến hiện tượng ấu trùng tôm dính vào nhau thành từng cục làm ấu trùng không thể bơi, không bắt mồi và chết dần. Hiện tượng dính chân xảy ra ở tất cả các giai đoạn trong quá trình ương ấu trùng nhưng thường gặp hơn ở giai đoạn Zoea.

Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, môi trường trong quá trình ương góp phần nâng cao sức đề kháng của ấu trùng tôm – Ảnh: PTC

Cách phòng bệnh

Sau khi tôm đẻ 30 – 32 giờ, thu Nauplius trong bể đẻ và chuyển vào chậu (thùng nhựa) 20 – 100 lít, sục khí nhẹ để ấu trùng phân bố đều, tắm ấu trùng bằng một trong các hóa chất KMnO4 5 ppm, Iodin 5 ppm trong 3 – 5 phút, tắm bằng Formaline 100 – 200 ppm trong 30 – 60 giây để khử trùng trước khi thả vào bể ương, loại bỏ các chất bẩn bám trên ấu trùng trong quá trình ấp. Sau đó tắm lại Nauplius bằng nước sạch để loại bỏ dư lượng thuốc khử trùng.

Nước trước khi đưa vào bể ương ấu trùng tôm phải khử trùng bằng ôzon hoặc Chlorine (25 – 30 ppm) trong là 24 giờ. Trung hòa Chlorine dư bằng thiosulphate theo tỷ lệ 1:1. Dùng test Chlorine kiểm tra Chlorine dư, nước cấp cho bể nuôi vỗ có hàm lượng Chlorine dư < 0,1 ppm. Cấp nước biển đã khử trùng qua túi lọc bông, rồi bổ sung EDTA 10 ppm và sục khí trong thời gian ít nhất 24 giờ trước khi thả ấu trùng Naplius vào ương.

Nếu dùng tảo khô cho ấu trùng ăn chỉ được dùng khi ấu trùng đã chuyển hết sang giai đoạn Zoea 1, cho ăn với lượng vừa đủ tránh dư thừa. Tốt nhất khi tôm ở giai đoạn Zoea nên cho ấu trùng ăn bằng tảo tươi giúp ấu trùng dễ bắt mồi và không làm ô nhiễm nước. Sử dụng nguồn tảo tươi, artemia, thức ăn công nghiệp phải đảm bảo chất lượng, không dùng tảo quá già, tảo không bị nhiễm tạp.

Để phòng hiện tượng dính chân ở ấu trùng tôm cần quản lý tốt môi trường bể ương trong suốt quá trình ương. Định kỳ xi phông đáy, thay nước kết hợp sử dụng một số loại vi sinh có lợi trong việc phân hủy phân và thức ăn dư thừa.

Điều trị khi tôm bị dính chân

Cần giảm lượng thức ăn, nhất là lượng tảo khô. Sử dụng hóa chất như Cloramine 0,25 – 0,5 ppm, Triflan 0,05 ppm để làm sạch chất bẩn bám trên ấu trùng. Thay nước từ 20 – 50% kết hợp với vi sinh nhằm phân hủy nhanh chất bẩn và giúp vi sinh vật có lợi phát triển. Bổ sung EDTA 10 – 30 ppm, Vitamin C và Vitamin tổng hợp với liều lượng 1 ppm, chống sốc cho ấu trùng trong quá trình xử lý. Nếu môi trường nước quá xấu, nước bẩn tạo thành sợi thì sử dụng vợt lưới để loại bỏ chất bẩn ra khỏi bể ương.

Nguồn: nghenong.com

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version