Tôm càng sông (Macrobrachium nipponensis) là loài bản địa có khả năng thích nghi cao với môi trường. Khi nuôi, tôm càng sông lớn nhanh, ít bệnh tật; có thể thả giống một lần thu hoạch quanh năm.
Giá trị thực phẩm
Tôm càng sông (tôm chà) là thực phẩm phổ biến nhất, được bán quanh năm ở các chợ nông thôn cũng như thành thị dưới dạng tôm tươi, tôm khô. Thịt tôm mềm, thơm ngon, vị ngọt, tính lành và giàu canxi, có thể chế biến thành nhiều món ưa thích. Ngoài sự có mặt trong những món ăn thường ngày, tôm còn là một đặc sản (bánh tôm Hồ Tây) khó quên với du khách đến Hà Nội. Hiện, tôm tự nhiên được bán ở các chợ với giá 80.000 – 120.000 đồng/kg, tương đương với giá bán 3 – 4 cá kg rô phi.
Nước ta, diện tích ao hồ nhỏ lẻ rất lớn; khi tôm tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, giá thức ăn công nghiệp tăng cao, giá cá hạ, người nuôi không có lãi thì việc nuôi tôm càng sông bằng thức ăn rẻ tiền là một hướng đi mới phù hợp.
Đặc điểm sinh học
Tôm càng sông thuộc giống tôm càng nước ngọt (cùng tôm riu, tôm càng xanh). Tôm có hình dáng tương tự như tôm càng xanh nhưng kích cỡ bé hơn, màu sắc cơ thể và đôi càng thường có màu vàng hoặc sẫm. Khi nhỏ, tôm càng sông và tôm riu cùng cỡ vẫn phân biệt được, vì tôm càng sông cơ thể dài và chân bò phát triển hơn.
Ở nước ta, tôm phân bố hầu hết ở các ao hồ nước ngọt và nước lợ có độ muối thấp. Chúng thành thục và sinh sản sau 5 – 6 tháng, cơ thể dài 5 – 9 cm, trọng lượng 10 – 15 gam/con (80 – 100 con/kg), con đực có 2 càng phát triển và kích thước lớn hơn con cái. Tôm giao vĩ và sinh sản tự nhiên suốt mùa hè tại miền Bắc và sinh sản quanh năm ở miền Nam. Tôm cái sinh sản mỗi lần 1.600 – 2.000 trứng, khoảng cách giữa 2 lần đẻ 15 – 20 ngày. Khi tôm đẻ xong, trứng được giữ ở chân bơi dưới bụng, nở thành ấu trùng sau 10 – 15 ngày, sau đó ấu trùng rời mẹ, sống độc lập và phát triển qua các lần lột xác.
Tôm thường kiếm ăn ban đêm ở tầng đáy; thức ăn là nguyên sinh động vật, giun, giáp xác nhỏ, ấu trùng, côn trùng, mảnh vụn thức ăn, mùn bã hữu cơ. Khi kiếm mồi, chúng có tính tranh giành thức ăn cao và có thể ăn thịt lẫn nhau khi đói.
Chuẩn bị ao nuôi
Ao được tẩy dọn sạch, vét bớt bùn, diệt tạp kỹ, tránh cá dữ còn sót lại. Rải vôi 8 – 12 kg/100 m2, đầm nén kỹ bờ ao, phát quang bờ bụi và lắp cống cấp, thoát nước. Diện tích nuôi có thể từ vài chục đến hàng nghìn m2, diện tích thích hợp để nuôi 500 – 2.000 m2. Bón phân chuồng ủ mục, liều lượng 20 – 30 kg/100 m2, phân xanh 30 – 40 kg/100 m2. Phân chuồng rải đều khắp mặt ao, phân xanh bó lại dìm ở góc ao. Nước lấy vào ao qua lưới lọc, độ sâu 1 m trở lên.
Giống thả
Có thể mua giống nhỏ hoặc tôm bố mẹ từ người đi khai thác hoặc các ao nuôi cá. Nếu tôm giống có thể thả 2 kg/100 m2; nếu tôm bố mẹ, thả 1 kg/100 m2, cần chọn nhiều tôm cái (càng nhỏ). Tôm khỏe mạnh và có đủ các bộ phận chân, càng, râu, chủy… Thả tôm sau khi lấy nước vào ao 7 – 10 ngày, nên thả lúc trời mát.
Thức ăn cho tôm
Dùng các loại bột ngũ cốc (cám gạo, ngô, khoai, đậu tương, sắn) và bột cá để phối trộn thức ăn, đảm bảo hàm lượng đạm 20% trở lên. Thức ăn nên nấu chín để tăng sự hấp thụ của tôm. Tôm cần nhiều canxi để lột xác, nên trong thức ăn cần duy trì lượng bột cá hoặc bột khoáng 10 – 12%. Có thể dùng cám công nghiệp cho tôm ăn, nếu có điều kiện kinh tế.
Đối với tôm giống (1.000 – 2.000 con/kg), cho tôm ăn hằng ngày lượng thức ăn 5 – 7% tổng trọng lượng tôm, nếu thả tôm bố mẹ thì cho ăn hằng ngày 3 – 4%, nên cho ăn buổi sáng và chiều tối.
Chăm sóc, quản lý
Cứ 500 m2 ao nên lắp một máy phun mưa để tăng ôxy trong nước. Từ tháng thứ hai có thể cho máy hoạt động từ nửa đêm đến sáng.
Định kỳ 15 – 20 ngày bón phân chuồng và phân xanh xuống ao với lượng như lúc cải tạo; vớt bỏ cành, cọng phân xanh sau khi ngâm. Kiểm tra sức ăn của tôm bằng vó, nhá để cung cấp đủ thức ăn cho tôm; tránh hiện tượng tôm đói, ăn thịt lẫn nhau.
Hằng tháng cấp nước vào ao nuôi 5 – 10% để kích thích tôm bắt mồi. Kiểm tra và điều chỉnh pH 7 – 7,5 bằng vôi và mật đường.
Tôm bố mẹ sau khi thả 15 – 30 ngày, tôm giống sau 4 – 5 tháng thì bắt đầu sinh sản. Khi tôm sinh sản nhiều, nước trong ao sẽ có mùi tanh. Nên thả thêm cá mè trắng giống vào ao, mật độ 2 – 3 m2/con, để giảm bớt tảo. Dùng vôi bột liều lượng 2 – 3 kg/100 m2 hòa loãng té đều trên mặt ao để khử trùng nước, định kỳ hàng tháng.
Thu hoạch
Sau 5 – 6 tháng nuôi có thể thu tỉa tôm; dùng rọ, đó kích thước lớn, nan thưa, bỏ mồi nhử để thu tôm. Nên thu vào ngày tối trời, trước khi thu cần cho tôm nhịn ăn 1 ngày. Chỉ thu tôm đạt kích cỡ thương phẩm 10 – 15 g/con, nên thả lại ao những con tôm cái ôm trứng, để tái tạo đàn. Không dùng lưới vét để thu vì sẽ gây stress cho tôm. Mỗi lần thu hoạch 1 – 2 kg/100 m2, thu 2 – 3 lần/tháng, cần lựa thời điểm để thu tôm bán được giá cao.
Hiệu quả khi nuôi
Với cách nuôi như trên sẽ luôn có tôm thịt bán mà không phải thả giống lần sau. Loại hình này có thể đạt năng suất 2,5 – 3 tấn/ha/năm, tạo lợi nhuận 180 – 200 triệu đồng. Mô hình nuôi này đang được triển khai hiệu quả tại nhiều hộ dân các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam.
Nguồn: sưu tầm