Chia sẻ câu chuyện thành công từ nghề nuôi rắn hổ vện của anh Nguyễn Hàn Phong
Từ nhỏ đã đam mê rắn nên năm 27 tuổi, anh Nguyễn Hàn Phong quyết định thực hiện ước mơ nuôi rắn của mình. Theo anh, khi đã đủ độ chín trong suy nghĩ thì mới kiên trì với nghề mình chọn, dù thất bại hay thành công.
Nuôi rắn không độc
Trại rắn Hàn Phong nằm ngay bên đường ĐT756, thuộc tổ 5, ấp Hưng Lập A, xã Tân Hưng (Hớn Quản, Bình Phước). Tuy mới 3 năm gắn bó với nghề nhưng sở thích vật nuôi “độc” này của chủ trại Nguyễn Hàn Phong lại có từ nhỏ. Mỗi lần bắt được rắn, anh thường để lại “nghiên cứu” đặc tính của con vật này. “Lúc đó đâu nghĩ đến chuyện tìm hiểu để sau này nuôi rắn, chỉ là thỏa mãn sở thích thôi” – anh cho biết.
Anh Phong học trung cấp chế biến mủ, sau đó về làm công nhân khai thác cao su. Cách đây 3 năm, khi vợ anh đỡ đần được việc, anh bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện sở thích của mình. Loài rắn anh chọn nuôi là hổ vện (hổ trâu, hổ hèo). Tuy giá bán không cao như rắn hổ mang nhưng anh chọn giải pháp an toàn vì các con còn nhỏ. Khắc phục khó khăn anh vay mượn gần 200 triệu đồng mua con giống, làm chuồng nuôi.
Rắn hổ vện dài 3 m, nặng 5,5 kg được anh Phong giữ lại trại làm kỷ niệm
Năm đầu mua con giống anh bị lừa bán cho rắn ăn mập ú mà không đẻ. Người bán khẳng định với anh rắn đang có thai nên giá 3 triệu đồng/con. Anh nghĩ mua được rắn giống sắp đẻ sẽ rút ngắn thời gian hơn mua rắn con. Về chăm sóc vài tháng vẫn không thấy rắn đẻ, trong khi quá trình mang thai, đẻ trứng chỉ diễn ra trong 2,5 tháng. Thất bại, anh bàn giao công việc lại cho vợ để đi thực tế những trang trại nuôi rắn có tiếng ở Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang và một số tỉnh phía Bắc.
Trong quá trình tìm hiểu, anh Phong được biết đã có nhiều người nuôi rắn thất bại do không chủ động được nguồn thức ăn. Đa số họ cho ăn thức ăn sống như chuột, ếch, cóc, nhái. Nguồn thức ăn này chỉ phong phú vào mùa mưa, những tháng mùa khô rắn bị bỏ đói nên chậm lớn dẫn đến thua lỗ. Vì thế, ngay từ đầu anh tập cho rắn ăn cả thức ăn nguội (chuột, ếch, cóc, nhái, trứng gà, xác động vật đông lạnh, sau đó rã đông cho ăn) để chủ động. Dù giá 300 ngàn đồng/kg, người nuôi vẫn có lời.
Sau khi nuôi thành công, tìm đầu ra cho sản phẩm là một hành trình theo anh nhận xét là “không giống ai”. Những lần xuất bán đầu tiên thương lái đến tận nhà thu mua nhưng giá thấp hơn so với thị trường. Anh nghĩ, muốn đầu ra ổn định và được giá phải tìm đầu mối để bán. Vậy là đều đặn 1-2 giờ sáng, khi thương lái chở hàng từ nhà anh đi thì anh một mình một xe bám theo. Ròng rã nhiều ngày, anh mới tìm được những đầu mối thu mua ổn định.
Phối giống thành công
Sau khi có kinh nghiệm chọn con giống, anh Phong đến Đắk Lắk tự tay chọn những con vừa ý. Tuy nhiên, rắn sống ở vùng có những tháng lạnh nên diễn ra quá trình ngủ đông. Nếu bình thường rắn sinh sản 2 lứa/năm nhưng do ngủ đông, rắn không ăn uống dẫn đến chỉ sinh sản được 1 lứa. Với ưu điểm nhanh lớn, ăn thức ăn nguội nhưng lại hạn chế sinh sản nên anh Phong quyết định phối giống giữa rắn thuần chủng mua từ Đắk Lắk với rắn rừng ở Bình Phước có màu đẹp, thân dài. Ý nghĩ táo bạo này cho ra một kết quả không ngờ. Giống rắn hổ vện trong trại nuôi của anh hiện được thương lái ví là “rắn khủng long” với chiều dài từ 2,5 – 3 m, tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ đẻ trứng và nở cao, màu đen bóng rất được thị trường ưa chuộng.
Hiện trại của anh dao động từ 300 – 400 con được chia làm 3 khu chuồng nuôi: dưỡng rắn con, nuôi rắn mẹ và khu phối giống. Một con rắn anh nuôi đẻ trung bình 12 – 20 trứng. Khi rắn nở, anh phân loại đạt để bán giống, không đạt chuyển qua nuôi thương phẩm. Rắn nuôi một năm có trọng lượng 3kg/con. Giá bán cho bạn hàng trung bình 500 ngàn đồng/kg. Một năm anh xuất bán 2 lần, mỗi lần khoảng 100 con. Do đặc điểm vượt trội của giống rắn lai tạo được nên hiện anh tập trung phối giống để bán trứng và con giống. Một quả trứng giá 70-90 ngàn đồng, chủ yếu bán qua Tây Ninh và 120 – 150 ngàn đồng/rắn con bán đi Vũng Tàu, Đắk Lắk. Những hộ nuôi nhỏ lẻ trong huyện anh bao tiêu từ con giống đến đầu ra.