Muốn nuôi ba ba có năng suất tốt, điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng được ao hoặc hồ nuôi phù hợp với điều kiện sống của ba ba và quản lý được đàn ba ba nuôi.
Hồ nuôi ba ba có thể thiết kế theo 3 kiểu, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ: Hồ xây dựng nổi láng đáy bằng xi măng, hồ xây chìm không láng đáy và hồ không xây, chỉ quây bằng Bro-ximăng.
Nếu có điều kiện kinh tế, tốt nhất là xây hồ nổi để nuoi ba ba đạt năng suất cao nhất, láng đáy, xây tường 10 cm, cao 1m, vát 4 góc cho tròn, lỗ thoát nước cho sát đáy, phần đáy cho nghiêng về phía thoát nước. Lỗ nước vào đặt ống cao hơn đáy 20 cm. Bể phải xây chắc, trát bằng xi măng trơn bóng, kể cả đáy. Xây xong cho nước ngâm khoảng 20 ngày, bắt đầu ngâm phải cho nhiều cây và lá chuối.
Thân chuối cắt ngắn khoảng 50 cm chẻ làm đôi lấy từng phần chà vào tường khoảng 3 lần, khi ngâm cho nước vào khoảng 70 cm là được. Sau đó tháo ra và cho nước mới vào khoảng 20 cm, chùi toàn bộ bể. Đồng thời đổ vào 1 lượt cát mịn dày khoảng 5 cm, cho vào 1 ít vôi để rửa cát cho sạch, sau đó xả hết nước, cho nước mới để xử lý nuôi.
Xây hồ theo kiểu không láng đáy thì phần đáy phải có nền đất cứng, ít bùn, giữ được nước. Nếu bùn nhiều thì phải vớt bớt bùn, chỉ để lại tối đa 20 cm bùn, tối thiểu là 10 cm. Số bùn để lại này phải vãi phân chuồng, vãi vôi, xử lý đảo đều với bùn, để không nước trong vòng 3 ngày, phơi nắng, sau đó cho nước vào và xử lý như hồ xây láng đáy đã nêu ở phần trên rồi thả giống vào.
Còn đối với gia đình không có điều kiện xây hồ thì có thể quây bằng tấm prô xi măng, đáy phải xử lý như hồ không láng đáy. Sau cũng xử lý các loại thuốc, phân xanh như 2 loại hồ trên.
Sau khi xử lý mà nước ao chuyển sang màu xanh là đạt yêu cầu. Khi nào thấy nước quá bẩn, có mùi hôi thối thì cho thay khoảng 40-60% nước trong hồ. Khi thấy ba ba chết trong hồ cần phải vớt ra đưa đến cách hồ tối thiểu 20m, vãi vôi lên trên và chôn sâu. Hết sức chú ý giữ yên tĩnh cho ba ba, nhất là khi phơi nắng, lên ăn.
Các yêu cầu kỹ thuật về xây dựng ao nuôi: Nên xây dựng ao nuôi ở nơi yên tĩnh, kín đáo, không bị cớm rợp, dễ thoát nước, không bị úng ngập, có nguồn nước cấp độc lập để bảo đảm cấp nước sạch. Diện tích ao rộng hẹp vừa phải. Ao rộng nuôi dễ lớn nhanh, nhưng khó quản lý, đầu tư lớn mới có năng suất sản lượng cao. Ao hẹp dễ quản lý, nhưng nuôi chậm lớn hơn ao rộng.
Mỗi ao có cống cấp nước và thoát nước riêng. Cống thoát nước có điều kiện nên đặt sát đáy ao để dễ tháo cạn và hút bỏ chất cặn bẩn trong ao. Cấp nước vào ao nên cho chảy ngầm, không xối mạnh trên mặt nước làm ba ba sợ hãi không có lợi cho sinh trưởng.
Hồ, ao nuôi cần có chỗ cho ba ba nghĩ ngơi dưới nước và trên bờ. Ba ba ăn no xong thường tìm chỗ nghĩ ngơi thích hợp, ba ba còn hay bò lên bờ hoặc trèo lên vật nổi trên mặt ao để phơi nắng. Ba ba phơi nắng như vậy có tác dụng rất tốt, có thể tự chữa khỏi các bệnh nấm nước, bệnh lỡ loét khi vết thương còn nhẹ. Trên thực tế thì những ao nuôi không có điều kiện cho ba ba phơi nắng, ba ba rất hay bị bệnh.
Có chỗ cố định cho ba ba ăn để dễ theo dõi sức ăn của ba ba và để làm vệ sinh khu vực ăn. Đơn giản nhất là cho thức ăn vào rổ, rá, nia, mẹt, khay, buộc dây treo ngập nước từ 0,3-0,6m cho ba ba ăn, khi cần thì nhấc lên như nhấc vó. Có thể xây một bệ máng ở một góc ao, rộng 0,4 – 0,6m, ngập dưới nước 0,3-0,6m. Ao bể nhỏ và nông, đáy sạch có thể thả thức ăn trực tiếp xuống đáy ao cho ăn, nên chọn vị trí gần cửa cống tháo nước để dễ tháo hút chất cặn bẩn thức ăn thừa hàng ngày. Có thể luyện cho ba ba quen ăn ở ngay sát mép nước.
Nguồn: tổng hợp