Site icon Nuoitrong123

Trồng dưa lưới giữa mùa hạn kiếm tiền tỷ mỗi năm

Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân Võ Văn Trưng đã đầu tư trồng dưa lưới quanh năm, theo hướng công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi vào bên trong các căn nhà lưới tham quan ruộng dưa lưới rộng hơn 8.000 mét vuông được gieo trồng thành nhiều đợt, ông Võ Văn Trưng chậm rãi kể câu chuyện làm giàu của mình.

Ông Trưng bên ruộng dưa lưới gần 1 tháng tuổi. (Ảnh: Tấn Phong)

Ông Trưng cho biết, vùng đất Bình Thành này xưa nay nhiễm phèn nặng, nông dân chủ yếu sống nhờ vào việc trồng lúa, rau màu nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Những năm gần đây biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào mùa khô gây nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất.

Thấy trồng lúa luôn gặp khó khăn về nguồn nước nên cách đây 3 năm, ông Trưng đã lặn lội đến nhiều tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh để tìm tòi, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp mới về áp dụng trên đồng đất của mình. Đồng thời, tích cực nghiên cứu nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Cuối cùng, ông Trưng đã chọn mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để trồng cây dưa lưới.

“Trồng lúa thì đến mùa hạn nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất đai thoái hóa. Khi quyết định trồng cây khác thì phải tính toán thêm, liệu có bị phụ thuộc vào đất đai hay nguồn nước không, vừa tiết kiệm chi phí nhân công, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã quyết định trồng loại dưa lưới trên giá vừa không ảnh hướng tới mặt đất và có thể tưới bằng phương pháp nhỏ giọt.”-Ông Võ Văn Trưng cho hay.

Dưa lưới phát triển xanh tốt. (Ảnh: Tấn Phong)

Những ngày này, khi nông dân nhiều nơi trong vùng đang chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn nước ngọt bơm lên ruộng phục vụ cây lúa hè thu đang chết khát thì trên đồng đất của ông Trưng những cây dưa lưới vươn mình xanh mơn mởn, trái sai trĩu. Ông Trưng cho biết, nhờ áp dụng trồng dưa trong nhà lưới và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Với công nghệ này, sau khi ươm hạt dưa  thành cây con tại một góc nhà lưới, ông trồng mỗi cây dưa vào một bầu chứa 4 lít giá thể, chủ yếu là xơ dừa nên bộ rễ cây dưa hoàn toàn không tiếp xúc với nền đất lúa trước đây.

Mỗi một bầu dưa đều được cắm sẵn vòi tưới nhỏ giọt nối với nhánh dây rẽ, được gắn cố định vào đường dây chính bằng nhựa dẻo đã lắp đặt khắp khu nhà kính. Quy trình vận hành tưới thông qua việc thiết lập tầng suất tưới 10 lần/ngày và mỗi lần kéo dài 2 phút. Với cách tưới này, ông Trưng tiết kiệm hơn 80% lượng nước so với cách tưới truyền thống.

Điều tiện lợi khác nữa là lượng nước tưới trữ trong các thùng nhựa composite có thể tích lên đến 2.000 lít được pha chế với nhiều hợp chất hữu cơ cần thiết, đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cây. Toàn bộ quy trình tưới nhỏ giọt này được điều khiển bằng con tắt thông minh. Nhờ vậy, khâu bơm nước trực tiếp bằng mô tơ điện từ các thùng chứa dự trữ sẵn vào hệ thống dây dẫn trước khi tưới cho từng gốc dưa lưới được thực hiện hoàn toàn tự động trong khoảng thời gian nhất định đã được lập trình sẵn.

Bên cạnh những tiện ích trên, việc trồng dưa lưới trong nhà lưới vừa giúp tránh được những bất lợi của thời tiết, vừa ngăn chặn được côn trùng, sâu bệnh tấn công nên tiết giảm đáng kể khoản chi phí và công sức phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Những trái dưa lưới không bị tồn dư lượng hóa chất độc hại.

Ông Võ Văn Trưng cho biết thêm,mỗi một ha như vậy thu hoạch luân phiên theo chu kỳ 2 tháng/lần. Trung bình một công thu hoạch khoảng 2,5 tấn- 3 tấn. Giá thị trường khoảng từ 30.000- 35.000 đồng/kg.Với hơn 8 công đất luân phiên trồng 4 vụ dưa lưới, mỗi năm ông Trưng thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.

Thu hoạch dưa lưới. (Ảnh: Tấn Phong)

Theo ông Nguyễn Thế Tự- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, đây là mô hình tiêu biểu ở tỉnh Hậu Giang, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ; khuyến khích để các hộ dân có điều kiện nhân rộng thêm tại nhiều điểm khác, nhất là ở những nơi thiếu nước ngọt sản xuất trước tác động bởi biến đổi khí hậu, gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ dân chỉ nên sản xuất ở quy mô nhỏ để đỡ tốn kém chi phí đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới. Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng dưa của ông Trưng là rất cao so với các mô hình trồng màu khác. Thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng cũng như vận động bà con làm theo mô hình này, không chỉ đối với dưa lưới mà kể cả các loại rau màu khác trồng trong nhà lưới.

Theo ông Võ Văn Trưng, hiện nay trái dưa lưới do ông sản xuất đang được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị trong nước. Hướng tới ông sẽ áp dụng qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu./.

Chàng trai tu nghiệp ở Israel về quê trồng dưa lưới khởi nghiệp VOV.VN – Tốt nghiệp ĐH An Giang chuyên ngành Công nghệ sinh học, được các DN nước ngoài mời nhưng Trần Thanh Tiền (SN 1992) đã từ chối về quê trồng dưa lưới.

Theo Tấn Phong
VOV

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version