Site icon Nuoitrong123

Yên Bái: Nuôi Vịt trời – mô hình mới ở Cường Thịnh

Yên Bái: Nuôi Vịt trời - mô hình mới ở Cường Thịnh - 132928 chan nuoi vit troi

Với 16 ha mặt nước của đập thủy lợi Chóp Dù đang thuê thầu nuôi cá hơn 10 năm nay, anh nhận thấy mình hoàn toàn có thể thử nghiệm nuôi vịt trời.

Một lần xem ti vi, thấy mô hình chăn nuôi vịt trời tại tỉnh Bắc Giang cho hiệu quả kinh tế cao, anh Vũ Văn Hồng ở thôn 6, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên bắt đầu quan tâm tìm hiểu. Tháng 9 năm 2014, anh cùng một anh bạn tìm đến tận Bắc Giang mua 14 con vịt trời để nuôi.

Số vịt này anh và anh bạn mua của một hộ dân, mang về nuôi được nửa tháng thì mắc bệnh rồi chết hết. Không nản chí, lùi bước, anh cùng bạn quyết tâm phải làm bằng được. Sau đó, họ tiếp tục quay lại Bắc Giang mua 40 con vịt trời bố mẹ có giá là 700.000 đồng/con. Đúng bảy tháng sau, anh xuất bán vịt trời lứa đầu tiên.

Vịt trời khi xuất bán thường có trọng lượng từ 1 kg đến 1,2 kg.

Trong chăn nuôi, anh Hồng đặc biệt chú trọng tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vịt. Với vịt bố mẹ, anh thực hiện 6 tháng tiêm phòng một lần và tiến hành tiêm phòng cho vịt con khi nở được 15 ngày.

Rút kinh nghiệm từ lần nuôi 14 con vịt đầu tiên, đợt mua 40 con vịt bố mẹ sau đó, khi mua về anh tiêm phòng ngay. Anh cũng nghiêm túc phun tiêu độc khử trùng cho khu vực chuồng trại chăn nuôi định kỳ 10 ngày một lần vào mùa hè, còn mùa đông thì thời gian dài hơn một chút.

Thuận lợi của việc chăn nuôi vịt trời, anh Hồng cho biết, do gia đình có diện tích mặt nước rộng, khu chăn nuôi cách xa nơi dân cư sinh sống, nguồn nước bảo đảm sạch sẽ, không bị ô nhiễm cùng với chủ động phòng chống nên dịch bệnh cũng khó có điều kiện phát sinh.

Chăm sóc vịt trời, anh Hồng bảo: “Cũng không có gì khó lắm!”. Nguồn thức ăn chính của vịt trời là thóc ngâm. Chợt nhớ khi hỏi đường vào khu chăn nuôi của anh, gặp hai người dân cùng thôn bảo: “Anh Hồng nuôi vịt trời chứ gì? Nhà đấy toàn cho vịt ăn thóc thôi. Hôm qua, xe ô tô vừa chở vào đó 2 tấn thóc”.

Anh Hồng chỉ tay về một góc lán ngay dưới bụi tre: “Đấy, tôi để thóc ở đấy đấy. Thóc cứ ngâm dưới nước một ngày một đêm là cho vịt ăn được rồi cộng với cho ăn thêm bèo tây nhưng thật sự là bèo tây kiếm chả đủ cho chúng ăn đâu. Vịt con từ khi nở ra thì phải đến hai tháng sau mới ăn được thóc ngâm. Được cái rất tiện là thóc đấy rồi ngâm ngay dưới nước hồ đấy, được lúc nào sẽ cho ăn luôn, ngày hai bữa chính sáng và tối”.

Từ khi nuôi vịt đến nay, toàn bộ trứng vịt đẻ, anh Hồng đều giữ lại và cho ấp hết, vịt nở sẽ để nuôi và bán vịt thương phẩm. Tỷ lệ trứng vịt ấp nở đạt từ 60% đến 70%.

Anh Hồng cho biết, gia đình cũng có thể tự làm công đoạn ấp nở nhưng tỷ lệ đạt không cao bằng đi thuê. Vì thế, anh thường đem đi thuê ấp nở ngoài thành phố Yên Bái. Nhân dần như vậy, hiện anh đã có hơn 100 con vịt bố mẹ và khoảng 1.500 con vịt con, vịt thương phẩm.

Mỗi ngày, với đàn vịt hiện có, anh Hồng cho ăn khoảng 70 kg thóc ngâm. Thời điểm này, vịt bố mẹ đang nghỉ đẻ. Theo kế hoạch, anh chuẩn bị gây thêm 100 vịt bố mẹ để thay thế lứa vịt bố mẹ trước. Với vịt bố mẹ, chuồng trại chăn nuôi phải được quây lưới kín bốn xung quanh và kín cả phía bên trên để tránh vịt bay.

Vịt thương phẩm khi xuất bán thường đạt trọng lượng từ 1 kg đến 1,2 kg mỗi con. Gia đình anh Hồng vừa đem bán rong lẻ với giá 150.000 đồng/con vừa bán cho các quán ăn, nhà hàng ở thành phố Yên Bái như Nhà hàng Tùng Dương, Phố Mới, Tây Bắc, 7C… Cũng có nhiều người biết tiếng thì vào tận nhà anh để mua vịt hoặc gọi điện đặt thì anh sẽ giao tận nơi.

Anh Hồng cho biết, thời điểm bán vịt chạy nhất là dịp 30 – 4, 1 – 5, rằm tháng Bảy, ăn ít nhất là thời gian đầu năm. Từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng vịt thương phẩm hiện có của anh Hồng cũng hầu như đã được đặt mua phần lớn. Nguồn thức ăn bảo đảm sạch, chất lượng thịt vịt trời thơm ngon, dai chắc cùng việc giữ chữ tín với khách hàng sẽ là yếu tố để anh Hồng phát triển mô hình trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Yên Bái

 

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version