Bắc Giang: Mô hình vườn cây ăn quả tổng hợp hiệu quả cao tại xã Tân Hưng

Ở Lạng Giang hiện nay, nhiều hộ nông dân không chỉ làm giàu từ trồng nấm, nuôi gà mà còn mở rộng quy mô phát triển nhiều loại hình kinh tế đa dạng đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là mô hình trồng na của gia đình anh Trần Văn Minh, thôn Bãi Sim, xã Tân Hưng.

Bắc Giang: Mô hình vườn cây ăn quả tổng hợp hiệu quả cao tại xã Tân Hưng - pt4 a 98B0C3E

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã đến thăm mô hình kinh tế của anh Minh, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà khang trang, hiện đại nằm trên sườn đồi giữa những vườn na, ổi, bưởi… được bố trí trồng khoa học, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sinh năm 1970, sau nhiều năm “lăn lộn” kiếm tiền bằng nhiều ngành nghề nhưng vẫn khó khăn, năm 1999 anh quyết định quay lại đầu tư phát triển trồng cây ăn quả. Nghĩ là làm, anh mua thêm đất, vận động bà con nông dân quanh vùng dồn đổi tạo thành những ô thửa lớn và chuyển từ cấy lúa 1 vụ không ăn chắc sang trồng cây ăn quả với tổng diện tích 1,5ha.

Ban đầu, toàn bộ diện tích, anh chủ yếu trồng vải. Tuy nhiên, cây vải đã không “có duyên” với anh nên năm 2004, thông qua học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình cách làm hay, tìm hiểu sách báo, các phương tiện truyền thông đại chúng… nhận thấy cây na có giá trị cao và rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, anh quyết định chặt bỏ phần lớn diện tích trồng vải, thay vào đó là 500 cây na dai. Với bản tính cần cù, chịu khó kết hợp với vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tế, anh đã chăm sóc phát triển tốt vườn na, mỗi năm cho thu nhập khoảng 150- 160 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Trao đổi về kỹ thuật trồng na, anh Minh chia sẻ: “So với cây vải, chăm sóc cây na khó hơn, đòi hỏi phải có kỹ thuật nhất là phòng trừ sâu bệnh và ruồi vàng hại quả. Bệnh hại cây na khó phòng trừ nhất là bệnh sâu đục thân, với loại bệnh này, bắt buộc phải làm thủ công, phát hiện chỗ sâu đục vào thân cây, bơm thuốc vào mới diệt được do đó còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kinh nghiệm. Còn phòng trừ ruồi vàng đẻ trứng vào quả, người trồng phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ nhất là vào cuối vụ”.

Từ hiệu quả của việc chuyển đổi sang trồng na, anh tiếp tục trồng thêm 300 cây ổi Đài Loan, 100 cây bưởi diễn và chỉ để lại 50 cây vải. Trên diện tích đất trống và dưới tán cây na, vải, ổi, bưởi, anh cho trồng giềng, xả vừa chống xói mòn đất vừa mang lại cho gia đình anh mỗi năm hơn trăm triệu đồng. Trong vườn của anh, cứ mùa nào thức ấy, tư thương đến tận vườn thu mua không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Với sự chăm chỉ, nỗ lực và không ngừng tìm tòi học hỏi đến nay mỗi năm trung bình gia đình anh thu về 250-300 triệu đồng từ mô hình vườn cây ăn quả tổng hợp.

Nhờ biết trồng xen canh các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích đất nên kinh tế của gia đình anh Minh ngày một phát triển. Ngoài ra, anh còn thường xuyên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ bà con làng xóm để họ cùng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Với những kết quả đó, anh xứng đáng là một tấm gương điển hình cho mọi người học tập và làm theo

Thảo luận cho bài: Bắc Giang: Mô hình vườn cây ăn quả tổng hợp hiệu quả cao tại xã Tân Hưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *