Bệnh bồ hóng thường xuất hiện ở các vườn nhãn trong giai đoạn từ nở hoa đến đậu quả.
1. Triệu chứng bệnh bồ hóng gây hại trên cây nhãn
Nếu bị nặng, thoáng nhìn đã thấy tất cả các bộ phận trên cây nhãn từ chùm hoa, quả và các cuống lá đều có màu tối xám; quan sát kỹ thấy rõ một lớp bồ hóng bám trạt, nếu không cũng ướt bóng và sờ tay vào có cảm giác trơn dính; đem lau chùi hoặc phun rửa kỹ bằng nước thì lớp bồ hóng này cũng sạch theo. Đồng thời, còn có cả các bọ xít nâu trưởng thành và non đu bám chích hút rất say sưa.
2. Đặc điểm phát sinh và gây hại
Phát sinh khi xuất hiện bọ xít non, nụ bước vào nở hoa. Bọ xít non và trưởng thành chích hút chất đường ngọt từ các bộ phận của chùm hoa rồi bài tiết ra ngoài – nguồn thức ăn và độ ẩm thích hợp cho loại nấm này.
Trong điều kiện những cây nhãn um tùm, nhiều lá hoặc tiết trời âm u và độ ẩm không khí cao thì nấm càng sinh sôi nẩy nở và phát triển mạnh. Do đó làm cản trở quá trình quang hợp, hô hấp và hấp thu nhiệt nên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển; gây hiện tượng thui phấn, rụng hoa, rụng quả khi vừa đậu.
3. Biện pháp khắc phục bệnh bồ hóng
Tuy không rửa được triệt để loại nấm này, nhưng cũng nên tăng số lần và lượng nước phun rửa bằng cách phun trừ riêng rẽ giữa thuốc trừ bọ xít và trừ nấm.
Phun trừ bọ xít non và trưởng thành bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Địch bách trùng 90SP, Sherpa 25EC. Sau đó 1 – 2 ngày thì tiến hành phun trừ nấm bằng một trong các loại thuốc như Ridomil Gold 68WG, Daconil 75WP, Dipcy750Wp, TopSin M 70WP, ….
* Chú ý:
Trước khi phun trừ bọ xít, nếu nền vườn thuộc dưới tán cây bằng phẳng thì chỉ việc quét dọn sạch sẽ, còn nếu không bằng phẳng thì phải trải bạt vải để dễ dàng thu gom sác bọ xít. Sau đó đem tẩm dầu đốt tiêu hủy.
Pha phun theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì của từng loại sản phẩm; phun đẫm đều vào chùm hoa, quả, trên mặt và dưới tán lá, phun vào chiều mát không mưa và im gió để không ảnh hưởng đến ong bướm và nâng cao hiệu quả của thuốc (chỉ cần phun một lần).
NGUYỄN HỮU VÂN – nongnghiep.vn
Nguồn: caygiong.org