Trong những năm gần đây cam Vinh được di thực trồng thành công ở nhiều tỉnh khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… góp phần đưa lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình.
Ông Tạ Công Huynh ở xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội là một ví dụ điển hình cho tính năng động trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao của nghề làm vườn.
Năm 2006, nhận thấy sau nhiều năm liên tục mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết, các cây bưởi Diễn trong vườn nhà hầu như không ra hoa, năm nào ra hoa thì không đậu quả, nản quá ông quyết định đốn bỏ 1,5 mẫu bưởi Diễn để cải tạo, ghép chuyển đổi bằng giống cam Vinh theo kinh nghiệm của một người bạn ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhờ có gốc ghép là cây bưởi Diễn khỏe, ghép đúng thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây sinh trưởng khỏe và nhanh, chỉ 2 năm sau đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo ông Huynh, giống cam Vinh dễ trồng, đầu tư chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc, một năm chỉ phải chăm sóc 2 lần nhưng thu nhập lại cao gấp 2-3 lần so với cam Canh, bưởi Diễn như trước đây. Cam Vinh cũng chín muộn vào dịp Tết, quả mọng màu vàng cam trông rất bắt mắt, ăn ngọt và thơm nên sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, được khách hàng từ thành phố về tận vườn đặt mua với giá cao tới 30.000-40.000 đồng/kg.
Theo tính toán của ông Huynh, mới chỉ 2-3 năm đầu cho thu hoạch, vườn cam Vinh được ghép cải tạo trên gốc bưởi Diễn đã cho thu lãi trên 110 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết các chi phí. Học tập kinh nghiệm của ông Huynh nhiều gia đình ở Hoài Đức đã mạnh dạn làm theo, ghép cải tạo các vườn cam Canh, bưởi Diễn già cỗi kém hiệu quả bằng các giống khác được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Huynh chia sẻ kinh nghiệm: khi thấy cây bưởi đã già, sâu bệnh nhiều, khả năng cho quả thấp, hiệu quả kinh tế không cao, bà con không nên chặt bỏ để trồng lại cây khác mà nên tận dụng gốc bưởi làm gốc ghép để ghép cải tạo bằng các giống cây có múi khác mà thị trường đang có nhu cầu như cam Canh, cam Vinh, phật thủ …
Sau khi thu hoạch bưởi vào vụ cuối bà con dùng cưa sắc cắt hết các cành cấp 1 cách nơi phân cành 20-30cm rồi bón phân, tưới nước, tủ gốc cho các mầm bưởi mọc lên. Sang xuân, khi thấy các cành bưởi mọc cao 15-20cm, vặt bỏ bớt các chồi mọc yếu, chỉ giữ lại trên mỗi cành cấp 1 từ 2-3 cành phân bố đều về các phía để tạo cành cấp 2 và tiếp tục tạo tán sau này.
Đến mùa thu (khoảng tháng 9-10), khi các chồi bưởi đã thuần thục, đường kính khoảng 1cm, tiến hành ghép cải tạo cho mỗi chồi bưởi một mắt ghép của giống cam quýt mà ta muốn cải tạo. Khi các cành ghép đã liền sẹo, cắt tỉa, tạo hình, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh như cách thông thường. Với cách ghép cải tạo này chỉ mất 1 năm, sang năm thứ 2 cây bắt đầu cho quả bói (trồng lại phải mất ít nhất 3 năm mới cho quả bói), từ năm thứ 3 trở đi sản lượng sẽ tăng dần.
Mô hình ghép cải tạo giống cam Vinh trên gốc bưởi Diễn của ông Huynh được Hội Nông dân huyện Hoài Đức đánh giá cao và phổ biến nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Nguồn: 2lua.vn
Tìm bài này trên Google:
- cach ghep buoi
- kỹ thuật ghép cây có múi
- kỹ thuật ghép cây bưởi