Cách làm mới cho nông nghiệp

Từ nhà nông trở thành nhà doanh nghiệp, trong 25 năm qua, anh Nguyễn Hồng Phong (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) đúc kết 3 cách làm ăn mới để ổn định và phát triển trong thị trường nông sản cạnh tranh gồm: sản xuất an toàn, sản xuất khép kín và sản xuất liên kết. 

Cách làm mới cho nông nghiệp - 55b2cb054cc6c 500x307

Chọn cây rau bên cây cà phê

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại nông sản Phong Thúy xuất phát điểm từ một hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ ở thôn K’Nai, xã Phú Hội, Đức Trọng. Khởi nghiệp từ năm 1990, hộ anh Nguyễn Hồng Phong với số vốn 4 chỉ vàng đầu tư khai phá 4.000 mét vuông đất trồng cây cà phê dài ngày. Nhưng để giải quyết các nhu cầu cuộc sống trước mắt, anh Phong chọn cây rau các loại để trồng xen canh bên cây cà phê. “Bấy giờ, vùng nông nghiệp huyện Đức Trọng rất khó tìm thấy những diện tích trồng rau xanh, dù chỉ trồng xen canh. Nhờ có được kinh nghiệm trồng rau xanh truyền thống từ gia đình ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương – nơi tôi sinh ra và lớn lên, nên tôi đã nhanh chóng canh tác và thu hoạch nhiều loại rau xanh vừa tự cung tự cấp, vừa đem ra chợ xã, chợ huyện bán cho người tiêu dùng ở địa phương. Thấy rau ngon, giá cả phù hợp, dần dần những nông dân trong và ngoài xã Phú Hội đến gặp tôi hỏi mua nguồn giống, trao đổi kỹ thuật chăm sóc rau…” – anh Phong nhớ lại.

Năm 1995, hộ gia đình anh Phong quyết định chọn cây rau làm cây chuyên canh và xen canh chủ lực bên cạnh cây cà phê. Từ kết quả trồng thử nghiệm hàng năm, anh Phong lập vườn ươm 3.000 mét vuông sản xuất khoảng 10 giống rau, củ, quả thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Đức Trọng để cung cấp cho từng hộ nông dân. 5 năm sau, vùng chuyên canh rau xanh các loại ở Đức Trọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, hộ gia đình anh Phong cũng đã nắm bắt được cơ hội mở rộng quy mô sản xuất với 1ha vườn ươm giống rau, 2ha sản xuất rau thương phẩm theo hướng công nghệ cao. Doanh thu đầu những năm 2000 của gia đình anh đã tăng lên vượt trội: 30 triệu cây giống rau/năm, 200 tấn rau thương phẩm/năm. Từ đây, rau Đức Trọng nói chung, rau của hộ gia đình anh Nguyễn Hồng Phong nói riêng – không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng Đức Trọng, mà còn thu hoạch, vận chuyển trong ngày đến các địa phương khác trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ.

Đưa công nghệ cao vào trồng rau

Năm 2006, hộ gia đình anh Phong sản xuất với hình thức trang trại gồm 3ha vườn ươm và 3ha rau thương phẩm. Lúc này, những cánh đồng rau của Đà Lạt, Đơn Dương và các vùng phụ cận đang chuyển đổi nhiều diện tích áp dụng công nghệ cao. Sự cạnh tranh của từng sản phẩm rau trên thị trường trong nước sôi động lên từng ngày, từng thời vụ. Tình trạng rau được mùa, mất giá và được giá, mất mùa bắt đầu xảy ra trên nhiều diện tích. Anh Phong luôn tận dụng xúc tiến thương mại cho chính sản phẩm rau của mình đến mọi nơi, mọi lúc, qua các cuộc hội thảo, tập huấn từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh. Triển khai những hợp đồng tiêu thụ rau đến hệ thống siêu thị và các đầu mối rau xuất khẩu trong nước đảm bảo thời gian, sản lượng, chất lượng, đã giúp nông dân Nguyễn Hồng Phong tạo dựng uy tín sản phẩm rau an toàn của mình ngay từ những năm đầu. “Nhờ vậy, tôi được nhiều dự án hỗ trợ kinh phí đi tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (từ một tuần đến một tháng) ở các nước Malaysia, Nhật Bản, Úc, Cananda… Điều lớn nhất mà tôi nhận thấy qua các lớp xuất ngoại học làm nông là: Sản phẩm rau Đà Lạt và các vùng phụ cận không thua kém các nước trên thế giới, nếu như khắc phục hình thức sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; sản xuất thiếu quy trình ứng dụng khoa học công nghệ mới…” – anh Phong kể tiếp.

Anh Phong chọn 3 giải pháp khai thông các “điểm nghẽn” để nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông sản gồm áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, ký kết hợp đồng trước khi sản xuất và hợp tác liên kết sản xuất để nâng cao sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Bước đi tuần tự là làm thí điểm mô hình rồi tập hợp kinh nghiệm nhân rộng. Đến tháng 4/2013, từ quy mô sản xuất trang trại, anh Phong vươn lên thành lập Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại nông sản Phong Thúy với tổng diện tích canh tác rau các loại là 110ha, trong đó hơn 70ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hai năm vừa qua, mỗi năm doanh nghiệp Phong Thúy cung cấp ra thị trường 10.000 tấn rau các loại, đạt doanh thu hơn 90 tỷ đồng. Kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở đây gồm: phủ màng ni lông trên đất để chống xói mòn, tránh cỏ dại; lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, nhân công, phân bón; sử dụng nhà lưới, nhà kính để kiểm soát độ ẩm, ngăn chặn côn trùng xâm nhập, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật; trồng cây trên giá thể trong nhà kính…

Hiện doanh nghiệp Phong Thúy đang liên kết với gần 30 hộ nông dân trong tỉnh Lâm Đồng, sản xuất ổn định trên 65ha. Còn lại 45ha do doanh nghiệp trực tiếp triển khai sản xuất, thu hút việc làm quanh năm cho 300 lao động địa phương. Dự kiến kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, chủ doanh nghiệp Phong Thúy, anh Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: “Trong năm 2016, để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của đối tác xuất khẩu, doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục liên kết với nông dân Lâm Đồng để mở rộng sản xuất khoảng từ 15-20ha rau công nghệ cao… ”.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Cách làm mới cho nông nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *