Nội dung chính
Cũng giống như con người, mèo sở hữu năm giác quan giúp chúng tương tác với thế giới xung quanh. Hầu hết các giác quan của mèo đều nhạy hơn của con người.
Chúng có thể nhìn rõ hơn trong bóng tối và nghe âm thanh cao độ hơn; khứu giác chúng tốt gấp 14 lần của người; xúc giác của chúng nhạy bén trên khắp cơ thể, ở mức cao hơn rất nhiều so với chúng ta. Bàn chân chúng có thể đón nhận được những rung chấn nhẹ trên mặt đất và bộ ria của chúng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định những chuyển động của không khí, giúp chúng cảm nhận được những vật mình đang tiếp xúc. Vị giác là giác quan duy nhất mà con người có phạm vi rộng hơn – mèo có ít chồi vị giác hơn cả người lẫn chó. Do là động vật ăn thịt, vị giác của chúng tập trung chủ yếu vào protein và chất béo và ít khả năng phân biệt được vị ngọt.
Khi mèo mất thính giác, chúng sẽ tự khắc phục khuyết tật này bằng việc sử dụng những giác quan khác nhiều hơn. Vì thế đôi khi rất khó để xác định xem nó có điếc thật hay không.
Theo Cục Thú Y Bảo Vệ Mèo (CP): “Một số mèo bị điếc bẩm sinh, nhưng rất nhiều mèo mất dần thính giác khi chúng già đi. Đột ngột mất khả năng nghe, có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn, thường là hậu quả của bệnh tật hoặc những tổn thương khác.
Có hai dạng điếc chính:
-
Âm thanh không đi được vào tai, như trong trường hợp có khối u, nhiễm trùng tai ngoài và giữa, quá nhiều ráy tai hoặc do rận tai mèo. Chứng điếc này có thể chữa lành nếu xử lý được căn nguyên gây bệnh.
-
Nguyên nhân thức hai là do dây thần kinh nối với tai không hoạt động bình thường; có thể do nguồn gen, như trường hợp của một số mèo trắng, nhiễm trùng tai trong, ngộ độc thuốc, tổn thương do tiếng ồn, thoái hóa do tuổi tác. Những vấn đề này có thể gây ra điếc vĩnh viễn.
Chẩn đoán
“Khi bị điếc, một số mèo sẽ kêu to và nhiều hơn bình thường, bởi chúng không tự điều chỉnh được âm lượng của mình, trong khi một số khác lại trở nên im lặng”, những BSTY ở CP nhận định. “Khó có thể xác định được mèo có điếc hay không, nhất là khi chúng bị điếc bẩm sinh và đã hoàn toàn thích nghi với khuyết tật của mình, tuy nhiên vẫn có thể nhận biết qua môt số biểu hiện như không phản ứng khi bị gọi, dễ giật mình, triệu chứng chóng mặt và mất phương hướng, không bị máy hút bụi hoặc các thiết bị có tiếng động lớn khác làm hoảng sợ; lắc đầu hoặc gãi tai; tai bị chảy mủ hoặc có mùi hôi”.
BSTY cố phát hiện ra bệnh điếc ở mèo bằng cách tạo ra tiếng động ở ngoài phạm vi nhìn của mèo để xem tai chúng có giật hoặc chuyển động về hướng có âm thanh hay không. Phương pháp duy nhất để chẩn đoán chính xác là đo phản ứng thính giác thân não – tạo ra tiếng lách cách trực tiếp vào tai mèo và sử dụng máy tính để đo các xung điện não khi phản ứng lại với âm thanh.
BSTY ở CP cho biết: “Bệnh điếc di truyền hầu như luôn xảy ra ở mèo lông trắng, gây ra bởi tình trạng thoái hóa tai trong, có thể chỉ ảnh hưởng tới một tai hoặc cả hai tai. Loại gen gây ra khuyết tật này có liên quan tới màu lông và màu mắt. Y học chứng minh rằng những chú mèo có hai mắt xanh có khả năng bị điếc cao gấp ba đến năm lần, còn mèo có một mắt xanh có nguy cơ điếc cao gấp đôi so với những chú mèo có màu mắt khác.
Cuộc sống thường ngày
Mèo điếc vẫn có được chất lượng cuộc sống bình thường như những chú mèo khác. Chúng khắc phục khuyết tật của mình bằng cách tận dụng triệt để những giác quan còn lại. Cần nhớ rằng những chú mèo này không thể nghe được những dấu hiệu của sự nguy hiểm – như xe hơi hoặc các động vật khác – vì vậy nên giữ chúng trong nhà cho an toàn, hoặc chỉ cho phép chúng dạo chơi trong vườn khi đã hoàn toàn chắc chắn là chúng không thể lọt ra ngoài. Nhưng chủ nuôi còn cần phải lưu ý thêm những điều gì nữa?
“Mèo điếc rất dễ giật mình bởi chúng không ý thức được là bạn đang đến gần nên hãy chắc chắn là bạn bước mạnh chân để chúng có thể cảm nhận được những rung chấn. Ở cự ly gần, tiếng vỗ tay hoặc dậm chân lớn cũng đủ để làm mèo chú ý.” BSTY của CP khuyên.
Điều này được xác nhận bởi Ken Davidson, một trợ lý chăm sóc mèo ở Trung tâm Bảo trợ mèo của CP, là chủ của một chú mèo điếc tên Shirayuki.
Ken chia sẻ: “Tôi đã rất ngạc nhiên với mức độ nhạy bén của mèo với rung chấn. Nếu tôi muốn trêu đùa Shirayuki và lẻn ra đằng sau nó, nó sẽ cảm nhận được cả những rung chấn nhẹ nhất trên sàn nhà. Hoặc nếu tôi búng tay ở môt khoảng cách khá xa, nó sẽ quay đầu lại”.
BSTY của CP nhận định: “Mèo điếc có thể hiểu được cách ra dấu bằng tay hoặc bằng ánh sáng nhấp nháy từ đèn pin. Hãy sử dụng những tín hiệu rõ ràng và thống nhất khi gọi mèo giúp chúng không bị lẫn lộn.
“Chúng tôi khuyên chủ nuôi nên gắn những mạch vi xử lý lên những chú mèo điếc của mình, dù chúng đang ở trong nhà hay ngoài trời, để phòng trường hợp chúng trốn ra ngoài. Một chiếc vòng cổ vừa vặn và dễ tháo có ghi chú rằng mèo nhà bạn bị điếc và đang được gắn vi mạch cũng rất được khuyến khích”.