Cây Tràm Úc tên khác: Tràm lơca, Tràm lá dài. Tên khoa học: Melaleuca leucadendra L. Họ thực vật: Sim (Myrtaceae).
1. Đặc điểm hình thái
Cây trưởng thành có thể đạt chiều cao tới 25-30m, đường kính thân đến 60cm, cũng có thể gặp một số cây cao tới trên 40m với đường kính thân đạt 1,0 -1,5m.
Vỏ cây có màu trắng, nhẵn, mền và mịn, bong thành từng mảng lớn.
Lá hình ngọn giáo, thuôn dài và hơi cong. Lá dài trung bình 10-20cm rộng trung bình 2,0-3,5cm, mỏng và mịn, có lông tơ khi non.
Hoa mọc thành chùm dài, chiều dài 6-15cm, mọc 1-3 chùm kế tiếp nhau ở đầu cành hoặc thành một chùm đơn ở nách lá, hoa màu trắng hoặc trắng ngà. Quả hình cầu hoặc hình trụ ngắn, rộng khoảng 0,3-0,45cm cao 0,4-0,45cm, vách quả mỏng, khi chín và khô nứt miệng quả mở rộng ở phía đỉnh, quả có thể tồn tại một thời gian trên cây mẹ. Hạt nẩy mầm nhanh.
2. Đặc tính sinh thái
Tràm lá dài phân bố tự nhiên ở Úc, từ 12 đến 23,5o vĩ Nam và từ 113o đến 152o kinh Đông. Ngoài ra còn cón có mặt ở Papua Niu Ghinê và đảo Irian Jaya của Inđônêxia.
Khí hậu vùng phân bố tự nhiên của Tràm lá dài thuộc dạng ẩm, bán ẩm, nóng – bán khô hạn. Nhiệt độ trung bình của tháng nóng nhất 31-38oC và tháng lạnh nhất 8,5-19oC, lượng mưa trung bình năm 650-1500mm với số ngày mưa 40-145 ngày/năm.
Tràm lá dài mọc chủ yếu trên các địa hình phẳng và dốc nhẹ, đặc biệt là các bãi ven sông, các dải đất bằng ven biển hoặc các đầm lầy theo mùa. Tràm lá dài ưa mọc trên đất phù sa, đất sét bùn hoặc đất cát bùn lầy. Hiếm khi tràm mọc trên đất thiếu hụt nước.
Tràm lá dài mọc thuần loại thành từng đám nhỏ trong các khu rừng mưa nhiệt đới, dạng rừng thưa hỗn loại. Tại đây Tràm lá dài là loài cây ưu thế về cả số lượng cá thể cũng như kích thước cây. Các loài hỗn giao với Tràm lá dài thường là các loài tràm M. argentea, M. dealbata và bạch đàn là E. alba, E. tereticornis, E. polycarpa.
Nguồn: vafs.gov.vn