Cây Tràm ta

Tràm ta tên khác: Tràm cừ, Tràm cau, Tràm lá ngắn, tên khoa học: Melaleuca cajuputi Powel. Họ thực vật: Sim (Myrtaceae).

Cây Tràm ta - jpg28 500x345

1. Đặc điểm hình thái

Cây bụi, gỗ nhỏ đến trung bình hoặc lớn, thân hơi vặn, vỏ trắng dày bong mảng gồm nhiều lớp xếp lên nhau. Lá đơn mọc cách, cứng, dày, đầu và đuôi nhọn dần. Cụm hoa dạng chùm phân nhiều nhánh, nằm ở đầu cành. Sau khi kết thúc quá trình ra hoa và kết quả tiếp tục ra lá non.

Cây Tràm ta - Tramta1

Hoa màu trắng, trắng xanh hay trắng sữa,… Quả nang hoá gỗ, không cuống, hình trụ, có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa rất nhiều hạt và mày, hạt phát tán bằng cách chẻ ô. Hạt Tràm ta rất nhỏ, không có nội nhũ. Hạt non màu trắng sữa khi chín chuyển màu cánh gián hoặc xám nâu.

Tràm ta ra hoa, kết quả quanh năm, trổ hoa trong 3-5 ngày, thụ phấn nhờ côn trùng. Quả tồn tại trên cây một vài năm và hạt không rơi ra trừ khi cây bị ngừng cung cấp nước.

2. Đặc tính sinh thái

Mọc tự nhiên ở vùng ven biển, cận ven biển nhiệt đới bang Queensland, vùng Tây và Bắc nước Úc và mở rộng vào nội địa đến 350km dọc theo các sông chính. Thường mọc trên địa hình phẳng, thoai thoải ở các lòng sông, đồng bằng ven biển hoặc các đầm lầy theo mùa. Tràm ta còn phân bố đến Papua New Guinea và Đông Inđônêxia.

Ở nước ta chỉ có một loài tràm này chủ yếu phân bố tự nhiên và cũng đã được gây trồng nhiều trên các vùng đất ngập phèn thuộc các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ.

Ở các nước Tràm ta mọc tự nhiên trên đất bùn đến đất sét nhiều bùn hoặc cát pha phủ trên đất sét, hoặc trên các đụn cát cũ và đất bồi nhiều đá ở biển nơi có nước ngầm hơi mặn.

Tràm ta thích hợp với vùng thấp có khí hậu nóng ẩm, đến cận ẩm, ấm ở bờ biển hoặc vùng nội đồng có đủ nước ngầm đến vùng nóng ẩm bán khô hạn. Thích hợp ở nơi mưa theo mùa, 422-4065mm /năm, khô 0-8 tháng. Nhiệt độ tối đa tháng nóng nhất 28-39oC, tối thiểu tháng lạnh nhất 7-21oC, trung bình năm 19-29oC. Độ cao dưới 100-150m so với mực nước biển.

Ở Việt Nam, Tràm ta còn mọc tự nhiên ở Bình Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên trên đồi trọc và đất cát cố định cồn bãi cao, thấp và cũng bắt đầu được gây trồng thành công trên vùng đất bán ngập ở chân núi đá vôi Gia Viễn – Ninh Bình, Mỹ Đức – Hà Nội và ở ven hồ Hoà Bình, Thác Bà.

Tràm ta có thể chịu được ngập nước 6 tháng mùa mưa, nước ngập sâu 0,5-1,0m, thích hợp trên đất phèn yếu và trung bình với thành phần cơ giới sét nặng, chịu được đất có độc tố do hàm lượng muối phèn cao, H2S, Fe++ và phản ứng đất rất chua với pH=2,5-3,0. Tuy nhiên, Tràm ta cũng có thể trồng được trên đất ít chua, không ngập nước.

Tràm ta là loài cây ưa sáng hoàn toàn, tán lá hẹp và thưa nên có thể mọc thành quần thụ thuần loài dày đặc từ 10000-20000 cây/ha.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Cây Tràm ta

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *