Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi tới trang trại rộng trên 3 ha với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm của anh Phan Văn Miền, xã Yên Mạc (Yên Mô, Ninh Bình) khiến chúng tôi phần nào mường tượng ra con đường vươn lên làm giàu của người nông dân này cũng thật gian nan.
Gương mặt nắng cháy đen nhẻm, gầy guộc, trông đặc “hai lúa” nên ít ai ngờ anh nông dân Phan Văn Miền lại là một tỷ phú. Chúng tôi hỏi. Anh Miền cười vui “Tôi vốn là nông dân chân chất mà”… Cứ thế, câu chuyện về hành trình trở thành tỷ phú của người nông dân này đã thực sự lôi cuốn chúng tôi.
“Bắt đất bạc nhả vàng”
“Bắt đất bạc nhả vàng” là câu nói của ông Phạm Hồng Hỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mạc khi đưa chúng tôi đi tham quan mô hình của hội viên Phan Văn Miền. Ông bảo: Nhìn trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Miền ít ai biết được rằng trước kia nơi này là vùng ruộng trũng, đất đai bạc màu, chẳng ai muốn làm… ấy vậy mà, các nhà báo thấy đấy, anh Miền đã “biến” ruộng trũng thành trang trại với những vườn cây ăn quả, ao thả cá và khu truồng trại chăn nuôi khoa học…, đất bạc màu đã “đẻ” ra tiền tỷ…
Câu chuyện “bắt đất bạc nhả vàng” của anh Miền đưa chúng tôi trở về với thời điểm cách đây hơn 10 năm khi anh bắt đầu “khai hoang, lập trại”. Anh Miền bảo: Năm 2003, khi Nông trường chè Tam Điệp thực hiện dự án nuôi bò sữa, được sự giới thiệu của bạn bè, tôi quyết định đầu tư nuôi bò sữa để cung cấp một phần sữa cho Nông trường chè.
Để có diện tích nuôi bò, tôi đã xin thuê đất của xã làm trang trại và được UBND xã chấp thuận cho thuê hơn 3 ha đất ở khu vực xóm 4 ven đê sông Bút. Thời điểm nhận đất, ai cũng ái ngại cho tôi vì phần lớn diện tích là trũng và chua nặng, cấy lúa kém hiệu quả.
Nói thật, lúc đó vợ chồng tôi cũng không dám nghĩ là mình có thể xây dựng được trang trại trên mảnh đất này. Hì hụi chở đất đá để cải tạo đường vào, đào hố trồng cây, xây chuồng trại… Xây một cái chuồng trại nho nhỏ vất vả bằng người ta xây cái nhà, rồi đêm đến hai vợ chồng nằm giữa đồng không mông quạnh chỉ nghe tiếng ếch nhái kêu đã thấy nản chứ chưa nói gì đến giấc mơ làm giàu.
Nhưng trong khó khăn, vợ chồng tôi luôn động viên nhau và phải cố gắng, nỗ lực hết mình. Thế rồi những con bò sữa đầu tiên cũng được vợ chồng tôi bắt về nuôi. Khi thu hoạch thùng sữa đầu tiên, vợ chồng mừng mừng tủi tủi vì thành quả gian nan nhiều tháng đã được đền đáp…
Song, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, con bò sữa cũng chẳng thể nào trụ lại với trang trại của anh Miền khi Dự án chăn nuôi bò sữa của Nông trường chè Tam Điệp phá sản mà sản lượng sữa bò của gia đình thì vượt quá nhu cầu của thị trường.
Trước khó khăn đó, với quyết tâm bám trụ trang trại, vợ chồng anh Miền quyết định chấp nhận lỗ để “phá” đàn bò sữa, chuyển sang nuôi bò thịt và tiếp tục cải tạo khu đất bạc màu để đào ao, khử chua, thả cá, chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt… Thất bại từ nuôi bò sữa khiến anh Miền hiểu rằng, làm việc gì cũng cần phải tính toán lâu dài, khoa học và phải thích ứng kịp với thị trường.
Có niềm tin ắt có thắng lợi
Chuyện làm giàu của nông dân Phan Văn Miền đã thực sự lôi cuốn chúng tôi với những thăng trầm của nghề nông – vốn được xem là bấp bênh bởi vốn đầu tư cao nhưng lại nhiều rủi ro.
Anh tâm sự: Đã có lúc trang trại gặp những rủi ro vì dịch bệnh, giá cả thị trường có nhiều biến động nếu không có bản lĩnh và không có niềm tin thì khó có thể thành công.
Xuất thân từ nông dân và với kinh nghiệm của mình, tôi luôn tin, tâm niệm rằng “đất không phụ công người” và “có niềm tin ắt sẽ có thắng lợi” nên ngay cả những lúc trang trại đứng trước những khó khăn lớn nhất, tôi vẫn luôn động viên vợ con “thua keo này ta bày keo khác”.
Với kinh nghiệm “dắt lưng” và niềm tin vào thành công, năm 2013, anh Miền và một số hộ nông dân trong xã được huyện Yên Mô cho đi tham quan mô hình chăn nuôi vịt trời thuần hóa, gà chín cựa ở Bắc Giang, Hưng Yên. Anh Miền đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô trang trại và đa dạng hóa các loại con nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài nuôi cá, nuôi lợn thịt, lợn giống, anh mạnh dạn đầu tư nuôi thêm vịt trời. Sau 4 tháng nuôi dưỡng, anh đã có thu nhập từ nuôi vịt trời đạt gần 50 triệu đồng.
Hiện giờ, vừa vịt trời thương phẩm, vừa vịt giống, trang trại nhà anh có khoảng 5 nghìn con. Anh Miền cũng là một trong những người đầu tiên ở địa phương đưa giống gà Đông Tảo vào nuôi. Đây là giống gà đang được thị trường ưa chuộng.
Anh Miền cất công sang Hưng Yên học hỏi và tìm hiểu thêm trên mạng Internet, sách báo và bước đầu đã thành công. Với 20 con giống ban đầu, đến nay anh đã nhân rộng lên 200 con, cung cấp giống cho thị trường, trong đó gà thuộc dòng quý hiếm có 3 con.
Đặc biệt, có 1 con chân vảy, móng rồng được nhiều khách trả 30 triệu đồng nhưng anh không bán mà để lại nhân giống. Anh cho biết: Với nhu cầu thị trường, hiện không có giống gà Đông Tảo để xuất bán thì đây là một trong những con nuôi mở ra hướng đi mới cho trang trại.
Điều mà tỷ phú nông dân Phan Văn Miền rút ra sau hơn 10 năm phát triển trang trại đó là không ngại khó, ngại khổ, biết học hỏi từ nhiều nguồn thông tin khác nhau và hơn hết là phải nhạy bén, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm. Trong chăn nuôi phải chọn những loại con giống đã được khảo nghiệm và được khuyến cáo nhân rộng. Khi có được nguồn giống tốt phải tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro do dịch bệnh mang lại.
Đồng thời, phải có niềm đam mê và biết đặt niềm tin đúng chỗ. Nhờ vậy, gia đình anh đang sở hữu một trang trại lớn với gần 5 vạn con vịt trời, 200 con gà Đông Tảo, trên 200 con lợn, 30 con trâu, bò và 4,5 mẫu ao thả cá, cho thu hoạch bình quân 6 tấn cá/năm…, tổng thu nhập đạt trên 2 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài tạo việc làm cho gia đình, trang trại của anh còn giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Từ trang trại này, anh chị đã xây dựng cơ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.
Nhìn gương mặt phấn khởi của anh Miền khi kể chuyện làm giàu và niềm tự hào về những đứa con, chúng tôi thầm cảm phục người nông dân chân lấm tay bùn, dám nghĩ, dám làm, biết lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn. Thành công sẽ đến với những người nông dân chịu thương, chịu khó.