Site icon Nuoitrong123

Độc đáo nuôi Lươn trong can nhựa

Với tinh thần sáng tạo không ngừng lão nông Bùi Tấn Thịnh, khu vực 4, phường IV, TP Vị Thanh (Hậu Giang) đã thực hiện thành công mô hình nuôi lươn đồng thâm canh trong can nhựa…

– Phong trào nuôi lươn đang phát triển mạnh ở nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL với đa dạng các hình thức nuôi nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất. Tuy nhiên, với kiểu nuôi này đã bộc lộ những mặt hạn chế nhất định như khó quản lý về số lượng lươn nuôi, thức ăn dư thừa, dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt cao. Đồng thời, việc đầu tư một lượng đất khá lớn vào bể nuôi góp phần làm gia tăng giá thành sản phẩm và giảm hiệu quả kinh tế mang lại.

– Sau hơn 8 năm gắn bó với nghề nuôi lươn, trải qua nhiều lần không thành công, ông Bùi Tấn Thịnh đã không ngừng mài mò, nghiên cứu và đã tìm ra cách nuôi độc đáo cho riêng mình. Tâm huyết với nghề, năm 2013, ông Thịnh bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi lươn trong can nhựa trong môi trường nước tự nhiên đến nay đã mang lại hiệu quả cao.

https://www.youtube.com/watch?v=IoepR9k8nFw

– “Vụ lươn vừa rồi, với 24 can nhựa, ông Thịnh thu hoạch được 310 kg lươn thương phẩm, với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg, thu lãi gần 30 triệu đồng”, ông Thịnh chia sẻ.

– Cũng theo ông Thịnh để thực hiện mô hình này không khó, đầu tiên ông dùng các can nhựa 30ml đục nhiều lỗ xung quanh, với 2 kích cỡ là 10mm và 6mm, sau đó xỏ các thanh tre có chiều dài khoảng 4 – 5cm để lươn quấn vào sinh trưởng. Các lỗ xung quanh có tác dụng cung cấp ôxi để lươn không bị ngộp. Để lươn được sống trong môi trường nước tự nhiên, các can nhựa được treo cố định dưới một khung tre hình chữ nhật đặt dưới nước, khung tre cách mặt nước khoảng 40 – 50cm, các can nuôi cách mặt nước từ 20 – 30cm.

– Về quy trình cho lươn ăn, ông Thịnh thiết kế một túi vải được cố định ở nắp can, xung quanh có khoét nhiều lỗ rồi để thức ăn vào đó, khi đói lươn sẽ tự động rỉa thức ăn trong túi, tiết kiệm được lượng thức ăn bị trôi ra bên ngoài.

– Với cách này, người nuôi không cần phải thay nước cho lươn nên đỡ tốn công chăm sóc, đỡ tốn thức ăn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, lươn phát triển tự nhiên, có màu vàng và bóng, tỷ lệ hao hụt gần như không có. Khi con lươn đạt trọng lượng từ 300 – 400gr là có thể thu hoạch được. Với thành công bước đầu, hiện ông Thịnh đang tiếp tục nuôi lươn trong 32 can nhựa, lươn phát triển rất tốt.

– Ngoài các kỹ thuật nuôi trên, một yếu tố không kém phần quan trọng để thành công mô hình này là cách thuần lươn trước khi đưa vào can nuôi. Và cách mà ông thuần lươn đó chính là bằng những cây thuốc nam do ông tự nghiên cứu.

– Ngoài ra, ông Thịnh còn đang nghiên cứu dùng các thùng nhựa hình trụ để làm dàn khung treo các can nhựa thay cho khung tre. Với vật liệu mới này, ông Thịnh ước tính chỉ cần 3 thùng nhựa là có thể treo được khoảng 120 can lươn.

– Anh Đỗ Thành Phúc, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TP Vị Thanh nhận định, xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu hàng đầu của các các cấp chính quyền địa phương, với đa phần các hộ dân không có diện tích đất để canh tác thì việc lựa chọn phát triển kinh tế hộ gia đình với các mô hình chăn nuôi nhỏ được xem là một giải pháp phù hợp và mang tính khả thi. Đối với mô hình nuôi lươn thời gian qua phát triển rất mạnh tại Hậu Giang đặc biệt là TP Vị Thanh.

– Có thể nói, ông Thịnh là người đầu tiên tìm ra cách nuôi lươn mới, đem lại hiệu quả cao và cung ứng sản phẩm lươn sạch cho thị trường. Mô hình của ông đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp người nuôi lươn địa phương học hỏi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn. Ngoài ra, cách nuôi lươn này không gây ô nhiễm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chung tay xây dựng nông thôn mới.

– “Mô hình nuôi lươn trong can nhựa là mô hình mới nhưng đem lại hiệu quả, địa phương sẽ xem xét để nhân rộng cho bà con cùng thực hiện trong thời gian tới”, anh Phúc cho biết thêm.

Nguồn: Sưu tầm

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version