Toàn cây chứa các chất có hoạt tính sinh học gồm flavonoid, steroid và nhiều khoáng tố vi lượng có lợi cho sức khoẻ. Chất flavonoid đóng vai trò như vitamin P có khả năng làm bền mạch máu và tăng tác dụng của vitamin C.
Cây lược vàng cũng có những tác dụng phụ, vì thế cần cẩn thận khi sử dụng
Cây lược vàng có tên tiếng Anh là “basket plant” (cây giỏ – vì thường được trồng trong những giỏ nhỏ để trong nhà) tên Latinh là Callisia fragrans, thuộc họ thài lài Commelinaceae. Chính nhờ thành phần các chất sinh học hiện diện trong cây có tác dụng hiệu quả trên cơ thể người, mà cây lược vàng đang được nhiều nước quan tâm nghiên cứu.
Toàn cây chứa các chất có hoạt tính sinh học gồm flavonoid, steroid và nhiều khoáng tố vi lượng có lợi cho sức khoẻ. Chất flavonoid đóng vai trò như vitamin P có khả năng làm bền mạch máu và tăng tác dụng của vitamin C.
Những hoạt chất này còn có tác dụng giảm đau, an thần, kháng viêm, hoạt huyết, được dùng để chữa lành vết thương, vết bỏng, vết bầm tím. Dân gian dùng làm phương thuốc chữa bệnh loét dạ dày tá tràng, lợi tiểu, ngăn ngừa và điều trị các khối u trong cơ thể.
Hai chất flavonoid được xác định là quercetin và kaempferol. Quercetin là một chất chống oxy hoá tế bào mạnh, có khả năng kháng ung thư và tăng sức bền thành mạch, còn hữu ích trong trường hợp dị ứng, chảy máu thành mạch, viêm thận, thấp khớp, bệnh tim mạch, bệnh mắt và các bệnh nhiễm trùng.
Kaempferol giúp củng cố mao mạch, nâng đỡ thể trạng, tăng sự đào thải nước tiểu và khả năng kháng viêm, được dùng chữa viêm nhiễm, dị ứng và bệnh đường tiết niệu. Hai chất này hợp đồng cộng lực, nhờ đó mà hiệu quả điều trị được gia tăng.
Chất steroid trong cây chính là phytosterol. Chất này có hoạt tính estrogen, tác dụng sát khuẩn, chống xơ cứng và kháng ung thư. Cây lược vàng còn có khả năng tẩy uế không khí ô nhiễm trong phòng, phóng thích những chất có ích cho việc điều trị các bệnh thuộc đường hô hấp.
Coi chừng tác dụng phụ
Gần như loại thảo dược nào cũng có khả năng gây tác dụng phụ và cây lược vàng không là ngoại lệ. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của việc sử dụng thảo dược này là tổn thương các dây thanh quản, gây dị ứng phát ban và sưng phù, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu và dễ dị ứng. Do đó, chỉ được chấp nhận sau khi có ý kiến của bác sĩ.
Tóm lại, cho dù đã được nghiên cứu nhưng đôi khi các kết quả vẫn chưa đủ để tạo chứng cứ khoa học cho một loại thuốc mới, nên vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết cách sử dụng, liều lượng, dạng thích hợp, không nên tự ý sử dụng và luôn nhớ một loại thuốc không thể chữa được nhiều bệnh cùng lúc.
Nguồn: sưu tầm