Hết lo cá tra vàng da

Từ bên này huyện Phú Tân (An Giang), chiếc ghe cào chở chúng tôi băng qua sông Tiền thẳng tiến vào vùng nuôi cá tra công nghiệp thuộc địa bàn huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).

Đối với những người nuôi cá tra, mùa nước đổ là những tháng ngày đau đầu nhất.

1. Vừa đặt chân lên vùng nuôi cá tra công nghiệp của Cty cổ phần Gò Đàng ở trại cá Thanh Bình (Đồng Tháp), thạc sĩ Trần Chí Học, phụ trách kỹ thuật của Cty TNHH Công nghệ Viva, bộc bạch: “Tôi đã nhiều đêm thức rất khuya ở đây rồi. Về đây cùng phối hợp với anh em trong trại để trị hội chứng vàng da cho cá tra”. Tôi chưa rõ nên nhờ anh giải thích ngay một chút về chuyên môn.

Anh nói, cá tra nuôi công nghiệp thường xuyên gặp phải bệnh vàng da và gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Bệnh này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa (tháng 5-6 dương lịch), nhưng rộ nhất là vào những tháng mùa nước đổ.

Hết lo cá tra vàng da - 565c31b05697f

Ths Học đang kiểm tra “bệnh” vàng da cá tra

Cá bị bệnh vàng da xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn có thể trọng lớn hơn 350 gram; khi cá có thể trọng càng lớn, nếu không được phát hiện sớm nhằm can thiệp ngăn chặn kịp thời mà để xảy ra bệnh thì diễn biến sẽ càng trở nên phức tạp, càng nhanh, cá chết hàng loạt có thể đến 25% tổng đàn chỉ trong 5 – 7 ngày, tổn thất vì vậy là rất lớn.

Hôm chúng tôi đến, đúng vào ngày trại đang thu hoạch cá tra nguyên liệu trong ao chở về nhà máy ở Tiền Giang để chế biến. Thạc sĩ Học dặn anh em, “hễ gặp con nào vàng da bắt cho tôi”. Nhưng chờ hết mẻ cá này đến mẻ khác cũng chưa tìm thấy. Mãi lâu sau, anh em mới bắt được một con cá da hơi vàng. Anh lấy trong giỏ ra cây kéo y tế và mổ ngay cá ra, rồi nói cho tôi nghe về bệnh tình của nó.

“Này nhé, cá bị bệnh toàn thân có màu vàng nghệ. Rõ nhất là các vây, phần hàm dưới của mõm và lườn bụng. Còn trong xoang bụng chứa dịch và mỡ màu vàng, gan chuyển màu nâu đen đến nhuộm xanh, tụy tạng sưng to và đen sậm, túi mật trương to kéo dài chứa dịch mật màu xanh đen, thận thường sưng to mềm nhũn. Cá bị bệnh nặng, máu ít và loãng, thận cũng bị sưng, sạm đen và ruột cá hầu như teo xoắn do đã bỏ ăn nhiều ngày”.

Rồi anh giải thích thêm cho tôi nghe về một số nguyên nhân dẫn đến bệnh vàng da như: Trong quá trình nuôi không áp dụng đúng phương pháp hoặc quá lạm dụng evermectin để xổ giun sán định kỳ; môi trường nước và đáy ao nuôi bẩn, ô nhiễm hữu cơ nhiều, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển xâm nhập vào cơ thể cá. Trường hợp khác, cá bị vàng da sinh lý thường xuất hiện sau khi điều trị các bệnh phổ biến như gan thận mủ, trắng gan trắng mang. Đặc biệt, trong quá trình điều trị đã dùng quá nhiều kháng sinh.

“Quan sát dấu hiệu bên ngoài của cá bị bệnh nặng, ta thấy nó bơi lờ đờ, nổi đầu trên mặt nước và bỏ ăn. Cá bệnh hầu hết nổi đầu vào giữa đêm đến sáng sớm, nhất là ở nơi có nguồn nước mới (gần đầu cống cấp nước).  Bệnh này phát triển lây lan rất nhanh, nếu không phát hiện để điều trị kịp thời, dùng không đúng thuốc thì tỷ lệ hao hụt có thể lên đến 30 – 40% tổng đàn. Hơn nữa, thời gian nuôi kéo dài và làm giảm chất lượng thịt cá fillet” – Thạc sĩ Học giải thích thêm.

2. Hiểu rất rõ về hội chứng vàng da trên cá tra, và qua thực tế đã chữa trị thành công bệnh này ở nhiều nơi, nên Cty Công nghệ Viva đã mạnh dạn ký kết hợp đồng với Cty cổ phần Gò Đàng để điều trị với cam kết “không hết bệnh, không thanh toán tiền”.

Thạc sĩ Học cho biết, Cty chúng tôi ký kết hợp tác trình diễn đảm bảo xử lý hiệu quả bệnh này trong một ao nuôi diện tích khoảng 7000 m2 mặt nước. Sau khi làm các xét nghiệm ban đầu, chúng tôi đã đưa ra phác đồ cơ bản điều trị trong 9 ngày và chia ra làm 3 đợt.

Đợt 1, chặn đứng bệnh phát triển và lây lan làm cá chết hàng loạt. Đợt 2, bồi bổ khôi phục gan, làm tăng lượng máu. Đợt 3, cắt đứt mầm bệnh trong cơ thể cá để ngăn chặn tái phát. Giai đoạn sau đó là tiếp tục phục hồi chức năng gan, bồi dưỡng sức khỏe cho cá, giữ môi trường ao nuôi luôn ổn định và thuận lợi. Sau 12 ngày, chúng tôi đánh giá tỉ lệ cá bị vàng da giảm xuống đạt yêu cầu đặt ra theo số liệu theo dõi từng ngày.

Anh Võ Tiến Văn, Trưởng trại cá Thanh Bình (thuộc Cty CP Gò Đàng) cho biết thêm: “Trại có 16 ao nuôi, trong đó ao đang thu hoạch có tiền sử cá bị bệnh vàng da rất nhiều. Thời điểm cá trong ao bị vàng da đã đạt trọng lượng 600 gram/con. Theo hợp đồng, cán bộ kỹ thuật của Cty Viva đã xuống khảo sát và đưa ra phác đồ điều trị. Qua quá trình theo dõi trực tiếp xử lý bệnh, tôi nhận thấy cá trong ao đã phục hồi rất tốt, tỷ lệ cá bị vàng da hầu như không còn”.

Làm sao để xử lý được bệnh này hiệu quả? Tôi hỏi. Thạc sĩ Học cho biết, hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều sản phẩm phòng trị bệnh cá vàng da, nhưng hầu như không đạt được như mong đợi. Chính vì vậy, ngoài việc cần chọn được các sản phẩm thuốc tốt, rất cần phải tuân thủ đúng theo quy trình nuôi từ việc xử lý môi trường nước trước khi thả cá đến xử lý định kỳ trong quá trình nuôi. Đồng thời, áp dụng chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cá. Xử lý nội ký sinh đúng phương pháp là một phần bắt buộc trong quy trình nuôi. Chúng tôi đã đưa ra phác đồ điều trị và sử dụng các sản phẩm của Cty Viva vừa loại được nội ký sinh đường tiêu hóa (giun, sán), vừa trị và phòng ngừa hiệu quả đối với tác nhân gây hội chứng vàng da.

Hết lo cá tra vàng da - 565c31b58cf6d

“Bệnh” vàng da cá tra đã được chặn đứng tại vùng nuôi Cồn Nhỏ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre

Qua thực tế điều trị hội chứng vàng da cá tra trong vùng nuôi của một số DN ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, các sản phẩm của Cty TNHH công nghệ Viva đã thể hiện được tính ưu việt. Được biết, Cty SX sản phẩm xử lý nước thân thiện môi trường, chế phẩm dinh dưỡng, sinh học rất chất lượng và sử dụng chất diệt mầm bệnh hiệu quả có nguồn gốc thảo mộc. Chi phí điều trị khoảng 200 đ/kg cá.

3. Sau khi đã được tận mắt chứng kiến sự thành công của Cty Viva điều trị hội chứng vàng da trên cá tra ở vùng nuôi Thanh Bình (Đồng Tháp), chúng tôi đến tiếp điểm trình diễn ở ấp ấp 1, xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Đặt chân lên vùng nuôi, chúng tôi nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của các anh, anh Nguyễn Tần Hy là Trưởng trại, chịu trách nhiệm quản lý 17 ao nuôi nơi đây.

Thạc sĩ Học thêm vào, chính vì những tác động tiêu cực từ thiên nhiên, trong đó có 3 – 4 tháng mùa khô bị nhiễm mặn mà tất cả vùng nuôi ở khu vực gần các cửa sông Cửu Long này, cá bị xuất huyết, hoại tử cơ và vàng da nhiều và quá trình điều trị cũng khó khăn hơn. Vừa qua, để điều trị cá vàng da, chúng tôi còn phải kết hợp cùng bộ phận kỹ thuật của Cty Gò Đàng để trị luôn bệnh “gan thận mủ” trên ao trình diễn.

Trước đó vào khoảng đầu tháng 7, khi cá bùng phát bệnh vàng da, hằng ngày lượng cá chết lên đến vài ngàn con, đỉnh điểm cao nhất là hơn 3.000 con/ngày. Để khắc phục triệu chứng vàng da ở vùng nuôi này, Cty Gò Đàng kết hợp với Viva điều trị trình diễn một ao, với diện tích 4.000 m2 theo phác đồ đúng như ao tại trại nuôi Thanh Bình.

Sau 12 ngày, cán bộ kỹ thuật của Cty Viva và Cty Gò Đàng cùng đánh giá kết quả. Theo số liệu thì lượng cá thất thoát do vàng da chỉ còn khoảng 200 con/ngày. Đến nay bệnh vàng da trên ao nuôi trình diễn đã được chặn đứng, cá rất khỏe và ăn mạnh, không nhận thấy dấu hiệu nào có thể bị tái phát, đây là điều mà anh em kỹ thuật rất quan tâm.

Ông Trần Xuyên Giáo, Phó TGĐ Cty Cổ phần Gò Đàng, nói: “Hiện nay bệnh vàng da trên cá tra chưa có thuốc đặc trị. Gò Đàng hợp tác với Viva để tìm giải pháp hữu hiệu nhất, nếu điều trị hiệu quả sẽ phổ biến cho toàn bộ các vùng nuôi của Cty”

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Hết lo cá tra vàng da

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *