Hiệu quả từ nuôi gia súc nhốt chuồng ở Đakrông

Trước đây, đa số người dân trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) có tập quán nuôi trâu, bò, dê thả rông trong rừng. Gia súc chăn nuôi theo phương thức thả rông là nguyên nhân gây khó khăn cho đội ngũ thú y trong việc triển khai tiêm phòng dịch bệnh cũng như khi các loại dịch bệnh bùng phát rất khó kiểm soát, khống chế bởi địa hình rừng núi phức tạp.

Gia súc khi thả rông trong tự nhiên về mùa mưa rét rất dễ chết trong rừng do thiếu thức ăn; thêm vào đó là tình trạng trâu, bò phá hoại hoa màu, rừng cây của người dân… Để hạn chế tình trạng trên, trong những năm trở lại đây, huyện Đakrông đã thông qua nguồn vốn của nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố để nuôi nhốt trâu, bò, dê; hỗ trợ trâu, bò, dê giống; khuyến khích người dân trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc…

Hiệu quả từ nuôi gia súc nhốt chuồng ở Đakrông - 987654qswdetgyhujswderftgyhujxdcrgtyujsderftgyhujsxdefrtgyh 1

Người dân huyện Đakrông trồng cỏ voi để nuôi nhốt gia súc

Anh Hồ Văn Đang, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đakrông cho biết, tính đến nay tổng đàn trâu, bò, dê của toàn huyện Đakrông là trên 14.444 con. Từ năm 2007 đến nay, huyện Đakrông thông qua nguồn vốn từ các chương trình, dự án như chương trình 135, dự án Phần Lan, Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững… huyện Đakrông đã hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn huyện hơn 22,4 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn đó, huyện đã hỗ trợ 910 con bò (giống bò vàng Việt Nam); 226 bò cái lai sind; 134 con trâu; 370 con dê; hỗ trợ vật liệu để người dân xây dựng 848 chuồng trại kiên cố; hỗ trợ 206.375 hom cỏ voi VA06… Ngoài ra, huyện Đakrông thông qua nguồn vốn ADB cũng như nhiều chương trình, dự án khác hỗ trợ xây dựng 14 tủ thuốc thú y cho 14 xã, thị trấn. Bằng việc làm thiết thực đó, đến nay toàn huyện Đakrông có 650 hộ chăn nuôi trâu, bò, dê và trồng cỏ voi với diện tích 34,5ha, trong đó xã Triệu Nguyên trồng 6,4ha cỏ voi; xã Ba Lòng trồng 8,5ha cỏ voi; xã Đakrông trồng 4ha cỏ voi; xã Tà Rụt trồng 2,5ha cỏ voi; xã A Ngo trồng 1ha cỏ voi; xã A Bung trồng 1ha cỏ voi; xã Mò Ó trồng 0,5ha cỏ voi; xã Hải Phúc trồng 2ha cỏ voi; xã Hướng Hiệp trồng 5 ha cỏ voi; xã Tà Long trồng 1 ha cỏ voi và thị trấn Krông Klang trồng 2,5ha cỏ voi. Hiện có đến 60 – 70% người chăn nuôi gia súc ở các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó, thị trấn Krông Klang cũng như nhiều xã dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố để nuôi nhốt. Bên cạnh đó, huyện Đakrông cũng đã chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ thú y và đến nay toàn huyện có 102 thôn, bản có thú y viên… chuyên thực hiện công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc.

Anh Trần Thiên Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên cho biết, trước đây nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã chăn nuôi gia súc theo phương thức thả rông trong rừng. Cứ mua gia súc giống về thả vào rừng để gia súc tự kiếm thức ăn. Họ có quan niệm là thả gia súc vào rừng vừa không phải tốn công chăm sóc, chăn dắt cũng như thuốc thang khi trâu, bò, dê bị dịch bệnh. Khi cần bán hay xẻ thịt chỉ cần vào rừng quây lưới bắt gia súc hoặc rẻ đàn lùa về. Cũng chính từ tập quán chăn nuôi lạc hậu ấy nên nhiều hộ chăn nuôi phải chịu nhiều hệ lụy như mang tiền đi đền cho những gia đình bị gia súc phá hoa màu. Rồi nhiều khi gia súc đói chết do thiếu thức ăn hoặc bị dịch bệnh nhưng nhiều hộ chăn nuôi không biết. Bây giờ thì người dân trên địa bàn xã Triệu Nguyên đang dần chuyển sang trồng cỏ để nuôi nhốt gia súc. Cũng nhờ nuôi nhốt gia súc nên người chăn nuôi có thể chủ động trong việc tiêm phòng, hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh.

Anh Hồ Văn Đang cho biết thêm, để từng bước hướng người dân chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt gia súc trong thời gian tới, huyện Đakrông sẽ tiếp tục tăng cường vận động người dân đổi mới phương thức chăn nuôi và xây dựng mô hình chăn nuôi theo hình thức thâm canh theo hướng hàng hóa; thực hiện chương trình sind hóa đàn bò; xây dựng và quy hoạch vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung cho từng thôn, bản; chuyển đổi một số diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ nuôi gia súc; tận dụng diện tích đất manh mún, đất đang còn bỏ hoang, trồng xen trong vườn, nương rẫy các giống cỏ như sả lá lớn, stylo, VA06… hướng dẫn người dân tận dụng sản phẩm phụ từ nông nghiệp để chế biến làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa mưa rét; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện tiêm phòng bắt buộc các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng… bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông thôn, bản để làm tốt công tác tiêm phòng, thiến hoạn, thụ tinh nhân tạo… tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chăn nuôi có chuồng trại, chăn dắt.

Nguồn: Báo Quảng Trị

 

Thảo luận cho bài: Hiệu quả từ nuôi gia súc nhốt chuồng ở Đakrông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *