Thu hoạch và bảo quản trùn
Trong việc chăn nuôi, hễ nuôi giống gì mà có sinh sản thì nuôi giống ấy mới cho nhiều lợi. Nuôi một con trâu nái, một con bò cái, nhờ nó đẻ hằng năm mà có nhiều lời hơn là cũng trong thời gian đó đi vỗ béo một con trâu đực, một con bò đực, mức lời chẳng được bao nhiêu so với công sức bỏ ra. Bài viết này hướng dẫn bạn cách thu hoạch và bảo quản trùn hiệu quả.
Thế giới cả trăm năm nay đổ xô đi nuôi trùn đất, và họ đã làm giàu nhờ trùn. Đó là do trùn sinh sản, có tăng số lượng … Nuôi theo cách này chẳng khác gì giới đi buôn được hưởng một vốn bốn lời vậy, nên ai lại không ham?
Chắc cũng nhiều bạn thắc mắc: Nuôi trùn làm sao biết được lúc nào là lúc thu hoạch?
Với trái cây ngoài vườn, lúc nào còn non, đã già, sắp chín, ta đều dễ đoán biết. Nếu mắt nhìn không nhận ra được, thì dùng bàn tay sờ nắn là biết ngay.
Với con heo, con bò trong chuồng, với người có chuyên môn, chỉ cần nhìn sơ qua một lượt cũng ước lượng được con vật nặng bao nhiêu ký “hơi”, bao nhiêu ký “tuộc” (thịt), và lúc nào có thể xuất chuồng.
Có điều cũng cần thưa là trái cây cũng tuỳ thuộc vào thời tiết mỗi năm ra sao mà có khi chín sớm, có khi chín muộn. Con heo thường nuôi 6 tháng đã đúng tạ, nhưng nếu nuôi những con heo tuy cùng giống nhưng lại èo uột từ lúc nhỏ, thì có khi nuôi đến chín tháng mà vẫn chưa thể xuất chuồng!
Vậy thì hỏi nuôi trùn trong giai đoạn chưa được chuẩn bị đúng mức từ con giống đến thức ăn … thì khó lòng đoán chắc được bao nhiêu tháng chúng ta mới thu hoạch.
Thường thì trung bình phải từ 6 tháng trở lên mới được một lứa. Nhưng, với chúng ta hiện giờ, những khó khăn còn chờ ở phía trước vì đây là nghề mới, chúng ta nên tập nuôi để rút kinh nghiệm cho bản thân trước đã.
Hơn nữa, trong bước đầu này, chưa nên nghĩ đến việc kinh doanh vội. Nuôi để cho gà nhà có cái ăn là chính.
Con trùn vốn tính nhát, cả ngày chỉ thu mình trong lòng đất nên khó lòng … kiểm tra dân số chúng được. Nhưng nhờ vào kinh nghiệm, nhờ sự xét đoán có cơ sở khoa học, ta biết được phần nào mật độ trùn hiện có trong thùng nhiều hay ít ra sao: đó là căn cứ vào lượng phân mà chúng thải ra hàng ngày hay hàng tuần đùn lên trên mặt đất.
Nếu cùng thời gian nào đó mà lượng phân lần sau nhiều hơn lần trước, điều đó cho ta biết số lượng trùn sinh sôi ít nhiều ở mức độ nào.
Chúng ta đâu có máy móc để dò tìm, mà cũng không làm cái việc thọc tay vào để xốc từng mảng đất một để tìm kiếm từng con.
Vẫn biết trùn được nuôi lớn khá nhanh, nhưng từ lúc khởi đầu nuôi cho đến trước 6 tháng, chưa nên nghĩ đến việc thu hoạch.
Kết quả nuôi trùn ta hiện tại còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố
Tuỳ vào con giống: Trong chăn nuôi cũng như trồng trọt, con giống, cây giống bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng, đó là yếu tố quyết định cho sự thành bại. Đó là điều hiển nhiên chắc ai cũng công nhận.
“Nuôi heo chọn nái”, vì con mẹ làm giống có tốt thì bầy con của nó sau này mới tốt như mẹ được.
Ngay cây trái cũng vậy, ai cũng phải cố chọn giống tốt mà trồng, để được trái ngon, quả ngọt mà ăn.
Còn con trùn giống?
Tại nhiều nước nuôi trùn công nghiệp trên thế giới, vấn đề trùn giống không còn là nỗi lo lắng đối với người nuôi. Vì tất cả các loại trùn giống đều có bán sẵn, và tất nhiên chúng đã được những nhà chuyên môn chọn lựa kỹ càng.
Người nuôi trùn chỉ việc lựa chọn giống mà mình thích về nuôi.
Trong khi đó nghề nuôi trùn của ta còn ở giai đoạn phôii thai, giai đoạn khởi đầu còn quá mới mẻ, sự hướng dẫn của nhà chuyên môn chưa có, con giống chỉ là trùn sẵn có ngoài tự nhiên, bắt được con nào thì nuôi ngay con ấy, tốt xấu ra sao đành coi như chuyện cầu may!
Vì lẽ đó thời gian thu hoạch khó lòng rút ngắn được.
Tuỳ vào nguồn thức ăn của trùn: Thức ăn của trùn chúng ta cũng tự lo, tự liệu. Nhưng nguồn thức ăn mà chúng tôi đã trình bày ở phần trước nhiều nước cũng áp dụng, trong đó có Nhật Bản.
Nên nuôi trùn với phân rác mục và phân chuồng hoai. Nếu phân chuồng đó là phân bò càng tốt.
Tuỳ thuộc vào kinh nghiệm nuôi của mỗi người: Điều này thì các bạn đã biết, chúng tôi không dám lạm bàn. Chỉ xin có lời khuyên, hãy nuôi để rút dần kinh nghiệm. Đôi khi kinh nghiệm qua sách vở không quý và hữu ích bằng kinh nghiệm thực tế.
Đấy, trong hoàn cảnh có nhiều trở ngại khách quan bao vây như vậy, cho nên chúng tôi khuyên bạn đừng nôn nóng. Hãy góp nhặt từng chút kinh nghiệm một, đó là vốn liếung của mình.
Trong bước đầu, ta hãy tạm bằng lòng với trùn giống mà mình góp nhặt được ở ngoài tự nhiên. Ta cũng bằng lòng với thức ăn của trùn mà ta tự lo liệu được. Còn kinh nghiệm thì từ từ học hỏi.
Bây giờ trở lại với việc thu hoạch trùn
Chúng ta có hai cách để đoán biết lúc nào thì thu hoạch trùn được:
- Cách thứ nhất là căn cứ vào lượng phân trùn thải ra nhiều ít ra sao.
- Cách thứ hai là dùng que xới xáo vào một góc thùng mà ta tin rằng đã đến lúc có thể thu hoạch được để xem số lượng của chúng nhiều hay ít, độ lớn của chúng ra sao. Công việc này cần phải tiến hành theo cách “nhanh tay lẹ mắt”, nếu chậm trùn đủ thì giờ trốn hết!
Trùn thu hoạch xong, nếu cần lựa ra một ít để làm giống nuôi tiếp. Số còn lại đem nuôi gia cầm. Dư thì rộng lại dùng dần.
Cách rộng là cho trùn vào hết một thùng lớn, trong đó chứa một ít “đất” để trùn làm nơi trú ngụ và tìm thức ăn sống tạm.
Trong trường hợp trúng mùa thu hoạch được quá nhiều, thì nên bán bớt ra ngoài cho những ai cần dùng. Hoặc có thể phơi khô, sấu khô để dành được lâu ngày.
Những dụng cụ nuôi trùn dùng sau một lứa, nên cọ rửa, phơi nắng vài ngày, sau đó cho “đất” vào để nuôi lứa tiếp. Số “đất” vừa nuôi xong không nên dùng lại, mà nên dùng làm phân bón.
Mỗi dụng cụ nuôi trùn nên ghi rõ ngày tháng (ngày bắt đầu nuôi) bên ngoài để tiện theo dõi về sau.
Nhiều người ỷ vào trí nhớ tốt nên không làm theo cách chỉ dẫn trên, có lúc không tránh khỏi sự lẫn lộn.