Nội dung chính
Kỹ thuật nuôi trùn
Như phần trước chúng tôi đã trình bày, kỹ thuật nuôi trùn đất không tốn kém mấy, vì thức ăn dễ kiếm, dụng cụ nuôi thô sơ, ai khéo tay có thể tự chế, tự làm được, mà có mua cũng không tốn nhiều tiền.
Như vậy, tiền bạc và công sức bỏ ra cho ngành nuôi mới mẻ này không nhiều, vừa sức của mọi người, mà mối thu vào lại rất lớn, do có thị trường tiêu thụ rộng.
Đây là ngành nuôi được nhiều lợi mà trước đây ít người nghĩ đến, cho nên nó mới mẻ đối với nước ta.
Nhưng, ở nhiều nước trên thế giới, ngành nuôi trùn đất phát triển từ trăm năm nay, và đã trở thành công nghiệp hoá, nuôi quy mô, là mặt hàng xuất khẩu giá trị chứ không phải chỉ quẩn quanh tiêu thụ trong nước.
Phương pháp nuôi trùn thiệt ra không khó, tuy nhiên, nếu bạn không nắm vững kỹ thuật thì thất bại cũng dễ dàng đến ngay trong phút chốc: bao nhiêu trùn sẽ bỏ chỗ nuôi mà kéo đi hết!
Hiện tượng này có khác gì con chim quý được nuôi trong lồng hàng chục năm trời, nhưng nếu một ngày nào đó chủ lơ đãng mở cửa lồng cho chim ăn uống mà quên đóng chặt cửa lồng, để chim thoát khỏi lồng sải cánh bay xa …
Con trùn chúng ta nuôi tuy không cánh, không chân, nhưng nó cũng biết cách thoát khỏi chỗ nuôi dễ dàng và nhanh như … con chim vô tình vô nghĩa kia vậy! Bạn có tin điều đó sẽ xảy ra với mình không?
Cái khó của việc nuôi trùn là phải biết cách giữ “chân” nó lại, nhưng giữ chân bằng cách nào? Điều này không khó lắm, nếu chúng ta biết cảnh giác thường xuyên.
Nuôi trùn trong nhà, trong trại
Trong đời sống tự nhiên, trùn rất sợ ánh sáng nên chúng chỉ đào hang ở nơi có bóng râm, như bên cạnh các gốc cây, bụi chuối, dưới đáy lu, đáy thạp …
Giữa ban ngày trời nắng chang chang ít khi ta thấy con trùn nào xuất hiện. Vì vậy nuôi trùn ta phải nuôi trong nhà hay trong trại để tránh mưa nắng, và cũng để tiện chăm sóc.
Nếu nuôi số lượng ít thì nuôi bên chái nhà cũng được, còn nuôi với số lượng nhiều thì phải làm trại để nuôi.
Nhà hay trại có thể lợp lá, lợp tôn, lợp ngói, nền đất nện hay tráng xi măng cũng được. Chung quanh nhà cần có vách, nhưng nên trổ nhiều cửa sổ để thông thoáng, đón được ánh sáng bên ngoài vào nhiều chừng nào tốt chừng ấy.
Nếu trong nhà hay trại mà có ánh nắng ban mai hoặc nắng chiều rọi vào trong vài giờ càng tốt. Nhà hay trại nuôi trùn mà lúc nào cũng tối tăm như hũ nút là điều nên tránh.
Vì trong cảnh tối tăm thường trực đó, trùn sẽ dễ dàng rời chỗ ở bỏ đi, do bản tính của giống này là như vậy.
Có thể nói chính bóng tối trong nhà hay trại đã tạo điều kiện cho sự đào thoát của trùn nuôi trong nhà, trong trại. Chính vì vậy, làm nhà làm trại nuôi trùn phải trổ nhiều cửa sổ, sao cho ánh sáng bên ngoài tràn vào khắp mọi chỗ mới tốt.
Ngược lại, nếu trong nhà tối tăm thì phải có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, đó là phải có hệ thống đèn chiếu sáng, dù là ban ngày.
Đèn chiếu sáng
Bản tính cố hữu của trùn là kị ánh sáng, cho bên bất cứ đêm hay ngày, hễ ngoi đầu lên khỏi mặt đất mà thấy ánh sáng chói vào, dù là ánh sáng của mặt trời hay của đèn điện, đèn dầu, trùn cũng rút mình sâu trong lòng đất, không con nào đủ can đảm trồi đầu lên nữa.
Biết bản tính của chúng như vậy, ta cần thiết kế ở nơi nuôi trùn một hệ thống đèn chiếu sáng hữu hiệu mới tốt.
Chính nguồn sáng này là rào cản vững chắc nhất bắt trùn phải ở yên nơi chúng ở. Đó là cách hữu hiệu nhất trong tất cả các cách mà chúng ta đã áp dụng cho các loại vật nuôi khác.
Những bóng đèn này cần treo thấp để tạo nguồn sáng đủ mạnh. Nếu ánh sáng quá yếu, kết quả cũng như không.
Nguồn sáng phải được rọi thẳng vào thùng, vào xô, vào hồ xi măng, vào những dụng cụ nuôi trùn. Ngoài chỗ đó ra, chung quanh tối tăm cũng được.
Xin lưu ý là giống trùn chỉ kị ánh sáng chứ không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ.
Ở những vùng sâu, vùng xa chưa có điện thì có thể đốt đèn dầu, miễn sao tạo được độ sáng đủ sức “trấn áp” cho trùn sợ là được.
Đèn chiếu sáng phải sử dụng suốt đêm. Ban ngày những lúc trời âm u do chuyển mua, thời tiết thay đổi bất thường, nhất là lúc bên ngoài có chớp giăng sấm giật là lúc cần phải có đèn chiếu sáng.
Nếu chậm trễ bật đèn, trùn sẽ rời chỗ bỏ đi.
Sự phiền phức của nghề nuôi trùn là ở chỗ đó. Người nuôi trùn cần phải cảnh giác cao độ để thắp đèn đúng lúc. Phải quan sát lúc nào trời sắp chuyển mưa để chiếu sáng kịp lúc.
Việc chiếu sáng đúng lúc là bí quyết đẫn đến thành công của việc nuôi trùn. Người nào coi thường việc này chắc chắn nuôi trùn sẽ thất bại.
Bạn thử nghĩ khi trùn đã bò ra khỏi nơi nuôi thì chúng sẽ bò tứ tán mỗi con một nơi, nếu ta có may mắn phát giác kịp lúc cũng đành bó tay, vì không làm sao bắt lại được!
Chẳng lẽ đi bắt từng con? Chẳng lẽ dùng chỗi quét gom lại mà bắt? Cần phải nghĩ đến tình huống đó mà lo cảnh giác cao hơn …
Phải đề phòng cúp điện bất thình lình. Trong trường hợp này chỉ còn cách dùng đèn dầu (nếu nuôi ít), dùng máy phát điện riêng, dùng bình ắc quy … Tốt hơn hết, nên trữ nhiều đèn dầu để cứu nguy kịp lúc.
Tóm lại, không có một thứ rào cản nào giúp ngăn trùn đào thoát khỏi nơi nuôi chúng hữu hiệu bằng ánh sáng.
Ánh sáng đủ và có liên tục suốt đêm ngày ở nơi nuôi trùn sẽ đóng góp lớn trong sự thành công của ngành nuôi mới mẻ này.
Dụng cụ nuôi trùn
Dụng cụ nuôi trùn là nơi dùng nhốt một số trùn giống vào đó để chúng sống và sinh sôi. Cũng như nuôi chim phải có lồng, nuôi chó thì dùng cũi vậy.
Dụng cụ nuôi trùn có kích thước lớn hay nhỏ, số lượng nhiều hay ít, và làm bằng chất liệu gì là tuỳ thuộc vào ý định của mỗi người.
Lời khuyên của chúng tôi là nên tiết kiệm khi mua sắm, vì trong ngành nuôi mới mẻ này, chúng ta chỉ cần đồ bền chứ không cần đồ đẹp. Ai có khả năng làm được lại càng hay.
Đó có thể là thùng gỗ tạp, xô nhựa, thùng nhựa, hồ xi măng … Nếu tính chuyện làm ăn lâu dài, xong lứa này lại nuôi tiếp lứa khác thì ta sắm những thứ bền chắc, còn nếu nuôi ít, nuôi thử nghiệm thì đừng dại gì bỏ vốn ra nhiều, sắm chi những thứ đắt tiền.
Dụng cụ nuôi trùn
a. Thùng gỗ: Nuôi trùn bằng thùng gỗ cũng được vì đâu có chứa nước mà sợ mau mục. Thùng để nuôi trùn đâu cần đóng đẹp, ai khéo tay cũng làm được.
Điều đòi hỏi là phải ghép ván cho kín, không tạo kẽ hở, phòng ngừa trùn sẽ theo kẽ hở này mà chui hết ra ngoài.
Ván đóng thùng nuôi trùn không cần bào láng, cũng không cần sơn phết, miễn sao có độ bền, lâu mục là được.
Hình dáng của thùng gỗ sao cũng được, miễn là thùng có dung tích tối thiểu vài ba chục phân khối trở lên, trong đó chiều cao bắt buộc phải hơn 50cm.
Đóng thùng cho to mà cạnh đáy không thích hợp với việc nuôi trùn, vì thói quen của trùn là thích ở sâu hơn là trên tầng đất mặt.
b. Xô nhựa: Xô nhựa hiện được bán rất nhiều với kích cỡ khác nhau. Xô nhựa dùng nuôi trùn rất thích hợp, vì nó có độ bền tốt do không mục và cũng không bị mối mọt tấn công như gỗ ván.
Có điều khi sử dụng nên nhẹ tay, chiếc nào bị nứt phải loại bỏ. Một lẽ dễ hiểu là giống trùn rất khôn, chúng biết nương theo kẽ hở để thoát ra ngoài.
Ngoài thị trường chúng tôi cũng thấy có bán thùng nhựa, hình thù giống như cái xô lớn, dùng nuôi trùn rất tốt.
Vì sao chiều cao của dụng cụ nuôi trùn phải trên 50cm, chúng tôi sẽ trình bày sau.
c. Hồ xi măng: Gọi hồ xi măng tức là dùng gạch và xi măng để xây thành hồ, như kiểu hồ chứa nước vậy.
Xây hồ xi măng để nuôi trùn là cách nuôi có tính lâu dài, nuôi từ lứa này sang lứa khác. Hồ ba92ng xi măng thì độ bền chắc của nó ai cũng biết rồi.
Nuôi trùn bằng hồ xi măng còn tốt hơn nuôi trùng gỗ hay xô nhựa, vì nuôi được số lượng nhiều. Hồ có thể xây với diện tích rộng hẹp là tuỳ vào ý thích và sự sử dụng của mỗi người.
Nhưng theo kinh nghiệm, nếu hồ nhỏ quá thì bất lợi, mà rộng quá thì bất tiện. Tốt nhất bề mặt đáy nên có kích thước 0,8m x 0,8m hoặc 0,6m x 1m là vừa.
Còn chiều cao của hồ cũng khoảng 50 đến 70 cm mà thôi.
Hồ có thể làm nhiều ngăn liên kết nhau. Vách ngăn ở giữa tốt nhất vẫn được xây bằng gạch. Mặt trong của hồ nên tô kỹ, không cần quét vôi, và cũng không cần lót gạch men.
Hồ có thể được xây ngay trong trại, trong nhà nuôi trùn, nơi có sẵn mái che và hệ thống đèn chiếu sáng đầy đủ.
Trong nhà hay trại nuôi trùn, ta có thể sắp xếp các thùng gỗ hay xô nhựa, thùng nhựa kề cận với hồ xi măng, miễn là nơi đó cả ngày lẫn đêm đều nhận được ánh sáng đầy đủ.
Farmvina mong rằng các bạn đã nắm được một số kỹ thuật nuôi trùn cơ bản.
Việt Chương