Hiện nay, ở Việt Nam lan huệ được trồng khá phổ biến và phân biệt chủ yếu dựa vào màu sắc hoa như đỏ dại, đỏ sọc trắng, hồng đào, đỏ nhung, trắng…
Nhu cầu chơi hoa lan huệ ngày càng cao, nhiều giống hoa lan huệ mới được nhập nội và được thị trường chấp nhận.
Trong thực tế sản xuất củ giống hiện nay ở Việt Nam, lan huệ được nhân giống chủ yếu từ củ con sinh ra từ củ mẹ. Tùy từng giống/loài mà một củ trưởng thành trong một năm có thể sinh ra 10-15 củ con, tuy nhiên đối với các giống mới nhập nội, hoa đẹp thì số củ con ít (trung bình đạt 0,9-5 củ con/củ mẹ/năm, thậm chí có giống không tạo củ mới.
Các giống mới có nhiều đặc điểm vượt trội về các tính trạng như hoa có nhiều hình dạng (cánh đơn, bán kép hoặc cánh kép), kích thước hoa đa dạng (tà nhỏ, trung bình đến lớn), màu sắc hoa phong phú (vàng, cam, đỏ cá hồi, đỏ thẫm, hoặc nhiều màu trên cánh hoa). Dù hoa đẹp nhưng giá thành củ giống mới còn rất cao (dao động 10 – 20 euro/củ).
Cây lan huệ có khả năng sinh sản hữu tính tốt nhưng phương pháp này chỉ được áp dụng khi tạo vật liệu khởi đầu cho công tác chọn tạo giống do có sự phân ly về hình dạng, màu sắc hoa ở cây con. Ở nước ta, các nghiên cứu nhân giống vô tính lan huệ bằng phương pháp chẻ củ chưa được thực hiện. Xuất phát từ các phân tích trên Phạm Thị Minh Phượng và Trần Thị Minh Hằng thuộc Khoa Nông học, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu kỹ thuật nhân giống vô tính cây lan huệ (Hippeastrum sp.) bằng phương pháp chẻ củ.
Các thí nghiệm được thực hiện trên cây hoa lan huệ với 3 mẫu giống gồm cam sọc, hồng đào và đỏ sọc trắng. Các giống này đã được thu thập và trồng trong điều kiện Gia Lâm, Hà Nội. Chúng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại nơi nghiên cứu với chu vi củ giống 28 – 30 cm, cây không sâu bệnh.
Nghiên cứu đã xác định được 1 số kỹ thuật nhân giống vô tính cây lan huệ như sau:
– Phương pháp chẻ củ lan huệ thành 32 mảnh khi nhân giống cho hệ số nhân cao (trung bình tạo ra 53,3 chồi/củ), chất lượng cây giống đảm bảo.
– Sử dụng giá thể giâm mảnh củ được phối trộn gồm: đất: cát: peclit (tỉ lệ 2:1:1 theo thể tích) rút ngắn thời gian tạo chồi (còn 28 ngày) và làm tăng chất lượng cây lan huệ (sau 4 tháng cây cao 26,2 cm, trung bình 5,2 lá/cây, đường kính củ 1 cm).
– Xứ lý mảnh củ lan huệ bằng chế phẩm kích thích ra rễ N3M (10 g/1) trong 10 giây giúp rễ sớm xuất hiện, rễ nhiều và dài (4,0 rễ/mảnh; chiều dài bộ rễ là 27,1 cm và số củ trung bình trên mảnh củ là 1,25). Cây con có chất lượng tốt.
– Bước đầu đề xuất quy trình nhân giống vô tính bằng phương pháp chẻ củ cho cây hoa lan huệ ở Việt Nam gồm 4 bước. Quy trình đơn giản và dễ thực hiện.
Các nhà khoa học cũng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống lan huệ để tăng khả năng ứng dụng trong điều kiện Việt Nam.
Nguồn: caygiong.org
Tìm bài này trên Google:
- nhân giống lan huệ