Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có nghề nuôi hươu sao truyền thống lâu đời và người nông dân Việt Nam đã tích luỹ được những kinh nghiệm quý giá và nắm trong tay kỹ thuật nuôi hươu sao.
1. Phân bố
Hươu Việt Nam bắt nguồn từ các khu rừng nhiệt đới, hiện nó phân bố rộng rãi ở các vùng trên đất nước ta. Có điều là hươu sao sống hoang dã không còn lại là bao bởi chúng bị con người săn bắn quá mức. May sao nghề nuôi hươu sao đã phát triển khá mạnh trong nông hộ của một số vùng với một đàn hươu sao có lúc lên tới chục ngàn con. Nghệ Tĩnh là nơi nuôi nhiều hươu sao nhất.
Những năm đầu của thập kỷ 90 nghề nuôi hươu bột phát kéo theo một cơn sốt giống tai hại. Rất nhiều hươu sao được mua đi bán lại và phân bổ ra rất nhiều tỉnh trong nước. Nhưng Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn là quê hương của nghề nuôi hươu sao.
Chỉ riêng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong thời điểm phát triển nhất, đàn hươu đã có tời 10.000 con. Nếu tính trên phạm vi toàn quốc thì đàn hướng sao có khoảng 22.000 con.
2. Các đặc điểm sinh học
– Đặc điểm tiêu hoá
Cũng như trâu bò,hươu thuộc loài nhai lại, dạ dày của hươu có cấu tạo phức tạp gồm 4 túi: dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Dạ cỏ có dung tích từ 6-10 lít, là một túi lên men lớn, ở đó có tới 50% các chất khó tiêu được tiêu hoá.
Mỗi ngày hươu nhai lại từ 6-8 lần và thời gian dùng cho nhai lại mỗi ngày bình quân là 7 giờ. Hươu có thể ăn rất nhiều loại lá cây. Đặc biệt lá xoan là loại lá đắng (có tác dụng tẩy giun sán) mà hươu lại rất thích ăn.
– Đặc điểm hình thái
Hươu sao như tên gọi của nó là trên nền màu vàng của thân có hai hàng chấm trắng như những ngôi sao chạy song song từ vai đàn hai bên thân của hươu. Hươu sao có thân hình thon chắc, nhanh nhẹn, cổ dài, đầu nhẹ, tứ chi cao giúp hươu chạy nhanh. Toàn thân màu vàng, phía bụng vàng nhạt hơn.
Chỉ hươu đực mới có sừng, sừng non ta gọi là nhung (hay còn gọi là lộc). Nhung mọc mỗi năm một lần. Có một số con cho 2 lần mọc nhung sau khi cắt, nhưng lần thứ hai trong năm nhung mọc nhỏ hơn.
– Tập tính của hươu sao
Nhút nhát là bản tính nổi bật của hươu sao, hễ nghe tiếng động lạ là bỏ chạy. Có lẽ do sức vóc nhỏ nên hươu đã chọn cách chạy trốn làm thượng sách và tứ chi cao khoẻ giúp nó chạy nhanh thoát hiểm. Được nuôi ở nhà, hươu sao quen người và tỏ ra thân thiện, nuôi càng lâu biểu hiện này càng rõ. Người ta có nhận xét đàn hươu nuôi nhà ở vùng Hương Sơn dễ gần hơn, không sợ sệt cảnh giác như đàn hươu nuôi ở Quỳnh Lưu, có lẽ cũng vì Quỳnh Iưu so với Hương Sơn là quê hương mới của hươu sao.
Sống trong rừng hươu sao hoạt động nhiều về đêm, ban ngày tìm nơi trú ẩn để nhai lại. Hươu sao ăn được nhiều loại thức ăn xanh. Đặc biệt nông dân thường cho hươu sao ăn lá xoan, một thứ lá đắng thường dùng làm thuốc tẩy giun, nhưng hươu lại rất thích ăn.
3. Khả năng sản xuất
– Khả năng sinh trưởng
So với các gia súc nhỏ nhai lại khác thì hươu sao có tốc độ sinh trưởng tương đối khá và tầm vóc cũng lớn. Có những hươu đực nặng tới 90- 100 kg.
– khả năng sinh sản
+ Mùa động dục, mùa sinh sản
Mùa động dục của hươu tập trung cao điểm vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Có lẽ sau mùa mưa, được ăn nhiều cỏ lá xanh đã kích thích hoạt động tính dục của hươu. Như vậy mùa sinh sản của hươu tập trung vào các tháng 3, 4, 5. Lúc bấy giờ khí hậu đã ấm áp, cỏ lá cũng bắt đầu sinh sôi và do đó hươu con được nuôi tốt, tỷ lệ nuôi sống cao hơn.
Các biểu hiện động dục của hươu cũng giống như ở các con vật khác, bồn chồn không yên, cơ quan sinh dục bên ngoài xung huyết, có niêm dịch chảy ra. Thời gian động dục của hươu cái là từ 1-3 ngày, trung bình 2-30 giờ. Khi hươu cái động dục thì cũng kích thích hươu đực động tình, bấy giờ nó có vẻ hung dữ hơn ăn ít hơn, luôn tìm cách gần hươu cái. Động tác phối giống của hươu chỉ xảy ra trong vòng 20-30 giây.
+ Tuổi thành thục sinh dục
Tuổi thành thục sinh dục của hươu đến vào khoảng 12- 16 tháng tuổi, thời gian còn tuỳ thuộc vào nuôi dưỡng, ánh sáng, v.v… Được nuôi tốt, có ánh sáng sân chơi đầy đủ thì sự thành thục đến sớm hơn. Cũng do các nguyên nhân khác nhau mà đôi khi có những con hươu sự thành thục sinh dục đến muộn, sau hai năm tuổi mới động dục. Chu kỳ động dục của hươu trung bình là 20 ngày, biến động trong khoảng từ 15-30 ngày. Không nên cho hươu phối ngay sau lần động dục đầu tiên bởi vì hươu cái tơ cơ thể còn yếu và chưa có kinh nghiệm nuôi con. Những người nuôi có kinh nghiệm và ở các trại giống thường cho hươu phối lúc 1,5-2 năm tuổi. Thời gian mang thai của hư(nl là từ 220-225 ngày.
Thời gian động dục lại sau khi đẻ của hươu là từ 102- 116 ngày (Trần Mạnh Đạt, 1999). Khoảng cách giữa hai lứa đẻ dao động từ 339-350 ngày, trung bình là 345 ngày. Như vậy có nghĩa là hươu sao đẻ mỗi năm một lứa.
+ Tỷ lệ thụ thai
Tỷ lệ thụ thai đối với hươu đã thành thục (trên 20 tháng) theo khảo sát trong sản xuất đạt 76%. Tỷ lệ nuôi sống của hươu đạt 93% (Trần Mạnh Đạt, 1999). Đây là các tỷ lệ đạt cao trong sản xuất đối với con hươu; một loài còn mang rất nhiều tính chất dã sinh. Tất nhiên các tỷ lệ này phụ thuộc rất nhiều vào chế độ nuôi dưỡng và mùa sinh sản.
Hầu hết các bộ phận trên cơ thể hươu đều có thể sử dụng cho việc chữa trị các bệnh con người. Thịt hươu có tác dụng bổ trung, ích khí, mạnh gân cốt (Đỗ Tất Lợi, 1982). Thịt hươu còn được dùng để nấu cao toàn tính (cùng với xương, da, v.v…) dùng bồi bổ khí huyết. Xương hươu, da hươu thường được nấu cao. Các bộ phận cơ thể khác của hươu cũng rất bổ ích: huyết hươu, thận, dịch hoàn, dương vật, gân hươu, v.v… đều được dùng trong các bài thuốc dân gian và rất được tán thưởng.
Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn