Nội dung chính
Cây dứa cũng giống như một số loại cây ăn quả khác là có thể nhân giống bằng phương pháp vô tính và hữu tính, tuy nhiên nhân giống bằng phương pháp hữu tính chỉ có ý nghĩa trong công tác chọn tạo giống.
Điều khác biệt với một số cây trồng khác là: trong phương pháp nhân vô tính, cây dứa không thể nhân giống bằng phương pháp chiết, ghép mà chỉ được thực hiện bằng biện pháp kỹ thuật nuôi cấy mô, giâm hom, tách chồi.
– Đối với phương pháp nuôi cấy mô (invitro) có ưu điểm là hệ số nhân giống cao nhưng thời gian tạo cây con dài và giá thành cây giống đắt.
– Phương pháp kích thích ra chồi tự nhiên (như: bẻ hoa tự, khoét điểm sinh trưởng, cắt quả non, phun chất kích thích,…) có ưu điểm là rút ngắn được thời gian tạo chồi và chồi rất khoẻ, nhưng hệ số nhân giống thấp.
– Đối với các biện pháp kỹ thuật giâm hom (thân già) thì có hệ số nhân giống cao hơn và dễ áp dụng. Hiện nay một số nước trồng dứa trên thế giới vẫn còn sử dụng phương pháp nhân giống này.
1. Kỹ thuật nhân giống dứa bằng chồi
a. Phương pháp kích thích ra chồi tự nhiên
– Bẻ hoa tự: xử lý Axetilen hoặc Ethrel cho dứa ra hoa đồng loạt, sau đó bẻ hết hoa và bón thúc nuôi chồi. Việc xử lý được tiến hành vào vụ Đông để chồi đẻ sớm và sinh trưởng vào vụ Hè nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Sau thời gian hai năm kể từ khi trồng mỗi cây tỉa được 6-8 chồi đạt tiêu chuẩn.
– Hủy đỉnh sinh trưởng: tiến hành rút khoảng 3 lá nõn ở tâm, sử dụng đục lõi bằng kim loại có chiều dài 30-50cm tùy theo cỡ cây đặt vào tâm của phần ngọn, xoáy 2 vòng theo chiều kim đồng hồ, xong lấy đục ra, trên mũi đục phải có kèm theo đỉnh sinh trưởng của cây. Sau đó phun thuốc phòng ngừa bệnh hại. Cây sau khi hủy đỉnh sinh trưởng cần ngưng tưới nước 5-7 ngày nhằm giúp vết thương nhanh lành sẹo.
– Thu quả thúc chồi: Sau thời gian trồng 28-30 tháng, tiến hành thu quả vụ I và bón thúc nuôi chồi. Bình quân một cây có thể thu được 5-6 chồi đạt tiêu chuẩn.
– Phun thuốc kích thích chồi: Sau khi bẻ hoa tự hoặc thu quả, phát bỏ ngọn lá già cách gốc 35 – 40 cm, phun thuốc 2,4D nồng độ 20 ppm (250 ml/cây) để kích thích chồi mọc nhiều và nhanh.
b. Bón phân thúc nuôi chồi:
Lượng bón cho 1ha là 600 kg urê và 500 kg kali clorua. Chia ra bón 3 lần, mỗi lần bón phân kết hợp với tưới nước:
+ Lần 1: bón 1/3 lượng phân sau bẻ hoa hoặc thu quả vụ I,
+ Lần 2: bón 1/3 lượng phân sau tỉa chồi lần một,
+ Lần 3: bón nốt lượng phân còn lại sau tỉa chồi lần 2.
c. Tỉa chồi:
Khi chồi đạt trọng lượng khoảng 250 gam phải tỉa chồi. Tỉa chồi làm nhiều đợt cách nhau 1,5 – 2 tháng. Tỉa đợt cuối sau khi bẻ hoa hoặc sau khi thu hoạch quả 10-12 tháng, còn lại những chồi nhỏ dưới tiêu chuẩn thì tỉa đưa vào vườn ươm.
2. Nhân giống bằng phương pháp giâm hom
a. Cắt hom:
Vật liệu nhân giống gồm: thân dứa và chồi ngọn.
– Thân cây dứa: Những cây dứa đã thu quả vụ I hoặc vụ II, thân còn tươi, không bị dập nát, thối héo hoặc nhiễm bệnh. Chọn đoạn thân khoảng 20 cm kể từ ngọn, bóc sạch lá, cắt hết rễ trên thân, dùng dao sắc cắt khoanh (dày 2-2,5cm).
– Chồi ngọn: Chọn những chồi to, khoẻ được thu về sau khi thu quả, còn tươi. Dùng dao sắc chẻ dọc chồi thành 4 phần. Từ mỗi phần dọc cắt ngang thành nhiều miếng nhỏ sao cho mỗi miếng còn dính 1 hoặc 2 gốc lá.
b. Xử lý hom:
Nhúng ngập hom trong dung dịch Benlatte trong 3 phút, hong khô trong bóng râm một ngày, sau đó giâm vào cát.
c. Tạo cây con trong nhà giâm:
– Thời vụ giâm: vụ xuân – hè từ tháng 2 – 4., vụ thu từ tháng 7- 9.
– Làm luống cát trong nhà giâm: Làm 2 luống, để lối đi ở giữa rộng 0, 4m. Luống rộng 1,2-1,4 m, dài tuỳ theo độ dài của nhà, cao 15 cm.
– Mật độ giâm:
+ Đối với khoanh thân: 150-170 khoanh/m2 (khoảng cách khoanh 1,5cm), đặt khoanh nằm ngửa, phần ngọn lên trên, lấp cát dày 2-3 cm trên khoanh.
+ Đối với chồi ngọn: 200-220 hom/m2, vùi cát vừa kín gốc lá (không vùi sâu quá 1 cm). Các hom có lá quay theo một hướng.
– Chăm sóc:
+ Tưới nước: Trước khi giâm một ngày, tưới đẫm luống cát, sau khi giâm xong tưới nước đủ ẩm bằng thùng ô doa hạt nhỏ, không làm nước xối cát để hở khoanh hoặc hom ra. Giữ ẩm thường xuyên bằng dụng cụ tưới có hạt nước nhỏ, không để cát bị khô hoặc sũng nước.
+ Bón phân: Sau khi giâm 1-1,5 tháng, khoảng 80% số hom có chồi đã nhú lên khỏi mặt cát 1-2 cm thì bắt đầu bón phân thúc bằng urê pha loãng 0,2% phun đều lên toàn bộ mặt luống. Lượng phun: 10 lít dung dịch đã pha cho 40 m2 mặt luống. Phun định kỳ 10 ngày /lần.
Khi chồi đã cao 7 cm trở lên thì tách chồi đưa đi giâm vào đất.
d. Vườn giâm chồi con:
– Chuẩn bị đất: Chọn loại đất nhẹ, nhiều mùn, thoát nước, bằng phẳng. Cày sâu 10-15 cm, bừa kỹ nhặt hết cỏ dại. Lên luống cao 10-15cm, rộng 1,2 m, dài tuỳ địa thế đất. Đất trên luống nhỏ (đường kính không quá 1cm) nhưng không thành bột.
– Phân bón lót cho 1m2: 2kg phân chuồng hoai mục, 0,2 kg phân lân vi sinh. Các loại phân được trộn đều với đất trên luống. Nếu đất khô phải tưới ẩm một ngày trước khi giâm.
– Tách chồi con để giâm: Các chồi trong nhà giâm hom cao từ 7cm trở lên được tách khỏi hom đưa đi giâm. Hom mẹ và các chồi nhỏ được giữ nguyên ở vị trí cũ tiếp tục chăm sóc.
– Giâm chồi: các chồi đã được tách đưa đi giâm ngay vào luống đất đã chuẩn bị. Mật độ giâm 50 cây /m2, khoảng cách 10cm x 20cm, chú ý không để đất rơi vào nõn chồi.
– Chăm sóc:
+ Làm cỏ giữa các chồi bằng dụng cụ nhỏ hoặc nhổ bằng tay, không làm ảnh hưởng đến chồi đã giâm.
+ Bón thúc phân đạm và kali theo tuổi chồi. Một tháng sau khi giâm: pha dung dịch urê 1% (100g/10lít nước) để tưới. Định mức 10 lít dung dịch tưới cho 5 m2 (250 cây), sau đó tưới nước lã rửa lá chồi dứa. 15 ngày sau tưới phân đạm một lần nữa. Sau 2 tháng: bón đạm và kali vào đất giữa các hàng dứa. Lượng phân hàng tháng như sau:
Số tháng sau giâm3456Tổng sốĐạm Urê (g/m2)120130140150540Kali sunphat (g/m2) 130140140150560
Cách bón phân: Rạch hàng sâu 5cm giữa các hàng cây, trộn phân đều bón vào rãnh, lấp đất kín phân, tưới nước lã cho tan phân.
+ Tưới nước giữ ẩm, phá váng sau khi mưa, làm cho đất vườn ươm thoáng, đủ ẩm.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Bệnh thưòng gặp là bệnh thối nõn. Khi phát hiện có bệnh phải nhổ bỏ cây bị bệnh. Phun toàn bộ vườn bằng Aliette 0,2-0,3 %, phun lặp lại hai lần cách nhau 7 ngày.
Nguồn:sưu tầm