Cá chình (Anguilla sp) và cá bống tượng (Oxyeleotns marmoratus Bleeker) là 2 loài đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Tại Bình Định, chình tập trung nhiều ở đầm Trà Ổ (Phù Mỹ) và hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh).
Hiện nay, chình và bống tượng đang được nuôi ở một số địa phương như Đập Đá, Tây Sơn, Phù Mỹ, Bồng Sơn, Vĩnh Thạnh. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả nghề nuôi đặc sản nước ngọt, tôi xin giới thiệu kỹ thuật nuôi chình và bống tượng thương phẩm trong bể xi măng, một mô hình đang được áp dụng thành công tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ.
Lựa chọn địa điểm nuôi.
Nơi có nguồn nước sạch, cung cấp nước thường xuyên, vị trí xây nơi yên tĩnh, chủ động việc cấp và thoát nước, thuận tiện giao thông. Tốt nhất là nơi có nguồn nước chảy tự nhiên như sông, suối. Đảm bảo đạt nhiệt độ của nước 25 – 270C, hàm lượng oxy hòa tan 5mg/l, độ pH 7,5 – 8,5.
Thiết kế bể nuôi
Bể có diện tích tốt nhất từ 100m2 trở lên, hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn được xây bằng gạch, bên trong láng nhẵn.
Độ sâu của bể 1,5 m, bên trong láng xi măng nhẵn, trên thành bể xây gờ ngang 10 cm để cho cá khỏi đi. Có hệ thống cống cấp thoát nước riêng biệt. Ống cấp nước cách mặt bể 50 cm, tốt nhất nên thiết kế bể nuôi có nước chảy ra vào thường xuyên, trang bị máy bơm nước tự động tắt mở khi nước đầy. Nước bể nuôi ở dạng nên lắp thêm giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng.
Để tránh tạp chất gây ô nhiễm, cho nước qua một bể lọc (có cát, than, sỏi…) chiếm 20 – 30% diện tích bể.
Vì cùng tập tính sống đáy và tính trú ẩn nên khi nuôi chung cá chình và bống tượng ta tạo nơi trú ẩn bằng ống nhựa hoặc tre, miếng đanh hoặc đổ một lớp cát dày 20 cm để cá vùi mình và thả bèo chiếm 1/4 diện tích bể. Trên bể có mái che, lưới để giảm ánh nắng rọi vào nhiều.
Đối với bể mới xây, ngâm phèn chua 100 g/m2, ngâm 2 lần, 2 ngày/lần, sau đó chà bằng bẹ chuối, phơi nắng 30 ngày, cấp và xả nước 3 – 4 lần.
Chọn giống và thả cá.
Nên có một bể nhỏ khoảng 50 m2 để lựa chọn giống, phân cỡ, phòng trị bệnh. Cá giống được gom về và lưu giữ trong bể này thời gian 5 – 7 ngày để kiểm tra và chọn lọc trước khi thả nuôi.
Chọn giống kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, linh hoạt, không xây xát, thương tổn. Với cá bống tượng, chọn giống dưới đuôi có hình chữ V màu đen, lật ngửa thấy vảy bụng và lưng phải đều, các tia vi còn nguyên, cá nhiều nhớt, màu lưng của cá hơi xám, da bóng, mang phùng ra thật to và các tia vi xòe ra hết cỡ.
Mật độ nuôi từ 4-6 con/m2, kích cỡ 100 gam/con.
Trước khi thả cá, nên tiến hành sát trùng cho cá bằng dung dịch muối có nồng độ 2% trong thời gian 5-10 phút, thuốc tím 10 – 20g/m3 trong 15-30 phút để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.
Trước khi thả giống phải ngâm bao nilon chứa cá xuống ao từ 20 – 30 phút để nước nuôi và nước trong túi chứa như nhau, từ từ cho nước trong bể vào túi, sau đó thả cá. Vị trí thả nơi đầu nguồn nước vào.
Cho ăn.
Thức ăn nuôi cá chình và bống tượng là cá tạp, cá biển, trùn, ốc, nhái cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nếu thức ăn là cá tạp, trước khi cho ăn nên sát trùng bằng muối ăn 0,5 kg muối/ 3 lít nước trong thời gian 30 phút. Nên cho ăn cá băm nhỏ hợp cỡ mồi theo kích cỡ cá nuôi hoặc thức ăn được hấp chín, để nguội, phối hợp trộn 1% vitamin C, kháng sinh, 3 – 5% dầu gan cá. Tập cho cá quen với thức ăn tĩnh, trong 2-3 ngày đầu để cho cá đói: dùng cá tạp tươi rửa sạch, bỏ hết nội tạng, cắt nhỏ 2-3 cm cho cá ăn. Năm ngày đầu trộn với 3g men tiêu hóa/1kg thức ăn + vitamin C + dầu mực để kích thích cá bắt mồi.
Cho cá ăn ngày 2 lần vào lúc sáng sớm (6-7h) và chiều mát (18- 19h), lượng thức ăn mỗi ngày bằng 3-5% tổng trọng lượng đàn cá. Sau khi cho cá ăn khoảng 6 đến 10 giờ, kiểm tra lại sàng ăn để xem khả năng cá ăn mồi, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp ở lần kế tiếp.
Dụng cụ cho cá ăn là sàng tre đan thưa (kích thước 0,8m x 1m), nhẵn hoặc bằng sàng lưới cước được đặt cách mặt nước 20 – 40cm. Cho hoàn toàn thức ăn vào sàng ăn, mật độ sàn 70 -100 m2/sàng.
Để tận dụng và giảm chi phí thức ăn, có thể nuôi ghép rô phi, mật độ là 0,5-1con/m2 để cá rô phi sinh sản làm thức ăn.
Chăm sóc quản lý.
Khi nuôi cần chú ý đến khả năng cung cấp nguồn nước, chất lượng nước và các yếu tố môi trường khác như hàm lượng oxy hòa tan, nhiệt độ nước, pH… để có biện pháp kỹ thuật xử lý thích hợp. Vệ sinh bể theo định kỳ, 5 – 7 ngày phải cọ sạch bể.
Hàng ngày có một vài lần bơm phun mưa tạo oxy, nhất là vào buổi sáng sớm. Mỗi ngày gom chất thải, thức ăn thừa lắng ở đáy lại và xả ra ngoài. Giặt nhá, sàn cho ăn sau khi kiểm tra.
Mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá đồng đều và chóng lớn. Trước khi phân cỡ để cá nhịn từ 1 ngày, để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng, dùng sàng nhẵn để phân loại cá, dùng vợt không dùng tay bắt cá. Nuôi riêng để cá đồng đều và chóng lớn.
Việc phòng bệnh cho cá rất quan trọng, định kỳ 10-15 ngày dùng vôi bột với liều lượng 10-20g/m3 hòa nước tạt để ngừa bệnh cho cá. Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm.
Thu hoạch
Trước khi thu cho cá nhịn ăn một ngày. Thu tỉa thì dùng lọp, thả mồi bắt. Thu cuối vụ thì tát cạn, cá bống tượng thường lặn sâu vào đáy bùn có khi đến 1 m, khó bắt. Cần tát cạn vào chiều mát, mò bắt sơ bộ, cá bống tượng có ở ao, sau đó dùng chuối cây trang ao cho bằng, cho nước vào 5cm, nửa đêm và gần sáng, cá bống tượng ngóc nằm ở mặt bùn, dùng đèn soi bắt. Có nơi còn dùng dòng nước chảy bắt cá vào đêm. Cá chình đạt kích cỡ từ 1 kg/con sau một năm nuôi. Cá lớn thu trước cá nhỏ dưới kích cỡ để lại nuôi tiếp. Cá thu được nhốt trong bể nước sạch có sục khí, hoặc giai để cho cá khỏe, chịu đựng được mật độ cao thuận tiện cho việc vận chuyển sống đến thị trường tiêu thụ.
Nguồn: sưu tầm