I. Đặc điểm sinh học của cá mú
Cá mú thuộc loài cá dữ, có tính ăn thịt và bắt mồi theo phương thức rình mồi. Ngoài tự nhiên cá hoạt động về đêm, ban ngày ẩn nấp trong các hang đá, rạn san hô, thỉnh thoảng mới đi tìm mồi. Tuy nhiên, khi được thuần dưỡng trong môi trường nuôi, cá có thể ăn được cả vào ban ngày.
Một hiên tượng khá lý thú là có sự chuyển đổi giới tính ở nhóm cá này. Khi còn nhỏ chúng là cá cái, nhưng khi đạt đến kích cỡ và tuổi nhất định thì chuyển thành cá đực. Cá mú có thể đẻ quanh năm, nhưng tập trung vào những tháng lạnh, nhiệt độ thấp vì thế từng vùng khác nhau mùa vụ xuất hiện cá giống cũng khác nhau. Sức sinh sản của cá khá cao, mỗi con cái có thể đẻ từ vài trăm ngàn đến vài triệu trứng.
II. Kỹ thuật nuôi cá lồng
1. Chọn vị trí lồng:
Trong nuôi lồng, do chất lượng nước không thể kiểm soát được như trong các thuỷ vực, ao đầm mà tuỳ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Vì thế chọn lựa vị trí thích hợp sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của nghề nuôi. Thông thường, tiêu chuẩn lựa chọn vị trí nuôi tuân thủ theo các điều kiện sau:
– Bè nuôi cần đặt ở vùng eo, vịnh hay mặt sau của đảo.
– Tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh.
– Độ sâu từ đáy lồng cách mặt đáy biển ít nhất 5 – 10m khi thủy triều xuống thấp nhất.
– Cần tránh đặt lồng nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng dễ dẫn đến tình trạng cá yếu dần và chết do thiếu oxy.
– Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6m/giây.
– Đảm bảo hàm lượng oxy từ 4 – 6mg/lit, nhiệt độ 25 – 300C, pH từ 7,5 – 8,3 độ mặn từ 20 – 33‰.
– Tránh xa những nơi bị ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải độc hại, nước thải sinh hoạt và khu vực bến cảng nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu.
2. Thiết kế và xây dựng lồng nuôi
Có thể thiết kế dàn lồng có kích cỡ 8m x 8m x 3m được thiết kế thành các lồng riêng biệt như vậy mỗi dàn lồng sẽ có 4 lồng nuôi kích cỡ 4m x 4m x 3m. Như thế sẽ thuận lợi cho việc phân cỡ giống lúc thả, có thể dành một lồng trống để xử lý cá bệnh hay diệt rong tảo bẩn đóng trên lồng.
Khung bè phải được làm bằng các loại gỗ bền chắc, chịu được mưa nắng, chịu được độ mặn và hàu, hà bám không đục phá được. Chọn vật liệu tốt để làm lồng nhằm tránh bị hư hỏng do thời gian nuôi khá dài.
Lưới lồng cần chọn loại bền chắc, hạn chế được các loài sinh vật bám.
Kích cỡ cá nuôi
|
Mắc lưới sử dụng
|
1 – 2 cm
|
0.5cm
|
5 – 10 cm
|
1 cm
|
15 – 20 cm
|
2cm
|
> 25
|
4 cm
|
Để giữ bè nổi, dùng phao bằng thùng nhựa hay thùng phuy được sơn kỹ và bố trí đều để nâng khung gỗ. Số lượng neo thường 4 cái và dây neo lớn (Ø =24) với chiều dài khoảng 30 – 50m để giữ bè cố định.
III. Chọn giống
1. Nguồn giống nuôi
Hiện nay nguồn giống cho nuôi cá mú lồng vẫn chủ yếu là đánh bắt cá con ngoài tự nhiên, mùa vụ đánh bắt cá con thường vào những tháng đầu mùa mưa.
Cá giống có thể vận chuyển theo nhiều phương pháp như bằng thùng có sục khí, bao nylon bơm oxy….
2. Cách chọn giống và thả giống
Cá giống thả nuôi cần đồng cỡ, khoẻ mạnh, không bị sây sát. Cần phân cỡ cá và thả từng lồng riêng. Không thả cá to nhỏ khác nhau trong cùng một lồng dễ xảy ra tình trạng cá lớn ăn cá bé hoặc cá lớn tranh mồi của cá bé dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Kích cỡ giống thích hợp từ 10 – 12cm, trọng lượng khoảng 60 – 70g.
Trước khi thả cá cần xử lý cá qua formol với nồng độ 100ml/m3 trong một giờ có sục khí hay tắm cá qua nước ngọt 5 – 10 phút để loại mầm bệnh ký sinh trên cá. Nên thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát là tốt nhất.
Mật độ thả: 15 – 25con/m3.
IV. Chăm sóc và quản lý
1. Quản lý thức ăn cho cá
Thức ăn cho cá chủ yếu là cá tạp (cá mối, cá cơm, cá trích, cá liệt…) cá phải tươi, lựa bỏ tạp chất, loại bỏ ký sinh trùng bằng cách ngâm trong nước ngọt trước khi cho ăn để tránh gây bệnh cho cá nuôi.
Thức ăn được rửa, cắt thành khúc phù hợp với miệng cá và cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm (7 -8 giờ) và chiều mát ( 4 -5 giờ). Cần rãi mồi chậm để cá dễ dàng bắt mồi. Cho cá ăn từ từ đến khi cá ngừng ăn thì dừng lại tránh để thức ăn rơi xuống đáy lồng. Lượng thức ăn cho ăn tuỳ thuộc vào trọng lượng cá, cá nhỏ thức ăn bằng 10% trọng lượng thân, cá lớn thức ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, khi thời tiết, môi trường có sự thay đổi hoặc cá bị nhiễm bệnh cá sẽ giảm ăn vì vậy căn cứ vào tình hình hiện tại để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Định kỳ 10 ngày sử dụng vitamin C và khoáng trộn vào thức ăn cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày, để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá nuôi.
2. Quản lý lồng và môi trường nuôi
Sau một thời gian nuôi khoảng 1 tháng, lưới lồng sẽ bị các sinh vật biển bám và phá như hàu, vẹm, thủy tức, rong biển…Điều này làm hạn chế dòng chảy qua lồng, giảm lượng oxy cung cấp, tăng mầm bệnh ký sinh và dễ làm sây sát cá nuôi. Khi đó nếu kết hợp với một số nguyên nhân khác như môi trường biến động, sức khỏe cá giảm sẽ dễ làm cá nhiễm bệnh. Vì vậy nên thường xuyên cọ rữa lưới và định kỳ 1 –2 tháng thay lưới một lần.
Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng đề phòng lồng bị hư hỏng. Định kỳ phân cỡ cá nuôi và điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp, theo dõi phát hiện bệnh kịp thời để xử lý có hiệu quả.
Định kỳ đo các chỉ tiêu môi trường nước (oxy, pH, nhiệt độ, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi môi trường thay đổi xấu như nước phát sáng, nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh tiến hành treo trong lồng túi thuốc tím, để phòng bệnh cho cá.
V. Phòng và trị một số bệnh thường gặp trên cá mú
Sau thời gian nuôi 09 – 10 tháng, trọng lượng đạt trung bình 0.8 – 1kg/con thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ một lần, thao tác nhẹ nhàng tránh làm cá bị xây xác.
1. Phòng Bệnh:
Việc phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu trong nghề nuôi thủy sản nói chung và nghề nuôi cá nói riêng, nhất là đối với những loài ăn thức ăn tươi như cá mú. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Cần làm tốt những việc sau:
– Chọn vị trí cẩn thận.
– Cá giống khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không dị hình dị tật.
– Thường xuyên theo dõi, chăm sóc cá nuôi để chuẩn đoán tình trạng sức khoẻ cá.
– Mật độ thả nuôi vừa phải, không thả quá dày.
– Không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu, thức ăn phải tươi, không có mầm bệnh.
– Loại bỏ cá chết ra khỏi lồng và tiêu hủy.
– Ngăn ngừa đich hại và vệ sinh dụng cụ thường xuyên.
2. Trị bệnh:
2.1. Bệnh giáp xác ký sinh:
Bệnh này thường chủ yếu do giống Nerocila thuộc giáp xác chân đều gây ra. Chúng thường bám ký sinh vào mang cá và gây ra hoại tử, mang trở nên màu nâu.
Xử lý bệnh bằng cách dùng dung dịch formol liều lượng 200 ml/m3 tắm cho cá từ 30 – 60 phút và sục khí mạnh đồng thời phun lên lưới lồng để vệ sinh lưới.
2.2. Bênh giun dẹp
Giun dẹp xuất hiện và ký sinh trên mang cá làm mang dần bị tổn thương và chuyển thành màu trắng nhạt, tiết nhiều chất nhày, cá bệnh thường tìm đến nơi có dòng chảy mạnh và hô hấp nhanh.
Xử lý bệnh bằng cách dùng formol 200 ml/m3 từ 30 – 60 phút và sục khí mạnh hoặc tắm trong nước ngọt từ 30 – 60 phút.
2.3. Bệnh động vật nguyên sinh
Nguyên nhân: do nguyên sinh động vật ký sinh làm tổn thương da, vẩy và mang. Ngoài cách xử lý và tắm cá như bệnh trên, có thể dùng Zeocut sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
2.4. Bệnh do vi khuẩn
Nguyên nhân: do nhóm Vibrio… gây ra.
Dấu hiệu của bệnh là cá bị xuất huyết, sưng tấy da và gây lở loét.
Trị bệnh bằng cách dùng Oxytetracyline 2-3g trộn vào 1kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày hoặc nhốt cá bệnh riêng và bôi thuốc trực tiếp lên vết thương.
Nguồn: Sưu tầm