Là một người dân tộc Sán Dìu, ông Mâu Tiến Lĩnh, ở xóm Làng Ngò, xã An Khánh (Đại Từ, Thái Nguyên) quyết tâm xây dựng kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Trải qua nhiều lần thất bại nhưng ông không nản lòng, với phẩm chất cần cù, chịu khó cộng với tinh thần ham học hỏi, ông Lĩnh đã gặt hái thành công với mô hình nuôi chim cu gáy sinh sản.
Theo chỉ dẫn của cán bộ xã An Khánh, chúng tôi tìm về gia đình ông Lĩnh “cu gáy”. Ông Lĩnh bắt đầu câu chuyện làm giàu của mình bằng việc dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi cu gáy, chỉ rõ đặc tính từng con một. Ông kể: Năm 2001, tôi bắt đầu nuôi chim cu gáy như một thú vui tao nhã. Sau những lần tham gia Hội thi chim tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, tôi nhận thấy nhu cầu nuôi chim cu gáy cảnh đang được nhiều người ưa chuộng nên bắt tay vào làm luôn. Theo ông Lĩnh: “Cu gáy là loài chim có nguồn gốc hoang dã, ai cũng có thể nuôi được. Ngoài ra, chuồng nuôi chim cũng khá đơn sơ, chỉ cần dùng lưới sắt vây thành những ngăn nhỏ, mỗi ngăn nuôi một đôi, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ hoặc chất xơ từ cây cối để làm chỗ cho chim mẹ đẻ.”
Thông thường, bình quân mỗi năm một đôi chim đẻ 3 – 4 lứa, mỗi lứa 2 quả trứng. Hiện gia đình ông Lĩnh có khoảng 200 đôi chim bố mẹ chuyên sinh sản. Trong đó có khoảng 70% tự đẻ và ấp, còn lại khoảng 30% việc ấp trứng phải nhờ giống chim cu gáy của Nhật. Hiện, mỗi con chim cu gáy ta sau khi nở từ 15 – 20 ngày, biết mổ, có giá bán từ 250 nghìn đồng trở lên, chim trưởng thành có giá khoảng 700 – 800 đồng/con. Với 200 cặp chim bố mẹ, gia đình ông Linh thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có thêm thu nhập từ những con chim đẹp, hót hay, thậm chí có con ông bán với giá trên 20 triệu đồng. Theo ông nuôi chim cu gáy sinh sản, khó nhất là lúc ghép đôi, vì khi bắt đầu vào thời kỳ làm tổ, chúng thường xuyên đánh nhau, nhưng nếu chịu khó quan sát và để ý thì việc ghép đôi vẫn thành công. Thông thường, sau khi nuôi khoảng 7 tháng, chim cu gáy ta bắt đầu đẻ trứng, nếu được chăm sóc tốt thì chúng sinh sản gần như quanh năm.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người thấy mô hình nuôi chim cu gáy của ông Lĩnh cho hiệu quả kinh tế cao đã tìm đến mua con giống, học hỏi kinh nghiệm. Giờ đây, ông đã trở thành nhà cung cấp chim giống cho những người sành chơi chim cu gáy cảnh ở các tỉnh: Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Bắc ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc… Với mức thu nhập ổn định từ nuôi chim cu gáy sinh sản đem lại, mô hình kinh tế của ông Lĩnh là một hướng đi mới, rất có tiềm năng để phát triển.