Liên kết để phát triển chăn nuôi

Thành lập từ năm 2010 với 16 thành viên, Câu lạc bộ (CLB) liên kết chăn nuôi lợn xã Na Mao (Đại Từ, Thái Nguyên) có mục tiêu trở thành cầu nối giúp nông dân địa phương chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay, CLB đã thu hút 31 hộ dân (có 4 hộ không thuộc xã Na Mao) tham gia, trong đó phần lớn hộ dân đều chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại.

Anh Đặng Minh Tú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Mao, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Trước đây, hầu hết các gia đình trong xã đều chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Cách thức này khiến người dân chưa chú trọng đến công tác tiêm phòng, hạn chế trong khâu tiêu thụ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và hiệu quả kinh tế thấp. Với mục đích tạo cơ hội để các hộ chăn nuôi chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, thị trường, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình chăn nuôi, năm 2010, Hội Nông dân xã đã thành lập CLB liên kết chăn nuôi lợn”.

Liên kết để phát triển chăn nuôi - img5401 1

Trang trại nuôi lợn của gia đình chị Nông Thị Thu, xóm Chính Tắc, xã Na Mao (Đại Từ) có quy mô 100 con lợn nái và trên 600 con lợn thịt.

Khi mới thành lập, CLB có 16 thành viên là những người có cùng sở thích và đang nuôi lợn. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nội dung tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, thông tin về giá cả thị trường, con giống, thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt, trong một số buổi sinh hoạt, CLB đã phối hợp với các công ty thức ăn chăn nuôi và các cán bộ, kỹ sư về nông nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chọn con giống, phương pháp chăn nuôi công nghiệp, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh…

Để chủ động con giống, hạn chế dịch bệnh do mua con giống trôi nổi trên thị trường, ngay từ khi hoạt động, CLB đã vận động hội viên tập trung nuôi lợn nái sinh sản. Bên cạnh đó, CLB còn liên hệ với các công ty, nhà máy chế biến thức ăn gia súc để ký hợp đồng cung cấp thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn nhằm giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, để tránh tình trạng bị ép giá, vào thời điểm lợn chuẩn bị xuất chuồng, CLB chủ động liên hệ với các trang trại trong và ngoài tỉnh nắm bắt thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Ban chủ nhiệm CLB cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra vệ sinh dịch tễ chuồng trại, đầu lợn tại từng gia đình, vận động các thành viên chấp hành đầy đủ công tác tiêm phòng cho đàn lợn, tiêu độc khử trùng trong và ngoài chuồng trại theo quy định. Nhờ vậy, từ khi CLB đi vào hoạt động đến nay, trên địa bàn xã chưa xảy ra đợt dịch bệnh nào đối với lợn.

Bằng cách làm đó, sau một số năm tham gia CLB, các hội viên đều có thu nhập khá, mạnh dạn xây mới, cải tạo lại hệ thống chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Chị Nông Thị Thu, ở xóm Chính Tắc, xã Na Mao là một trong những thành viên hăng hái, dẫn đầu phong trào nuôi lợn tập trung. Chị Thu cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn với phương thức truyền thống nên không có hiệu quả, lợn thường bị bệnh, chi phí thức ăn cao. Sau một thời gian, tham gia CLB, được tập huấn, hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên, gia đình tôi đã quyết định mở rộng quy mô chuồng trại. Hiện tại, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình tôi đã phát triển với quy mô 100 con lợn nái và trên 600con lợn thịt, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm”. Chị cũng chia sẻ thêm: “Chăn nuôi lợn với quy mô lớn phải thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện về kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại phải bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát. Trong chăn nuôi, công tác thú y, vệ sinh phòng dịch là việc quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay phá sản một trại chăn nuôi, ngoài ra với việc nuôi lợn nái thì nguồn thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để lợn chóng lớn và sinh sản tốt”.

Sau 6 năm hoạt động, đến nay, CLB liên kết chăn nuôi lợn xã Na Mao đã thu hút 31 hộ dân trên địa bàn trong và ngoài xã tham gia (trong đó có 4 hộ ở ngoài xã). Đa số các hộ đều mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, trong đó có 14 hộ gia đình nuôi từ 40 – 100 con lợn nái, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình ông Đỗ Ngọc Dũng, xóm Cây Lai, quy mô 90 con lợn nái, 500 đầu lợn thịt; mô hình của gia đình ông Đỗ Ngọc Quyết, xóm Cây Lai, với 50 lợn nái, 300 lợn thịt… Các hộ còn lại đều duy trì với mức 20-40 con lợn nái. Dự kiến trong thời gian tới, CLB sẽ mở rộng quy mô thành hợp tác xã để hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Thảo luận cho bài: Liên kết để phát triển chăn nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *