Mô hình làm giàu bằng trồng mít Chan rai

Là người tiên phong đưa giống mít Chan rai vào trồng ở vùng đất đồi núi xã Sông Phan (Hàm Tân). Hai năm qua vườn mít 1.200 cây của ông Võ Văn Hiếu (48 tuổi) đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình.

Mô hình làm giàu bằng trồng mít Chan rai - 5704861983ea3

Ông Võ Văn Hiếu với vườn mít Chan rai vùng đất đồi núi Sông Phan.

Năm 2012, qua tìm hiểu các thông tin trên báo chí, ông Hiếu biết được giống mít Chan rai phù hợp với nhiều vùng đất ở Bình Thuận, nên mạnh dạn đầu tư để trồng giống mít mới này.

Đầu năm 2013, ông Hiếu khăn gói xuống tận nhà vườn ở Tiền Giang để đặt mua 1.200 cây mít Chan rai ghép (với giá 12.000 đồng/cây tại vườn) về trồng trên diện tích gần 2 ha đất đồi núi ở xã Sông Phan.

Theo ông Hiếu: “Giống mít Chan rai rất dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, lại chịu hạn tốt hơn các giống cây ăn trái khác, nên khi trồng ở vùng đất triền đồi khá phù hợp, không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, khi trồng khoảng cách chừng 3m một cây và hàng cách hàng cũng 3m. Sau thời gian trồng 8 tháng cây cho trái, nhưng không để trái đến khi cây hơn 16 tháng tuổi mới để trái là phù hợp. Mỗi năm chỉ bón hai đợt phân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Trong quá trình cây phát triển chỉ cần cắt tỉa bớt nhánh, xịt thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa sâu bệnh”.

Qua thực tế thu hoạch hai đợt trái, ông Hiếu cho biết, mít Chan rai có nhiều ưu điểm: Trước hết vốn đầu tư ban đầu cũng như công chăm sóc ít, cây cho trái quanh năm, trọng lượng trái từ 5kg trở lên, bình quân cây trưởng thành ra nhiều trái trong năm. Với ưu thế cây cho nhiều trái, mỗi trái chất lượng múi nhiều, khi chín ăn rất ngọt, hương vị thơm dịu nhẹ lại ít mủ, người tiêu dùng rất thích.

Đến nay vườn mít 1.200 cây đã cho thu hoạch hai mùa. Năm đầu tiên do cây mít còn nhỏ, ông chỉ thu trái chiến được hơn 40 triệu đồng. Từ cuối năm 2015 đến nay, ông thu đợt trái tiếp theo hơn 60 triệu đồng, hiện đang thu hoạch đến cuối tháng 4 mới hết đợt trái.

Với giống mít có nhiều ưu điểm vượt trội, thương lái tìm đến tận vườn thu mua với giá từ 12.000 đến 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Không chỉ bán cho thương lái thu mua tại vườn, nhiều người tiêu dùng trong tỉnh biết đến chất lượng mít Chan rai cũng gọi điện thoại ông Hiếu để đặt mua. Ngoài địa bàn tỉnh Bình Thuận, ông Hiếu còn tiêu thụ tại các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và ra tận các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

“Với vùng đất đồi triền núi, việc sản xuất còn nhiều khó khăn, nhưng với cách làm của ông Hiếu thì ai xem qua cũng phải khâm phục”, ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Sông Phan cho biết.

Những người dân muốn học hỏi và trồng giống mít Chan rai, ông Hiếu sẵn lòng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Mô hình làm giàu bằng trồng mít Chan rai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *