Dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột là một loại dừa thuộc dạng quý hiếm, chỉ có ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Trong những năm qua, do không được chăm sóc đúng kỹ thuật cũng như cách nhân giống, nên loại dừa này bị thoái hóa, tỉ lệ sáp thấp và có nguy cơ bị xóa sổ. Trước thực trạng này, các nhà khoa học đã cùng nông dân xây dựng mô hình nông dân trồng dừa sáp ở xã Hòa Tân.
Theo kinh nghiệm của một số hộ nông dân, muốn dừa sáp cho hiệu quả cao, nên trồng chuyên canh và bố trí trồng giao tán, thì qua quá trình thụ phấn chéo tỉ lệ đặc ruột sẽ đạt cao. Để cây dừa sáp ngày một phát triển mạnh, mới đây Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã thực hiện thử nghiệm thành công nhân giống dừa sáp bằng biện pháp “phôi giống”. Đó là, sử dụng phôi của dừa đặc ruột để nhân giống.
Sau khi nhân giống tỉ lệ đặc ruột sẽ đạt 100%. Hiện đã đưa về trồng thử nghiệm ở địa phương. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho giống dừa quí hiếm này phát triển, Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu đã thực hiện một dự án khôi phục dừa sáp ở địa phương trên diện tích 6 ha và mới đây Sở khoa học và công nghệ Trà Vinh cũng đã thực hiện trồng 50 ha dừa sáp ở 3 ấp: Chông Nô I, Chông Nô II và Chông Nô III ở xã Hòa Tân, hiện dự án đã triển khai cho nông dân trồng được 15 ha.
Để đảm bảo chất lượng dừa giống cho các hộ nông dân, địa phương đã giao cho hộ anh Thạch Pu Mi, dân tộc Khmer, thực hiện nhân giống thông qua chuyển giao kỹ thuật của Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu, đến nay anh đã chuyển giao cho nông dân trồng được trên 3.400 cây dừa sáp.
Anh Thạch Pu Mi cho biết: “Muốn ươm giống dừa sáp đạt hiệu quả, trước hết phải chọn giống tốt, khi chọn trái giống là trái không sáp trong buồng dừa sáp, sau đó đạt mặt (vạc đầu quả dừa), rồi để vào trong một bao có đựng phân chuồng, tạo độ ẩm khoảng 2 tháng thì dừa sẽ đâm chồi, để cho đến khi cây phát triển mạnh thì đem trồng”.
Nguồn: Sưu tầm