Mô hình nhân giống cây thủy tùng

GS.TS. Võ Đại Hải, GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Viện đã chỉ đạo các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật giâm hom, đồng thời tiến hành trồng thử nghiệm hơn 200 cây con thủy tùng…

Mô hình nhân giống cây thủy tùng - thuy tung sap thoat canh tuyet chung tai viet nam 1 640x479

Giâm hom thủy tùng trong vườn ươm tại Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ còn 161 cá thể thủy tùng trong tự nhiên thuộc hai quần thể nhỏ tại tỉnh Đăk Lăk. Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao không chỉ vì số cá thể còn lại rất ít, áp lực từ các yếu tố kinh tế, xã hội, mà còn do loài cây này rất khó tái sinh tự nhiên và phục hồi nhân tạo. Nghiên cứu giai đoạn đầu vào những năm 1990 đã cho thấy rõ điều đó.

Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis K.Koch) là loài thực vật quý hiếm, chỉ phân bố rất hẹp ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Do có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường nên thủy tùng được xếp vào nhóm IA theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/3/2006 và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 với cấp độ E – đang nguy cấp.

Trước nhu cầu bảo tồn cấp bách của thủy tùng, ngay từ những năm 2000, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã tiến hành nhiều nghiên cứu về nhân giống thủy tùng trong khuôn khổ nhiệm vụ quỹ gen cấp Quốc gia “Bảo tồn nguồn gen cây rừng”.

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh thủy tùng ở Đăk Lăk, rất nhiều kỹ thuật nhân giống vô tính đã được thử nghiệm như chiết cành, ghép chồi trên rễ thở, nuôi cấy mô và giâm hom. Tuy nhiên, đến nay chỉ có phương pháp giâm hom, sau rất nhiều thất bại, đã bước đầu thành công, tạo ra hàng loạt cây con thủy tùng trong vườn ươm.

Theo KS Nguyễn Như Hiến, Trưởng nhóm nghiên cứu, hầu hết các cây thủy tùng còn lại trong tự nhiên đều đã già cỗi, sức sinh trưởng kém, cành nhánh thưa thớt nên việc thu hái hom phù hợp cho giâm hom rất khó khăn. Qua nhiều năm miệt mài, thực hiện nhiều thí nghiệm, kỹ thuật tác động khác nhau,… nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả rất khả quan.

Tỷ lệ hom thủy tùng ra rễ đã đạt khoảng 20 – 30%, thí nghiệm tốt nhất có tỷ lệ ra rễ đạt tới 67%, ngay cả loại hom già (hom đã hóa gỗ mạnh) cũng có tỷ lệ ra rễ khoảng 10%. Cây con thủy tùng được tạo ra từ giâm hom sinh trưởng và phát triển tốt trong vườn ươm, sau 1 năm đạt chiều cao từ 1,0 – 1,2m. Từ cuối năm 2015, nhóm nghiên cứu đã nhân giống được khoảng 1.000 cây, trong đó có hơn 200 cây con thủy tùng đã đủ điều kiện đem trồng.

TS.Ngô Văn Cầm, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, trong suốt thời gian qua nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu này rất hạn chế, chủ yếu phải sử dụng nguồn kinh phí tự có của Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới nên việc tiếp tục triển khai nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.

GS.TS. Võ Đại Hải, GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Viện đã chỉ đạo các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật giâm hom, đồng thời tiến hành trồng thử nghiệm hơn 200 cây con thủy tùng tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh thủy tùng tại Đăk Lăk và tại Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Kon Hà Nừng (Gia Lai), nơi có điều kiện sinh thái tương tự để theo dõi, đánh giá sự phát triển của chúng trong môi trường tự nhiên.

Mô hình nhân giống cây thủy tùng - mo hinh nhan giong cay thuy tung

Theo GS.TS Võ Đại Hải: “Kết quả nghiên cứu đạt được tại Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới đã mở ra triển vọng to lớn cho việc bảo tồn thành công cây Thủy tùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có sự say mê và lòng nhiệt huyết của các nhà khoa học là không đủ, để ra được giải pháp cuối cùng rất cần sự quan tâm hỗ trợ về tài chính của Nhà nước”.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Mô hình nhân giống cây thủy tùng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *