Từ bỏ công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở TP.HCM, Lê Ngọc Tuyền (28 tuổi) lên Đà Lạt nuôi trồng nhộng trùng thảo và đã thành công.
Lê Ngọc Tuyền và sản phẩm nhộng trùng thảo – Ảnh: G.B
Năm 2006, chàng trai Lê Ngọc Tuyền rời Biên Hòa – Đồng Nai để lên TP.HCM học đại học ngành công nghệ thông tin ở ĐHQG TP.HCM. Ra trường, Tuyền xin đi làm ở một số công ty tại TP.HCM. “Thời gian này tôi về nhà thấy bố mẹ dùng viên đông trùng hạ thảo của Hàn Quốc để bồi bổ sức khỏe mang lại hiệu quả tốt. Tò mò không biết viên này là viên gì nên tôi bắt đầu tìm hiểu và cảm thấy rất thích. Từ đó, tôi suy nghĩ người ta làm được thì có thể mình cũng làm được. Hơn nữa, mình cũng muốn làm cái gì đó để đột phá phát triển, chứ chẳng lẽ cứ đi làm công tà tà mãi thế này sao. Nghĩ vậy, tôi đi đến một số nơi để tìm hiểu, nghiên cứu và thấy Đà Lạt có khí hậu phù hợp để nuôi trồng loại này. Năm 2013, tôi bỏ việc ở TP.HCM và lên Đà Lạt tính kế lập nghiệp”, Tuyền kể lại.
Lên Đà Lạt, ban đầu Tuyền thuê một nhà trọ trên đường Triệu Việt Vương (P.4, TP.Đà Lạt) để tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm. “Thấy vậy nhưng không ngờ bắt tay vào làm thì khó vô cùng, hư lên hỏng xuống mãi. Qua nghiên cứu, thấy việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo khó khăn hơn nên tôi chọn nuôi trồng nhộng trùng thảo. Cũng may, tôi gặp được một số chuyên gia trong lĩnh vực này chỉ dẫn thêm, nên sau một năm đã hoàn thành quy trình sản xuất cho riêng mình.
Nuôi trồng đông trùng hạ thảo là cấy cây nấm phát triển ký sinh trên con sâu và phải từ mùa đông sang đến mùa hạ mới thu hoạch. Còn nuôi trồng nhộng trùng thảo là cấy cây nấm phát triển ký sinh trên con nhộng và chỉ khoảng 3 tháng là xong một quy trình”, Tuyền nói và cho biết nhộng trùng thảo có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường miễn dịch, chống ung thư, giảm cholesterol, chống xơ vữa động mạch, kháng viêm, tăng cường sinh lực… dễ sử dụng lại không có tác dụng phụ.
Đến năm 2015, khi đã có kỹ thuật vững chắc, có kinh nghiệm, sản phẩm làm ra ổn định, Tuyền mang sản phẩm tới Viện Y tế công cộng TP.HCM kiểm tra dược chất và cho kết quả đạt yêu cầu. Đồng thời, anh mở showroom giới thiệu, bán sản phẩm (ở đường Mai Anh Đào, P.8, TP.Đà Lạt) và mở thêm cơ sở sản xuất theo quy trình khép kín ở P.9 (TP.Đà Lạt).
Tháng 1.2016, Tuyền “lên đời” thành lập Công ty TNHH một thành viên Mộc Linh An và đi vào kinh doanh ổn định. Bình quân 1 lọ nhộng trùng thảo có 25 – 30 cây nấm được Tuyền bán giá 600.000 đồng; khoảng 40 lọ sẽ được 1 kg nấm tươi và nếu sấy khô sẽ bán với giá 150 triệu đồng/kg. Ngoài ra, Tuyền cũng bán giống nhộng trùng thảo với giá 90.000 đồng/lọ, khách mua giống sẽ được hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật nuôi trồng. “Cũng là giống nấm nhưng khác biệt hay hơn thua nằm ở kỹ thuật nuôi trồng, bởi 2/3 quy trình làm nấm đều giống nhau, cuối cùng và quan trọng nhất là khâu xử lý nấm. Hơn nữa, quá trình nuôi trồng đòi hỏi nhiệt độ phải ổn định từ 20 – 210C, ánh sáng từ 60 – 70% và độ ẩm giữ ở mức 80%. Nếu sáng quá thì cây xuống sức và ngược lại, tối quá thì cây kém phát triển”, Tuyền chia sẻ.
“Nhộng trùng thảo rất dễ sử dụng, chỉ cần ngắt cây nấm ra rồi ngâm với mật ong, hoặc ngâm rượu hay pha trà, hoặc có thể nấu cháo, hầm với gà, vịt đều dùng được. Nếu để nhộng trùng thảo vào tủ lạnh thì có thể bảo quản được 2 tháng, còn sấy khô có thể bảo quản cả năm. Đến nay, sản phẩm của tôi đã được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong nước”, Tuyền cho biết thêm.
Nguồn: Sưu tầm