Mô hình trồng cây mãng cầu xiêm

Những ngày này, đi đến xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), đâu đâu cũng thấy màu xanh bạt ngàn của những vườn mãng cầu xiêm.

Đây được xem là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả tại vùng đất phèn mặn. Và người tiên phong trong phong trào trồng mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát tại đây là ông Lê Văn Vui.

30 năm gắn bó với cây mãng cầu xiêm

Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Vui ra riêng với 6 công vườn và 5 công ruộng. Thời đó, khu vực này nhiễm phèn mặn, đất vườn toàn cây tạp, đất ruộng mỗi năm làm 1 vụ lúa mùa, năng suất bấp bênh nên cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, vợ chồng ông ngoài làm thuê kiếm sống còn tìm cách cải tạo vườn tạp, trồng cây và chăn nuôi.

Mô hình trồng cây mãng cầu xiêm - lao nong bat dat phen de tien ty

Cây mãng cầu xiêm đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông Vui. Ảnh: Chúc Ly

Nhiều năm liền, ông Vui giữ vững danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Trong năm 2015, ông còn danh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước khen tặng. Năm 2016, ông được Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.

Ông Vui cho hay: “Tính ra tôi đã gắn bó với cây mãng cầu xiêm gần 30 năm, năm 1976, tôi đã có trồng cây mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát nhưng diện tích chưa lớn. Vài năm sau đó lại phá đi một phần để trồng mía, tuy nhiên về sau thấy cây mía không hiệu quả, trong khi mãng cầu xiêm ngày càng phát triển, tôi quyết gắn bó với loại cây này đến nay”.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mãng cầu xiêm phát triển xanh tốt, ông Vui cho biết: “Hiện nay tôi có 1,3ha đất với khoảng 1.200 gốc mãng cầu xiêm, trong đó có 1.000 gốc đang cho trái. Đối với cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát, từ lúc trồng đến cho trái khoảng 2,5 năm. Đây là loại cây chịu được phèn mặn cao, lại chịu được nắng nóng và nước ngập, tuổi thọ lại cao, có khi lên đến 40-50 năm nên rất thích hợp với vùng đất này”.

“Cây mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát rất dễ sống, tuy nhiên công chăm sóc lớn và người trồng phải thật tỉ mỉ ở giai đoạn chấm phấn cho hoa. Giai đoạn này phải làm thủ công toàn bộ mới cho hiệu quả, tỷ lệ đậu trái khoảng 80%. Cây từ 4 năm tuổi phải tiến hành tỉa cành, cắt đọt, không cho phát triển chiều cao để không ảnh hưởng đến năng suất cho trái. Đến năm thứ 5, cây bắt đầu cho trái nhiều nhất, cao nhất có thể đạt 250kg/cây/năm, trung bình khoảng 150kg/cây/năm” – ông Vui chia sẻ kinh nghiệm.

Thu tiền tỷ mỗi năm

Hiện tại, với 1.000 gốc mãng cầu xiêm đang cho trái ổn định, với phương pháp để trái rải vụ quanh năm, gia đình ông Vui thu về khoảng 27 tấn trái/năm.

“Làm rải vụ sẽ hạn chế rủi ro hơn để trái tập trung, vì ở mỗi thời điểm giá cả sẽ có sự biến động nhất định. Từ khoảng 3 năm nay, giá mãng cầu xiêm luôn ở mức từ 20.000-30.000 đồng;/kg. Hơn nữa, trồng mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát có chi phí rất thấp, chỉ khoảng 10% nên thu được lợi nhuận khá cao, trung bình tôi thu khoảng 500 triệu đồng/năm” – ông Vui bộc bạch.

Riêng về thị trường tiêu thụ, những năm qua, đầu ra trái mãng cầu xiêm khá rộng và ổn định. Thương lái trong và ngoài địa phương vào thu mua tận vườn, sau đó được chở về các tỉnh, thành phố lớn để tiêu thụ.

Ngoài tập trung vào canh tác cây mãng cầu xiêm, ông Vui mua thêm đất và mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, ông đã có 4,6ha đất ruộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ông còn tận dụng phụ phẩm từ trồng lúa để nấu rượu, nuôi lợn, trồng nấm rơm.

Khoảng 2 năm trở lại đây, khi đã tích lũy được đồng vốn kha khá ông Vui còn mở rộng nuôi khoảng 180 con lợn, (mỗi năm xuất bán khoảng 3 tấn lợn thịt, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm).

Hiện ông đang phát triển nhân giống mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát, ông cho biết mỗi năm đã bán được khoảng 6-7.000 cây, với giá 20.000 đồng/cây.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Vui còn luôn chia sẻ, giúp đỡ hội viên, nông dân lân cận. Bà con trong xóm muốn nhân rộng mô hình, ông đều nhiệt tình giúp đỡ, ai cần vốn, cây giống ông giúp vốn, cây giống và  sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Mô hình trồng cây mãng cầu xiêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *