Mô hình trồng cây ngưu tất

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, đi dọc các tuyến đường của xã Thống Nhất (Hưng Hà), chúng tôi mới cảm nhận hết được diện mạo mới, sức sống căng tràn của một địa phương vừa về đích nông thôn mới. Cùng với đó là những cánh đồng trồng ngưu tất xanh tươi, mỡ màng, cho người dân nơi đây tăng nguồn thu nhập để đón xuân mới thêm phấn khởi.

Mô hình trồng cây ngưu tất - 5693c6dfd1800

Gia đình bà Hoàng Thị Bé thu lãi gần 30 triệu đồng từ trồng cây ngưu tất.

Ngưu tất là loại cây dược liệu lấy củ, có rất nhiều công dụng như trị cổ họng sưng đau, chấn thương tụ máu, viêm khớp, trừ cơn sốt… Cây đã bén rễ trên đất Thống Nhất hơn 30 năm, trở thành cây trồng không thể thiếu trong mỗi vụ đông, mang lại no ấm cho người dân. Theo nhận xét của nhiều người, ngưu tất dễ trồng, sinh trưởng, phát triển mạnh; chi phí đầu tưthấp, 1kg hạt giống (giá dao động khoảng 60.000 đồng) gieo được 2 sào, công chăm bón cũng không nhiều, khi thu hoạch cho lãi cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Mỗi đợt thu hoạch ngưu tất khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, từng đoàn xe tải lớn nhỏ của thương lái từ Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội… lại nối đuôi nhau về tận ruộng thu mua, có thời điểm cung không đủ cầu.

Thoăn thoắt nhổ cỏ trên luống ngưu tất xanh mướt, bà Hoàng Thị Bé ở thôn An Mai chia sẻ: Hơn 20 năm nay, vụ đông nào gia đình tôi cũng trồng hơn 3 sào ngưu tất. Vụ đông năm 2014, một sào ngưu tất của gia đình tôi cho thu hoạch khoảng 5 tạ củ, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/sào, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi hơn 6 triệu đồng/sào. Kết thúc thu hoạch, gia đình tôi cầm chắc gần 30 triệu đồng. Nếu so với cấy lúa, tôi thấy năng suất và giá trị kinh tế từ cây ngưu tất cao hơn nhiều. Tết nào ông xã và các con tôi cũng ra ruộng, tỷ mỷ chọn ra 30 gốc ngưu tất thân mập, khỏe và đẹp nhất, đánh vào chậu hoa sứ đặt trong nhà, vừa thẩm mỹ vừa tạo cảm giác phú quý, tài lộc.

Cũng trên cánh đồng thôn An Mai, chị Nguyễn Thị Lượn phấn khởi cho biết: Gia đình tôi duy trì trồng hơn 2 sào ngưu tất, hiệu quả kinh tế cây trồng này mang lại đã được khẳng định qua nhiều năm. Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, nhờ trồng ngưu tất nên gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống dần vơi bớt những khó khăn, có điều kiện sắm sửa đồ dùng, sửa sang nhà cửa và nuôi các con ăn học. Trung bình một sào ngưu tất của gia đình chị Lượn cho thu hoạch khoảng 6 tạ củ, thu lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ. Không chỉ bà Bé, chị Lượn có thu nhập hàng chục triệu đồng từ trồng cây ngưu tất, rất nhiều gia đình khác trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ loại cây trồng này.

Ông Phạm Ngọc Đại, Chủ nhiệm HTX DVNN xã, ông cho biết: Vụ đông năm 2015, diện tích trồng cây ngưu tất trong xã hơn 60ha, tập trung chủ yếu ở 3 thôn An Mai, An Khoái, An Đình, trong đó thôn An Mai trồng gần 30ha. Để việc trồng, chăm sóc và thu hoạch ngưu tất diễn ra thuận lợi, ngay từ khi xây dựng đề án sản xuất, HTX luôn xác định ngưu tất là cây trồng chủ lực của địa phương, có tính quyết định thắng lợi sản xuất vụ đông. Trên cơ sở đó, HTX đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc người dân thu hoạch lúa mùa nhanh gọn, tiến hành làm đất đồng loạt, đại trà.

Thời vụ gieo trồng tốt nhất từ ngày 15/10 – 15/11, sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch. Trước khi tiến hành gieo hạt, ruộng phải được cày bừa, đập đất thật kỹ, có độ tơi xốp nhất định; lên luống cao trên 0,4m; bón lót phân chuồng vào lưng chừng luống. Gieo hạt xong, hàng ngày cần tưới nước cho hạt nhanh nảy mầm, làm cỏ và vệ sinh đồng ruộng. Khi cây mọc lên phải hạn chế tưới mặt, nên bơm nước vào rãnh để cây lấy nước nuôi củ thẳng, dài. Khi cây ra tán, phải tỉa bớt những nơi quá dày; khi cây sinh trưởng mạnh, phải cắt ngọn để dinh dưỡng tập trung nuôi củ.

Đến khi cây có nhiều lá vàng, lá gốc rụng dần, rễ mập, củ dài từ 20 – 30cm tiến hành thu hoạch, cắt bỏ phần lá và cành. Bên cạnh công tác tuyên truyền lịch thời vụ, hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, HTX còn tạo điều kiện về thủy lợi, chỉ đạo các tổ nông giang bơm nước thống nhất, phục vụ đắc lực nước tưới trong vùng sản xuất.

Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh trên cây ngưu tất để người dân nắm thêm kiến thức, phục vụ sản xuất của gia đình. Ông Đại cho biết thêm: Nếu như mọi năm, giá thu mua ngưu tất từ 8.000 – 10.000 đồng/kg thì vụ năm nay, dự kiến giá thu mua sẽ cao hơn, khoảng 15.000 đồng/kg. Trong thời gian tới, HTX sẽ nghiên cứu, tìm những giải pháp thiết thực, tìm đầu ra bền vững và xây dựng thương hiệu ngưu tất riêng của Thống Nhất.

Là cây vụ đông nhưng ngưu tất lại mang đến mùa xuân ấm áp trên miền quê Thống Nhất, không chỉ phát huy công dụng trong y học mà còn giúp bao gia đình nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đón những mùa xuân mới trong yên vui, lộc tài, thịnh vượng.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Mô hình trồng cây ngưu tất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *