Mô hình trồng màu trên đất mặn

Giảm nghèo, đời sống kinh tế ổn định, làm giàu chính đáng là những điều mà tổ hợp tác trồng màu của bà con khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, đã làm được trong thời gian qua.

Tuy là mô hình thí điểm nhưng Tổ hợp tác trồng màu khóm Cái Nai đang mang lại kết quả rất tích cực cho đời sống của bà con Nhân dân. Hiện tại, tổ hợp tác có 19 hộ với diện tích trồng màu 1,2 ha.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Năm Căn Huỳnh Minh Thuỳ cho biết: “Trước đây bà con trồng trọt nhỏ lẻ, chưa đầu tư về kỹ thuật, phân giống. Năm 2014, nhận thấy những tiềm năng của đất nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng Hội Nông dân thị trấn đã vận động, khuyến khích bà con kết hợp thành một tổ hợp tác nhằm nhân rộng và phát triển mô hình cũng như để bà con đoàn kết hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất”.

Mô hình trồng màu trên đất mặn - ca mau thoat ngheo nho trong mau tren dat man 1

Tuy năng suất không bằng những vùng chuyên canh nông nghiệp nhưng mô hình trồng màu của khóm Cái Nai đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của nhiều hộ dân.

Ðể tạo động lực giúp người dân mạnh dạn, yên tâm hơn trong việc đầu tư mô hình, huyện đã hỗ trợ cho bà con trong tổ hợp tác 100 triệu đồng vốn, Hội Nông dân thị trấn đầu tư 1 máy xới trị giá 70 triệu đồng và 100 triệu đồng để bà con mua phân, giống.

Bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, bà con còn được tập huấn về kỹ thuật, giống và phân bónnhằm nâng cao trình độ về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Ông La Văn Mừng, hội viên tổ hợp tác, cho biết: “Bà con trong tổ rất yên tâm về phần kỹ thuật vì đã được tập huấn qua các lớp. Ðiều phấn khởi hơn còn được hỗ trợ một kỹ sư, mỗi khi cây màu có dấu hiệu bệnh thì kỹ sư sẽ đến trực tiếp để tư vấn cho người dân cách điều trị”.

Ông Mừng cho biết thêm: “Gia đình có tất cả 12 công đất, từ khi được khuyến khích và hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đã quy hoạch 4 công trồng màu. Nhờ kỹ thuật trồng trong nhà lưới ít bị sâu bệnh nên rau màu rất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với mức thu nhập ổn định mỗi năm trên 40 triệu đồng, đời sống kinh tế gia đình khởi sắc hơn”.

Vượt qua thử thách, bà con nông dân khóm Cái Nai đã khai thác những lợi thế của địa phương, phát huy tối đa mọi tiềm năng của đất đai, sức lao động, tiền vốn để phát triển mô hình sản xuất hiệu quả. Nhờ sự cần cù chịu khó cùng sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp hội, mô hình trồng màu của Tổ hợp tác khóm Cái Nai đã vực dậy được đời sống kinh tế của nhiều gia đình, có hộ đã vươn lên thoát nghèo. Theo ước tính của ông Thuỳ, mỗi hộ thu về trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Gia đình chú Trần Văn Sáng, ở khóm Cái Nai, là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tổ hợp tác. Chú Sáng chia sẻ: “Ban đầu gia đình chỉ trồng đơn giản theo kinh nghiệm, nhưng từ khi được Hội Nông dân thị trấn hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, bắt đầu làm nhà lưới trồng rau hạn chế được rất nhiều loại sâu bệnh. Nhờ có máy xới của hội hỗ trợ nên công việc cải tạo đất cũng đỡ vất vả mà hiệu quả năng suất lại cao hơn nhiều. Với 2 công trồng màu, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu về khoảng 30 triệu đồng”.

Trồng màu trên đất mặn là một việc không hề đơn giản, nhưng nhìn chung ý thức bà con nông dân khóm Cái Nai đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông Thuỳ vẫn trăn trở: “Năm Căn vốn là vùng nước mặn, bà con chủ yếu là nuôi thuỷ sản. Vì vậy để phát triển nông nghiệp là điều rất khó khăn, cần phải đầu tư cải tạo đất, cống giữ nước, phải có kỹ thuật để tránh nhiễm phèn, nhiễm mặn. Trong khi đó, trình độ nhận thức về khoa học – kỹ thuật của bà con nông dân còn hạn chế. Ðiều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của mô hình”.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, ông Thuỳ cho biết, trong thời gian tới, sẽ tăng cường các lớp tập huấn về kỹ thuật cho bà con. Bên cạnh đó sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con có thể vay vốn ưu đãi ở các ngân hàng chính sách, đảm bảo thời gian vay lâu dài để bà con yên tâm đầu tư sản xuất./.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Mô hình trồng màu trên đất mặn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *