Với 3 sào vườn, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Tấn ở thôn Bổng Ðiền Bắc, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư có thu nhập hơn 70 triệu đồng nhờ trồng mướp đắng và xen canh cà chua.
Ông Nguyễn Văn Tấn bên vườn mướp đắng của gia đình.
Ông Tấn quy hoạch làm giàn trồng mướp đắng giống Đài Loan. Đây là giống cho năng suất cao, khoảng 2,5 tấn quả/sào, cao gấp 2 lần so với các giống thông thường mà nhiều nông dân vẫn quen trồng. Với giá bán trên thị trường dao động từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi sào mướp đắng cho giá trị khoảng 17,5 triệu đồng. Như vậy, chỉ với 3 sào vườn, ông Tấn thu về hơn 52 triệu đồng.
Cũng làm giàn, nhiều nông dân trồng mướp đắng chỉ cho thu hoạch trong thời gian hơn 3 tháng nhưng ông Tấn có thể duy trì thu hoạch trong 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10). Chính vì vậy, năng suất mướp đắng của gia đình ông Tấn cao gấp đôi so với nhiều nông hộ khác. Đặc biệt, việc kéo dài thời gian thu hoạch nên mướp đắng của gia đình ông trở thành “hàng độc” trên thị trường vào thời điểm trái vụ. Cũng nhờ thế mà việc tiêu thụ dễ dàng và bán được giá cao. Bí quyết của ông Tấn là ở cách chọn giống tốt và kỹ thuật chăm sóc. Ông Tấn chia sẻ: Để ra nhiều quả thì cây mướp đắng phải có nhiều ngọn, đọt nhánh. Muốn vậy phải cấm ngọn sớm và định kỳ để cho thân phân nhánh. Vì thân cây mướp đắng nhỏ và dài nên ngoài chăm bón đủ phân, nước từ gốc để nuôi thân, tạo quả cần sử dụng thêm phân bónqua lá để cung cấp nhanh dưỡng chất cho cây nuôi quả.
Một sự khác biệt trong mô hình sản xuất của gia đình ông Tấn đó là ông trồng xen cây cà chua cùng với mướp đắng. Ông sử dụng giống cà chua chịu nhiệt và trồng từ trung tuần tháng 11, đến tháng Giêng bắt đầu cho thu hoạch tới hết tháng 4. Đây là khoảng thời gian cây mướp đắng phát triển bám giàn chưa cho quả. Trong khi chờ đến thu hoạch mướp thì gia đình ông vẫn có khoản thu nhập từ cà chua.
Với năng suất đạt từ 6 – 6,5 tạ/sào, giá bán khoảng 11.000 đồng/kg, ông Tấn thu về thêm hơn 20 triệu đồng từ cà chua. Ông Tấn cho biết: Việc trồng cà chua xen mướp đắng không tốn công lao động làm cỏ và chăm sóc. Hai loại cây này không cạnh tranh thức ăn và không gian, khí sinh của nhau, không gây sâu bệnh nên cả hai đều phát triển tốt. Đặc biệt, khi vào mùa hè nắng nóng, cây mướp leo kín giàn, che nắng rất tốt cho cà chua, nhờ đó cây cà chua sinh trưởng khỏe, quả không bị vỡ, không rám nắng, màu sắc đẹp, chất lượng quả cao.
Toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ông Tấn không sử dụng hóa chất độc hại mà sử dụng thuốc vi sinh và dùng phân bón hữu cơ, do đó sản phẩm làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính nông sản sạch nên nhiều người tiêu dùng và thương lái đến tận vườn nhà ông để mua. Hiện nay, ngoài duy trì mô hình trồng mướp đắng xen canh cà chua, ông Tấn còn trồng thêm hoa ly phục vụ tết Nguyên đán. Với diện tích khoảng 1 sào, ông trồng 3.000 cây hoa ly, dự tính cuối năm nay cho thu nhập trên 60 triệu đồng.
Nguồn: Sưu tầm