Mồ hình trồng táo trên đất chua mặn

Những năm gần đây, cây táo đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con phường Bàng La (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) mà còn đem đến một sản phẩm du lịch mới cho đất Cảng.

Mồ hình trồng táo trên đất chua mặn - 56dd2aca19b89

Phân loại táo trước khi bán cho tiểu thương

Trái ngọt trên đất mặn

Ở trên vùng đất ven biển, bao thế hệ người Bàng La suốt đời rát mặt trên đồng muối. Nhưng những năm gần đây, đầu ra quá khó khăn khiến nghề truyền thống này gần như đã chết. Người ta chuyển sang nuôi trồng và buôn bán thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… đủ thứ cây, con. Loay hoay mãi mà vẫn nghèo. Ít năm gần đây, cây táo trở thành cây trồng chủ lực đã giúp kinh tế Bàng La có bước chuyển mình đi lên đáng kể.

Cây táo sinh trưởng tốt và cho quả chất lượng hảo hạng trên vùng đất chua mặn Bàng La khiến chính người dân địa phương cũng ngạc nhiên. Táo Bàng La “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”. Sản vật này ngon có tiếng bởi vị giòn, ngọt thanh, thơm, mọng nước mà hiếm loại táo ở nơi khác có được. Không những thế, táo ở đây còn an toàn, không có thuốc kích thích. Đặc biệt, cây lại sai quả, mỗi cây cho tới 100kg quả/vụ.

Táo Bàng La còn được gọi là táo “muối” vì được trồng trên nền những ruộng muối trước đây, và hầu hết đều do diêm dân chăm sóc.

Mồ hình trồng táo trên đất chua mặn - 56dd2acd8d579

Thu hoạch táo

Vào mùa thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 1 âm lịch, làng trên xóm dưới nhộn nhịp cảnh thu hái, phân loại, bán mua, vận chuyển táo. Táo Bàng La từ hơn chục năm trở lại đây đã trở thành một thứ sản vật ngọt lành mà ít nhà nào ở Hải Phòng lại không thưởng thức hoặc thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Theo ông Cao Văn Bé – Chủ tịch UBND phường Bàng La, đến nay trên địa bàn phường có trên 70ha táo với khoảng 700 hộ dân trồng, sản lượng hàng năm trên một nghìn tấn. Mỗi hộ trồng táo thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Lãnh đạo xã cho biết, cây táo được ông Nguyễn Quang Phát – nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bàng La đưa về trồng tại xóm Đồng Tiến, xã Bàng La (nay là tổ dân phố Đồng Tiến, phường Bàng La) vào khoảng năm 1985.

Những giống táo đầu tiên được trồng ở Bàng La là táo ngọt quả tròn, táo Gia Lộc, táo Thiện Phiến, táo Triều Tiên… được cung cấp từ Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương. Lúc đầu, ông Phát chỉ trồng thử nghiệm một số cây. Thấy cây táo sống tốt lại cho quả ngon, ông nhân giống cho bà con trong làng trồng. Từ năm 1990, cây táo được trồng đại trà ở Bàng La. Bà con cũng đầu tư thử nghiệm trồng nhiều loại giống táo mới có năng suất cao như: Táo Xuân 21, táo Má Đào… Khoảng 10 năm gần đây, người dân Bàng La đã tìm được giống táo lai cho chất lượng và năng suất cao.

Bà Đỗ Thị Thái, chủ hộ trồng táo ở khu Đồng Tiến cho biết, bà trồng hơn 1 mẫu táo với trên 200 gốc, mỗi vụ thu hoạch được hơn 10 tấn quả. Chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện nước khoảng 5-6 triệu đồng/sào. Với giá bán 30 – 40 nghìn đồng/kg, bà thu lãi 30 – 40 triệu đồng/sào, hơn nhiều so với làm muối hay trồng lúa.

Theo những người trồng táo, sau khi thu hoạch xong, từ tháng giêng đến tháng 2 âm lịch thì cắt tỉa cành. Khoảng tháng 3, tháng 4, tiến hành đào rãnh xung quanh, cách gốc khoảng 1 – 1,5m, bón phân chuồng, phân hữu cơ ủ mục, vôi bột, phân lân, sau đó lấp đất để làm nguồn thức ăn cho cây.

Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6, cây ra hoa, lúc này cần sử dụng thuốc vi sinh chống sâu bệnh và rụng quả non. Trong khoảng thời gian cây chưa khép tán từ tháng 2 đến tháng 6, bà con còn tận dụng trồng xen rau màu trong vườn táo. Thời gian dưỡng quả từ tháng 7 đến tháng 10, bón thêm đạm, lân, kali… Định kỳ 5 – 7 ngày phải tưới đẫm cho táo ít nhất một lần. Từ cuối tháng 10 đến tháng 11, cây bắt đầu cho thu hoạch.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung

Thương hiệu táo Bàng La ngày càng được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, đầu ra khá ổn định. Tiểu thương đặt mua cả vườn từ đầu mùa hoặc đặt mua trước từng ngày. Vào mùa thu hoạch, vùng táo Bàng La còn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng thức và mua sản phẩm sạch.

Mồ hình trồng táo trên đất chua mặn - 56dd2ad134269

Táo Bàng La không chỉ ngon mà còn có năng suất cao

Tuy nhiên, nông dân Bàng La vẫn chưa yên tâm “hái” tiền trên những vườn táo trĩu quả. Một trong những khó khăn hiện nay là việc tiêu thoát nước mùa mưa. Táo là giống không chịu được úng, trong khi hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ cho vùng trồng táo.

Hơn nữa, “cái chúng tôi sợ nhất là bão gió. Bàng La là xã ven biển, hứng chịu nhiều ảnh hưởng của giông bão. Năm nào bão muộn, khi táo đã ra hoa, thì sẽ mất mùa táo. Mà những năm gần đây hay có bão muộn, tháng 11 vẫn có bão. Gần đây nhất là năm 2012, bão khiến mất trắng mùa táo, cả làng không được một quả nào, chúng tôi chỉ biết than trời”, một chủ vườn táo ở tổ dân phố Điện Biên, phường Bàng La chia sẻ.

Để phát triển bền vững nghề trồng táo, địa phương đang có định hướng mở rộng diện tích trồng, trong đó, chuyển đổi một số diện tích nuôi trồng thủy sản sang trồng táo. Phường Bàng La đang hướng tới xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên trồng táo với diện tích 100ha. Trước mắt sẽ tập trung xây dựng hạ tầng vùng táo, tiêu thoát nước nội đồng. Đồng thời sẽ đưa các giống táo mới có chất lượng, năng suất cao về trồng tại địa phương và chú trọng tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc táo cho bà con.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Mồ hình trồng táo trên đất chua mặn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *