Hai năm liên tiếp, ông Lê Thành An (15 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đều giành giải Nhất trong cuộc thi “Thi tuyển chất lượng cà phê” do một công ty chuyên về cà phê Arabica của Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Bình quân mỗi gốc cà phê của ông thu lãi đến con số bất ngờ- nửa triệu đồng
Lịch sử giống cà phê “vàng”
Ông Lê Thành An cho biết, loại cà phê đã giúp gia đình ông liên tiếp đứng số 1 trong cuộc thi là cà phê Arabica dòng Bourbon, hay còn gọi là Moka. Giống cà phê này của ông An được di thực từ Pháp về Đà Lạt. Khi đó, ba mẹ ông An mới từ vùng Quảng Nam-Đà Nẵng vào Đà Lạt định cư, trông coi khách sạn cho gia đình bà Trần Thị Thể, một nhà giàu có tại Đà Lạt bấy giờ. Năm 1960, trong một lần sang Pháp chơi, khi trở về nước bà Thể đem theo ít giống cây ăn trái, trong đó có một cây cà phê Arabica dòng Bourbon.
Ông Lê Thành An 2 lần liên tiếp đoạt giải Nhất trong cuộc Thi tuyển chất lượng cà phê của UCC Nhật Bản – UCC châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: D.H
Riêng công đoạn thu hoạch cà phê Bourbon, ông An phải làm rất kỳ công. Nếu các loại cà phê Arabica khác, người trồng chỉ thu hoạch từ 1-2 lần thì gia đình ông An phải thu hoạch tới 2 tháng. Cứ 3 ngày thu hoạch 1 lần và phải lựa chọn những quả chín căng mọng nhưng không chín quá mức để có được những hạt cà phê có chất lượng tốt nhất. |
Cây cà phê duy nhất này được bà Thể tặng cho ba mẹ ông An, đem về trồng tại vườn nhà (chỗ ở của ông An hiện nay). Gặp thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, cây cà phê này phát triển rất nhanh. Vào thời “đỉnh cao”, mỗi năm cây cà phê Bourbon cho thu hoạch tới 150kg quả tươi, nhưng sản lượng không đều, cứ một năm được mùa, năm sau lại mất mùa.
Những năm sau đó, do cây cà phê Bourbon này phát triển to lớn, vươn tán rộng và che khuất tầm nhìn khách sạn của gia đình bà Trần Thị Thể nên ba mẹ ông Lê Thành An đã cắt bỏ ngang cây.
Tuy nhiên, không lâu sau, từ gốc đẻ ra 17 nhánh và vươn lên rất nhanh. Sau năm 1975, đặc biệt là từ năm 1990, cà phê ở Lâm Đồng có giá mạnh khi nhà nước mở cửa nền kinh tế. Xác định có thể làm giàu từ việc trồng cà phê, ông Lê Thành Anh đã nhân giống cây cà phê Arabica dòng Bourbon ra trồng trên diện tích 1ha với khoảng 2.000 gốc. “Thật ra thời điểm đó tôi hoàn toàn không ý thức được cà phê Arabica dòng Bourbon là loại cà phê quý hiếm, cho chất lượng hàng đầu mà chỉ nghĩ nhà mình có giống thì nhân ra trồng cho khỏi phải mua giống thôi”- ông An nói.
Theo ông An, cà phê Arabica dòng Bourbon cho năng suất thấp hơn nhiều so với các loại cà phê được trồng phổ biến ở Lâm Đồng, thập chí chỉ bằng một nửa. Do đó, vào năm 2000 khi giá cà phê Arabica xuống còn 4.000 đồng/kg, gia đình ông đã phá bỏ gần hết vườn cà phê Bourbon để trồng hoa, chỉ giữ lại 200 gốc cho đến nay.
Theo các chuyên gia đến từ Công ty Cà phê UCC UESHIMA COFFEE CO., LTD, cà phê Arabica hiện có nhiều dòng khác nhau. Dòng Bourbon được trồng tại Đà Lạt có giá trị cao nhất Việt Nam và có chất lượng hương vị sánh ngang với cà phê ngon nhất thế giới. Arabica dòng Bourbon xuất phát từ cảng Mocha ở Yemen, được du nhập đến đảo Bourbon (giờ có tên là Reunion)- hòn đảo nhỏ thuộc Pháp. Cà phê Arabica Bourbon lần đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam năm 1875. Đây là loại cà phê quý hiếm mà theo các chuyên gia cà phê Việt Nam và Nhật Bản, Đà Lạt hiện chỉ còn khoảng 500 cây, trong đó ông An có 200 cây.
Mỗi gốc cà phê thu nửa triệu đồng
Ông An kể, mãi đến năm 2012, gia đình ông mới biết mình đang sở hữu loại cà phê Bourbon quý hiếm. Khi đấy một số chuyên gia cà phê đến Đà Lạt khảo sát để thu mua loại nông sản này đã tới gia đình ông đúng vào thời điểm 200 gốc cà phê đang cho quả chín mọng. Những người này đã chọn những quả chín nhất xin mang về để phân tích và rất quan tâm đến vườn cà phê ông An.
Năm đó, trên thị trường cà phê Arabica chỉ bán được 6.000 đồng/kg (cà phê tươi) nhưng cà phê Arabica dòng Bourbon của ông An được Công ty TNHH Cà phê Là Việt “để mắt” và mua với giá gấp đôi. Từ đó đến nay, ông An đã ký hợp đồng cung cấp nhân cà phê này cho một công ty ở Đà Lạt với giá luôn cao hơn gấp đôi so với giá Arabica trên thị trường.
Cũng trong năm 2012, được sự hướng dẫn của một số chuyên gia cà phê, ông An lấy mấu đất gửi đi phân tích độ pH để có hướng chăm sóc cà phê Bourbon đúng kỹ thuật. Vườn cà phê của ông hầu như không sử dụng các loại phân hóa học mà chủ yếu sử dụng phân chuồng (phân heo) trộn với một lượng nhỏ phân hữu cơ được nhập về từ Israel, mỗi năm bón 2 lần vào thời điểm có mưa…
Hiện chỉ với 200 gốc cà phê Arabica dòng Bourbon, nhưng trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông An về 100 triệu, tính ra mỗi gốc cà phê thu về nửa triệu đồng. Ông An cho biết, hiện mỗi ký hạt cà phê khô của ông được bán tới 1 triệu đồng/kg.
Nguồn: sưu tầm