Cùng với hoàn thiện hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống nông hộ là mục tiêu hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, bằng nhiều hướng đầu tư, nhiều gia đình ở Hòa Vang (Đà Nẵng) nỗ lực vươn lên làm giàu, đời sống khá giả, góp phần làm cho làng quê ngày càng trù phú.
Về hưu, nuôi dê và gà đá
“Với giá 150.000 – 170.000 đồng/kg, con dê 6 tháng tuổi bán ra 4 – 5 triệu đồng. Cách đây hai năm, mua từ Phú Yên về 50 con, nay tổng đàn hơn 100 con, chưa kể hàng chục con đã bán đi. Tính sơ, trị giá đàn dê chí ít cũng hơn 300 triệu đồng. Còn gà đá, loại 1 năm tuổi bán ra 700.000 đồng/con. Với gần 1.000 con đang nuôi, mỗi năm kiếm vài trăm triệu đồng không khó”, ông Ngô Đình Tánh, ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) cho biết.
Nguyên là lái xe, ông Tánh nghỉ hưu mấy năm nay. Tuy cuộc sống không đến nỗi khó khăn, song cái máu làm giàu và ham thích cảnh điền viên, ông Tánh mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng lập trang trại cách nhà hơn cây số, nuôi dê, gà. Đến thăm trang trại ông vào buổi chiều tà, khi nhìn đàn dê, đàn gà đủng đỉnh về chuồng càng khâm phục lão nông này khi biết khai thác tiềm năng thiên nhiên để làm giàu.
Lùa đàn dê vào chuồng xong, lại bàn rót nước mời khách, ông Tánh nói như khoe: “Dê mẹ mỗi năm đẻ 2,5 lứa, mỗi lứa 2 con. Từ khi lọt lòng, chỉ 7 tháng sau dê cái đã thành mẹ. Mẹ đẻ, con đẻ chẳng mấy chốc thành đàn. Loài vật này ăn lá cây rừng đỡ tốn kinh phí đầu tư thức ăn. Có điều, chuồng trại phải cao ráo, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè và phòng bệnh chu đáo. Từ ngày đưa con giống về cách đây hơn hai năm, đến nay chưa có triệu chứng bất thường về sức khỏe của dê. Tính ra, mỗi năm xuất chuồng dăm bảy chục con cả dê thịt và dê giống”.
Thấy 2 con gà đá cứ quần nhau mãi ở góc sân, chúng tôi tính chuyện giảng hòa cho chúng, nhưng ông Tánh ngăn lại: Kệ chúng, thế mới gọi là gà đá! Nhấp ngụm nước, ông tiếp: Nuôi loài gà này quả là làm chơi, ăn thiệt. Con trống bán ra với giá 700.000 đến 1 triệu đồng/con, con mái 150.000 đồng/kg. Thức ăn chủ yếu chúng tự kiếm trong tự nhiên. Sức kháng bệnh tật loài gà này rất cao. Tiêm vắc-xin đầy đủ và vệ sinh chuồng trại chu đáo, chẳng lo gì dịch bệnh. Tổng đàn gần 1.000 con, đa số gà trống đến kỳ xuất bán, tài sản quả không ít.
Ông Tánh nhẩm tính: Thu từ bán dê, bán gà, mỗi năm chí ít cũng 600 – 700 triệu đồng, lãi ròng trên 200 triệu. Có điều, phát triển kinh tế kiểu này phải bám trụ thường xuyên, khá vất vả. Đêm đến, ở nơi núi đồi heo hút, đôi lúc cũng cảm thấy trống trải. Được cái, mấy đứa cháu nhận nuôi dê, gà rất tận tụy với công việc, cũng đỡ phần nào.
Trưởng thôn tiên phong nuôi cá lồng bè
Năm 2013, sau khi đi tham quan học hỏi tại một số địa phương, được bạn bè tư vấn, ông Hồ Phú Sâm, Trưởng thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng, lập bè gồm 20 lồng, tổng diện tích 200m2 để nuôi cá trên sông Cu Đê. Ông Sâm cho biết: Mỗi lồng thả 6.000 – 7.000 cá giống, năm hai lứa. Với 20 lồng, thả nhiều đợt. Sau 4 – 5 tháng nuôi, không có sự cố gì, cá có trọng lượng gần 1kg/con, thu cỡ 2 tấn/lồng, trừ chi phí khoảng 80%, mỗi năm lãi 500-600 triệu đồng.
“Nước sông Cu Đê lưu lượng chảy vừa phải, rất lý tưởng để nuôi cá lồng bè. Tính toán thời gian nuôi phù hợp, thu hoạch trước lũ, dứt khoát trúng đậm”, ông Sâm đúc kết. Về đầu ra sản phẩm, chủ bè cá tự tin cho biết: “Nhiều lúc không đủ cho khách hàng. Bạn hàng từ Huế vào thường mua số lượng lớn 4 – 5 tấn/đợt, họ cân hết lượt”.
Từ những mô hình kinh tế đó, cùng với việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hy vọng người dân Hòa Vang không chỉ nâng cao đời sống cá nhân, mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn mới thêm trù phú.