Site icon Nuoitrong123

Nông dân ứng dụng công nghệ sinh học

Ít ai ngờ rằng, chất thải của heo lại có mùi,… thơm và trở thành món ăn khoái khẩu cho cá. Sự hữu ích này có được là nhờ nông dân đã áp dụng công nghệ sinh học mới. Họ có thể tiết kiệm một khoản chi phí lớn khi chăn nuôi theo mô hình heo – cá,…

 

“Đây là phân heo đã,…” – ông Bùi Quang Sinh – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Trị nói chưa hết câu, nhiều người liền lấy tay bịt mũi. Riêng ông Sinh bình thản thọc tay vào bể chứa, bốc một nắm “hợp chất” đưa lên mũi ngửi. “Ủ đúng kỹ thuật, mùi rất thơm, có thể đem cho cá ăn được” – ông nói.

Gần một năm nay, khu vực hồ Hoàng Hôn thuộc địa phận phường 4, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) luôn tấp nập nông dân ra vào. Họ đến đây để tham quan mô hình chăn nuôi heo, cá theo quy trình công nghệ sinh học của Hội nông dân tỉnh.

Công nghệ “chế biến” phân heo

Trong kho nguyên liệu, một công nhân giới thiệu: Thức ăn cho heo được chế biến theo công thức: 10kg hỗn hợp bột ngô (bắp), sắn (khoai mì), cám gạo trộn đều với 0,5kg đường và nửa lít chế phẩm sinh học. Sau khi ủ 48 tiếng, mang hỗn hợp này trộn với 90kg bột ngô, sắn, tiếp tục ủ trong bốn tiếng thì có thể cho heo ăn”.

Ông Bùi Quang Sinh cho biết thêm: “Heo giống mua về có trọng lượng 20kg/con, sau hai tháng nuôi xuất chuồng đạt trọng lượng bình quân 70kg/con. So với nuôi công nghiệp, chi phí thức ăn giảm 30% (từ 3,3kg xuống 2,2kg thức ăn/kg heo hơi). Bình quân mỗi đầu heo lãi hơn 200.000 đồng, một lao động có thể nuôi được 100 con/lứa”.

Tại bể ủ phân heo, nhiều bác nông dân bất ngờ khi ông Sinh thản nhiên bốc một nắm đưa lên giới thiệu: “Phân heo tươi mùi hôi thối, nhưng sau 48 giờ trộn ủ với men sinh học và hỗn hợp cám gạo, rỉ đường thì bốc mùi thơm, giàu dinh dưỡng. Cá rất “khoái khẩu” loại thức ăn này”.

Để minh chứng, ông cho công nhân rải phân heo đã ủ xuống mặt ao, hàng ngàn con cá trê lai, rô phi đơn tính, chép lai ba máu nhao lên mặt nước đớp mồi, ai cũng xuýt xoa: “Trông thích thật”. Khu ao hiện đang nuôi bốn vạn cá chép lai ba máu, bốn vạn cá trê lai, một vạn cá lóc, 1,5 vạn ba ba. Theo tính toán, nếu dùng thức ăn công nghiệp thì tiêu tốn 1,8 triệu đồng/ngày, trong khi dùng phân heo lên men chỉ tốn 150.000- 200.000 đồng/ngày. “Vừa rồi chúng tôi đánh tỉa một tấn cá trê lai bán với giá 23.000 đồng/kg, trừ 6.000 đồng chi phí, lãi 17.000 đồng/kg, trong ao hiện còn khoảng 5 tấn cá trê nữa. Dưới sự tác động của vi khuẩn có lợi có trong thức ăn lên men và chế phẩm sinh học xử lý môi trường, chuồng trại không còn mùi hôi thối, ao nuôi không cần phải thay nước” – ông Sinh khẳng định.

“Địa chỉ đỏ” của nông dân

Bước vào vụ sản xuất tháng 11-2004, trang trại chăn nuôi heo, cá khép kín đã trở thành một địa chỉ đỏ để Hội nông dân tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT miễn phí cho nông dân.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Hướng Hóa cho biết: “Ngay sau khi được tham quan và tập huấn, 12 hộ ở thị trấn Lao Bảo đã đầu tư xây dựng chuồng trại, ao nuôi với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ nuôi trên 50 con heo/lứa, thả hàng vạn cá trê lai, chép lai, rô phi đơn tính. Mức tăng trọng heo nuôi của hộ anh Nho, chị Xíu còn cao hơn cả mức tăng trọng heo nuôi ở trang trại của tỉnh Hội, đạt 30kg/con/tháng”. Hội nông dân tỉnh cũng đang giải ngân hơn 500 triệu đồng, giúp chi hội thôn Hải Hòa, thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) xây chuồng trại, ao, mua heo, cá giống.

Theo thạch toán chi tiết, nếu áp dụng công nghệ sinh học, một hộ chỉ cần nuôi 10 con heo/lứa, xây 20m2 ao nuôi cá trê lai, thì mỗi năm thu lãi ít nhất là 15 triệu đồng,… Hội nông dân tỉnh còn chỉ đạo điểm trong việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý 7 ha nước ao nuôi tôm sú ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Qua so sánh với các ao không sử dụng chế phẩm thì năng suất tôm cao hơn hẳn, chi phí phòng, chữa bệnh giảm.

Năng suất tăng gấp ba

Ông Sinh cho biết thêm: Công nghệ sinh học mà Trung tâm sinh học Việt-Nhật (Hà Nội) chuyển giao cho Hội nông dân tỉnh Quảng Trị có phạm vi ứng dụng rất rộng rãi. Từ rác thải sinh hoạt đô thị, phân gia súc, lá cây xanh… trộn ủ với chế phẩm sinh học sẽ cho ra một loại phân bón sạch, giàu chất dinh dưỡng. Vụ xuân vừa rồi, Hội đã chỉ đạo điểm việc dùng phân vi sinh tự ủ để chăm bón 20ha lạc (đậu phọng) cao sản ở xã miền núi Pa Tầng (Hướng Hóa). Khi nghiệm thu, trước sự chứng kiến của một số cán bộ các cấp, các ngành, năng suất lạc đạt 3,6 tạ/sào, cao hơn gần ba lần so với năng suất bình quân ở Quảng Trị.

“Kế hoạch của những năm tới, Hội sẽ đẩy mạnh công tác khuyến nông cho nông dân, lấy mô hình điểm của Hội nông dân tỉnh để làm cơ sở nhân rộng tới các hộ hội viên. Năm 2004, Tỉnh hội có riêng một nghị quyết về ứng dụng công nghệ sinh học trong xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi đã nắm vững các quy trình kỹ thuật và đã được các nhà khoa học chuyển giao, cán bộ Hội phải là những khuyến nông viên thực sự tin cậy của nông dân” – ông Sinh khẳng định chắc nịch.

Tập tin đính kèm
   116_MHSXG.12_Nong-dan-ung-dung-CN-sinh-hoc.pdf

Nguồn: hoinongdan.gov.vn

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version