Nữ tiến sĩ lội ruộng, trồng rau thơm từ rừng nguyên sinh bán theo combo
thanhtam
Tự nhận mình không có khiếu kinh doanh nhưng để có tiền nuôi những dự án canh nông hữu ích, TS.Ngô Kiều Oanh buộc mình khoác áo nhà buôn từ sắt vụn, gỗ nghiến, và hiện là rau thơm.
“Tiến sĩ lội ruộng, đi buôn cũng là thường”
Người dân Ba Vì và khách du lịch đến vùng đất này đã không còn xa lạ với hình ảnh bà tiến sĩ tuổi đã ngoài 65 chân lấm tay bùn, lội ruộng cuốc đất, trồng rau, bón phân thành thạo không kém bất cứ nông dân bản địa nào. 4 năm nay, rau thơm của TS. Ngô Kiều Oanh dần được nhân dân trong vùng và người dân thủ đô biết đến.
Theo chị Nguyễn Thị Bích, một khách hàng ở 31 Lê Duẩn (Hà Nội): “Đây là thứ rau hữu cơ trồng trên đất rừng nguyên sinh tinh khiết mang hương vị tự nhiên, chất lượng khó có nơi nào sánh bằng”.
TS. Ngô Kiều Oanh là con gái thứ 2 của cố bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn, bộ trưởng hai bộ Canh nông và Kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Bà là cử nhân Điều khiển học, Tiến sĩ Khoa học. Ảnh: Diệp Sa
Để được như vậy, bà “tiến sĩ rau thơm” không chỉ mất nhiều năm lăn lộn nghiên cứu mà còn phải chấp nhận khoác áo dân buôn hòng có tiền tiếp tục nuôi dự án. Bà thú nhận, kinh doanh thật sự không phải là năng khiếu của bà, càng không phải công việc bà ưa thích nhưng là lựa chọn tất yếu buộc phải làm. Bởi: “Không làm, lấy tiền đâu nuôi nghiên cứu và triển khai dự án?”
Mô hình trồng rau hữu cơ trên đồi núi Ba Vì hiện nay cũng không phải bài toán kinh tế đầu tiên ép TS. Ngô Kiều Oanh đi buôn. Trong quá khứ, bà từng nhiều phen chìm nổi với những “phi vụ” buôn sắt vụn để nuôi công ty du lịch ở Đồng Mô, buôn thớt gỗ nghiến từ Việt Nam sang Trung Quốc để nuôi dự án du lịch tại Sơn Tây (Hà Nội)… Những câu chuyện đi buôn “cười ra nước mắt” của bà hiện vẫn được người thân, bạn bè gần gũi kể lại khi nhắc tới vị nữ tiến sĩ đầy tâm huyết với du lịch và nông nghiệp này.
Những ruộng rau hữu cơ tại Ba Vì của tiến sĩ Ngô Kiều Oanh được nhiều sinh viên nước ngoài và học sinh các trường tiểu học trong khu vực và tại Hà Nội tới thăm quan, trải nghiệm. Ảnh: NVCC
“Giáo sư thì phải đứng bục giảng nhưng Tiến sĩ là phải tập trung đi sâu vào nghiên cứu. Nghiên cứu rồi thì phải có kết quả, có kết quả là phải ứng dụng. Tôi đã tìm hiểu đất Ba Vì từ năm 1996 tới giờ, từ khí hậu, thổ nhưỡng, chất đất, chất nước và tới cả chất người, tôi đều rõ cả. Đây là nơi tuyệt vời nhất để trồng rau hữu cơ. Có kết quả rồi thì tôi phải bắt tay vào thực hiện. Tôi có thể cuốc đất, lội ruộng, làm phân, trồng rau, cấy lúa thành thục như nông dân. Hiểu đúng về công việc của một Tiến sĩ thì mọi người sẽ thấy tất cả những gì tôi làm là lẽ thường!”, TS Oanh cho biết
Bà nói là vậy nhưng bất cứ ai từng chứng kiến những đổi thay ở bà từ khi là tiểu thư “cành vàng lá ngọc” sống trong căn hộ sang trọng giữa phố cổ Hà Nội, là hoa khôi của viện Khoa học Công nghệ Việt Nam thập niên 80 tới nay, hẳn sẽ thấy tâm huyết của nhà khoa học này với từng dự án du lịch, nông nghiệp trên các miền quê.
Trải thảm rau hữu cơ lên đồi núi, đem rau sạch về thành thị
TS. Ngô Kiều Oanh chia sẻ, bà phát hiện và xác định Ba Vì là vùng nguyên liệu lý tưởng để trồng rau hữu cơ từ năm 2008. Nơi đây có cánh rừng nguyên sinh còn được bảo tổn, thảm thực vật phong phú, chất đất, chất nước hoàn toàn tinh khiết và đặc biệt, không chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. “Chất lượng rau hữu cơ mang hương vị thiên nhiên có thể thay thế cho rau dại núi rừng đang trở thành cơn sốt, có giá đắt đỏ mà người dân thành thị lùng mua trong suốt thời gian qua”.
Hiện tại, mô hình trồng rau hữu cơ và thảo dược quý trên đồi núi được TS Oanh thí điểm trên diện tích hơn 7.000m2 tại chân núi Ba Vì Hương Tiên, sát rừng quốc gia Ba Vì. 19 nhân viên của trang trại trồng rau phần lớn là người dân tộc Mường, được bà đào tạo sâu các kiến thức về nông nghiệp. Ngoài nhóm người này, thông qua TS. Ngô Kiều Oanh, bộ nông nghiệp đã đào tạo thành công cho hơn 100 nông hộ tại Ba Vì có chứng chỉ trồng rau hữu cơ an toàn.
Ts. Kiều Oanh đã mất tới 3 năm để làm ra loại phân bón hữu cơ lý tưởng, không mùi cho rau, được ủ từ phân chuồng, lá cây rừng và nước vi sinh. Ảnh: NVCC
Chỉ tính riêng thời gian để làm ra loại phân bón hữu cơ (phân chuồng ủ với lá xanh, tưới nước vi sinh khử mùi hôi) cho rau, bà Oanh đã mất tới 3 năm trải nghiệm và học hỏi phương pháp canh nông của nông dân bản địa. Hàng tuần, ngoại trừ khi có việc phải về thành phố, bà Oanh dành toàn bộ thời gian ở Ba Vì cùng nông dân núi Tản trồng rau và nghiên cứu thêm về mô hình du lịch nông nghiệp.
Dù tự nhận không có khiếu kinh doanh nhưng sau nhiều năm trải nghiệm thương trường để nuôi nghiệp nghiên cứu, TS. Kiều Oanh thấu hiểu tầm quan trọng của việc đem tới thành công cho một thương hiệu là phải tạo được ưu thế cạnh tranh. Trong nhan nhản thương hiệu rau ăn lá được quảng cáo sạch và an toàn trên thị trường, bà tìm cho mình một lối đi riêng với rau thơm hữu cơ bán theo combo.
“Rau thơm chưa được bán phổ biến như rau ăn lá. Đây là loại thực phẩm bổ dưỡng, thơm ngon, làm tăng sức đề kháng, hút thực khách nhưng vì tính an toàn VSTP, lại luôn khiến khách sợ khi phải ăn sống. Rau thơm trồng theo phương pháp hữu cơ vừa mang hương vị tự nhiên lại an toàn, tốt cho sức khỏe”.
Mỗi túi rau ghém, bà Oanh cho đóng gói khoảng 5-7 loại rau thơm, trọng lượng 100 gr, được bán ra với giá 10.000 – 12.000 đồng bao gồm cả công vận chuyển. Sản phẩm đang trong giai đoạn đầu ra thị trường, được bà “bán nhờ” một nhóm bán hoa quả combo theo mùa tại Hà Nội, nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng.
Đất cằn trồng sắn sau 6 năm được “Tiến sĩ rau thơm” và người dân cải tạo trở thành những ruộng rau hữu cơ màu mỡ. Ảnh: NVCC
Chị Hồng Nhung (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, trong cả thùng hoa quả, món quà tặng kèm là túi rau thơm hữu cơ lại chính là món ăn chị và gia đình thích nhất. Chị Nhung chia sẻ: “Gia đình tôi vốn thích ăn rau sống nhưng vì sợ rau mua ngoài chợ không sạch mà ăn sống sẽ ảnh hưởng sức khỏe nên rất hạn chế mua. Rau thơm hữu cơ của cô Oanh trồng quả thật vừa ngon, vừa an toàn. Tôi rất hi vọng mô hình trồng rau hữu ích này sẽ được nhận rộng!”
Trong câu chuyện tiễn chân, TS. Ngô Kiều Oanh vui mừng chia sẻ, sau 6 năm tận tâm cho mô hình rau sạch đồi núi, bà đã nhận được đơn hàng “ra tấm ra món” đầu tiên từ một công ty chứng khoán, địa ốc tại Sài Gòn, đặt rau ăn lâu dài cho 300 hộ gia đình. “Nếu mô hình tại Ba Vì thành công, tôi sẽ có thể hoàn thành ước mơ lan tỏa mô hình rau sạch đồi núi tới nhiều vùng miền cả nước. Thị trường sẽ không còn cảnh thừa rau bẩn, khát rau sạch như hiện nay”.